Tin thủy sản Làm gì để phát triển nuôi biển bền vững?

Làm gì để phát triển nuôi biển bền vững?

Tác giả Phương Chi, ngày đăng 19/08/2024

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, phát triển nuôi biển công nghiệp tập trung là hướng đi tất yếu của nuôi biển Việt Nam.

Hướng đi tất yếu

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, trong 2-3 năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã kêu gọi ngư dân tiến ra biển để canh tác. Tuy nhiên, do điều kiện và tầm nhìn giai đoạn này còn những hạn chế nên ngư dân tiến ra biển bằng sức của họ là chính, làm theo cách họ nghĩ và họ học hỏi nhau để làm mà không có tiêu chuẩn, quy chuẩn nào. Do vậy, nghề nuôi biển mặc dù có phát triển nhưng trình độ công nghệ rất thấp và mô hình tổ chức sản xuất chủ yếu hộ gia đình là chính.

Từ việc phát triển như vậy tạo ra mối nguy rất lớn cho chính ngành nuôi biển và những khu vực biển người dân nuôi. Bởi vì xuất hiện những vấn đề quá tải về môi trường, cung cấp đầu vào cho nuôi biển, tiêu thụ sản phẩm cho nuôi biển và không có tổ chức nào kết nối tất cả các khâu của chuỗi giá trị nuôi biển.

Mô hình nhân giống và nuôi mực thương phẩm tại vùng biển hở Ninh Thuận của Công ty Cổ phần Mực nhảy Biển Đông. Ảnh: PC.

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng phân tích, Khánh Hòa được đánh giá là thủ đô nuôi biển hiện tại và tương lai của Việt Nam. Tuy nhiên, thực trạng nuôi biển hiện tại của Khánh Hòa cũng tương tự như các địa phương khác. Đó là tình trạng phát triển nuôi biển manh mún, nhỏ lẻ, rời rạc, không có liên kết, không có những tiêu chí để đạt đến sự phát triển bền vững.

Vì thế, Khánh Hòa đã có Nghị quyết về phát triển nuôi biển theo hướng bền vững. Trong đó, yếu tố thiết lập các chuỗi giá trị trên cơ sở liên kết giữa các khâu chuyên môn hóa trong chuỗi giá trị nuôi biển là giải pháp chủ yếu.

Nhưng để thực hiện được thì phải thiết lập, giải quyết rất nhiều vấn đề từ quản lý Nhà nước tới vốn đầu tư và trình độ của ngư dân. Trước hết, phải có các quy định về pháp lý, các quy chuẩn, tiêu chuẩn nuôi biển để làm cơ sở đánh giá, công nhận, đăng ký, đăng kiểm các thiết bị và phương tiện nuôi biển, trại nuôi biển.

"Trên cơ sở đó mới kêu gọi được các công ty bảo hiểm bán bảo hiểm cho hộ nuôi biển, và khi đó tài sản của ngư dân trên biển mới được công nhận, có thể thế chấp tại ngân hàng; người nuôi biển có thể tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng. Đây là điều mà ngư dân mơ ước từ rất nhiều năm nay nhưng chưa thực hiện được.

Quan trọng hơn, chúng ta sẽ tạo được lượng hàng hóa lớn với độ đồng nhất về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường thế giới, mở rộng được xuất khẩu”, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng cho hay.

Nuôi ở vùng biển hở, cá tôm nuôi nhanh lớn, tỷ lệ hao hụt thấp, ít dịch bệnh so với nuôi gần bờ. Ảnh: PC.

Theo thống kê, diện tích nuôi biển của Việt Nam khoảng 9,5 triệu m3 lồng (bao gồm: 4,3 triệu m3 lồng nuôi cá biển; 5,2 triệu m3 lồng nuôi tôm hùm) với sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 5,4 triệu tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2023 ước đạt khoảng 9,2 tỷ USD.

Xây dựng kế hoạch phát triển nuôi biển

Theo Sở NN-PTNT Khánh Hòa, nghề nuôi trồng thủy sản trong đó có nuôi biển đóng vai trò quan trọng đối với lĩnh vực thủy sản của Việt Nam cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cùng với các ngành kinh tế biển khác, nghề nuôi biển ở Khánh Hòa thời gian qua đã góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế ở các vùng nông thôn ven biển, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh vùng ven biển, đóng góp lớn vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Cụm công nghiệp nuôi biển của Công ty Australis Việt Nam. Ảnh: PC.

Hiện nay, Khánh Hòa có trên 97 nghìn lồng nuôi trồng thủy sản với sản lượng hằng năm đạt trên 18 nghìn tấn (trong đó sản lượng nuôi biển chiếm khoảng 50%) đã tạo việc làm cho hơn 5 nghìn lao động nông thôn, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân ven biển, góp phần nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất ngành thủy sản.

Các đối tượng nuôi chính trên biển gồm cá chẽm, cá bớp, cá chim vây vàng, tôm hùm... trong đó, tôm hùm là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao được khách du lịch và các thị trường nhập khẩu nước ngoài ưa thích.

Tuy nhiên, hoạt động nuôi biển của Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung hiện nay chủ yếu là nuôi gần bờ, nuôi với quy mô nhỏ lẻ, vật liệu lồng bè nuôi bằng gỗ truyền thống độ bền thấp, không ổn định, sử dụng thức ăn tươi... đang gây ô nhiễm môi trường và chồng chéo với việc sử dụng diện tích mặt nước với các ngành kinh tế khác, dẫn tới hiệu quả không cao

Mặt khác, những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm cho các hiện tượng thời tiết, thiên tai cực đoan... xuất hiện thường xuyên hơn, ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề đến ngành nuôi trồng thủy sản.

Mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển hở Khánh Hòa. Ảnh: PC.

Để phát triển nuôi biển trong tương lai, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành kế hoạch về triển khai chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, xác định mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng thủy sản chiếm khoảng 62% của cơ cấu toàn ngành nông nghiệp. Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản chiếm 40% tổng sản lượng thủy sản, với giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 700-725 triệu USD, tăng trưởng bình quân khoảng 6%/năm.

Khánh Hòa định hướng giai đoạn này sẽ thực hiện giao khu vực biển vùng ven bờ cho người dân để yên tâm đầu tư sản xuất, ổn định đời sống. Kết hợp tuyên truyền hướng dẫn chuyển đổi từ hình thức nuôi bằng lồng bè gỗ truyền thống sang lồng bằng vật liệu mới (HDPE) chịu được sóng gió, đảm bảo an toàn và mỹ quan kết hợp với mô hình du lịch biển. Khuyến khích người dân nuôi các loại giống mới có giá trị kinh tế, các sản phẩm chủ lực, kết hợp nuôi đa loài để tăng hiệu quả vừa giảm ô nhiễm môi trường.

Cùng lúc, kêu gọi các doanh nghiệp có kinh nghiệm, tiềm lực đầu tư nuôi biển công nghiệp bằng lồng bè hiện đại ở những vùng biển hở để tăng nhanh hơn nữa sản lượng nuôi công nghiệp.

Ngoài ra, chuyển nhanh hoạt động sản xuất, nuôi trồng thủy sản chủ lực của tỉnh sang sản xuất thủy sản hàng hóa, nâng cao giá trị các loài thủy sản trên đơn vị diện tích, truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu.

Đồng thời, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; Phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng trang trại, công nghiệp, gắn với chế biến. Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong nuôi trồng thủy sản, đảm bảo an toàn dịch bệnh vừa nâng cao hiệu quả kinh tế.

“Để chiếm lĩnh thị trường thủy sản hiện nay, cần có 3 điều kiện: Đầu tiên, sản lượng hàng hóa đủ lớn để có vị trí trên thị trường. Thứ 2, sản lượng hàng hóa đó phải được chứng nhận về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo các tiêu chí mà thị trường yêu cầu. Thứ 3, toàn bộ hệ thống đó phải được chuyên môn hóa và ký hợp đồng kinh tế từ đầu vào cho đến đầu ra”, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, khẳng định.


Có thể bạn quan tâm

mo-hinh-nuoi-tom-cang-xanh-lot-o-an-thanh-ben-tre Mô hình nuôi tôm càng… nuoi-tom-sinh-hoc-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau Nuôi tôm sinh học thích…