Mô hình kinh tế Làm Giàu Từ Đa Cây, Đa Con

Làm Giàu Từ Đa Cây, Đa Con

Ngày đăng 22/10/2014

Nhằm hạn chế rủi ro do biến động thời tiết cũng như giá cả của thị trường, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã chủ động phát triển kinh tế theo hướng tổng hợp đa cây, đa con, có thu nhập cao và ổn định.

Điển hình như mô hình kinh tế của gia đình bà Lê Thị Kim Liên ở thôn 17, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) mỗi năm cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng từ 15 ha đất, với đủ loại cây trồng như tiêu, cà phê, cao su, cây ăn trái...

Bà Liên chia sẻ: “Trên cùng một diện tích đất, nhưng nếu biết khai thác và bố trí cây trồng một cách khoa học thì hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Những năm gần đây, trong khi không ít nông dân lao đao do giá cả thị trường nông sản luôn bấp bênh, nhưng gia đình tôi vẫn ổn định nhờ đa dạng hóa cây trồng vật nuôi”.

Với kết quả đạt được, trong 5 năm liền bà đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh và có nhiều người đến tham quan, học hỏi mô hình làm ăn.

Tương tự, gia đình anh Nguyễn Văn Dương ở thôn 12, xã Nam Dong (Chư Jút) cũng đã thành công với mô hình VAC (vườn, ao, chuồng). Theo đó, hàng năm, trang trại luôn duy trì được đàn heo thịt trên 200 con và 25 con heo nái, ít bệnh tật, luôn phát triển tốt. Ngoài ra, với 5 ha đất, gia đình còn đầu tư vào việc trồng cà phê, cao su, mía và đào ao nuôi cá. Theo ước tính, trừ tất cả mọi chi phí sản xuất, hàng năm, gia đình anh có thu nhập trên 700 triệu đồng.

Anh Dương cho biết: “Việc phát triển kinh tế theo hướng đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi đã mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho gia đình, hạn chế được những rủi ro do thời tiết và những biến động của thị trường”.

Còn gia đình anh Nguyễn Văn Thắng, thôn Đắk Suôn, xã Quảng Tân (Tuy Đức) thì với 4 ha đất, anh đã đầu tư trồng cà phê, tiêu, cây ăn trái và chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm. Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập, anh Thắng đã chủ động tìm hiểu tiến bộ kỹ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng, tham gia các buổi hội thảo cũng như học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, rồi áp dụng thực tế vào gia đình.

Trong quá trình chăm sóc, anh luôn tuân thủ nguyên tắc 4 đúng (đúng cách, đúng thời gian, đúng liều lượng và đúng nồng độ), nên vườn rẫy luôn xanh tốt, ít bệnh tật, mỗi năm thu nhập hơn 400 triệu đồng.

Anh Thắng cho biết: “Việc xen canh và đa dạng hóa cây trồng góp phần giảm thiểu chi phí đầu tư cũng như công chăm sóc. Nhờ đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi mà những năm gần đây gia đình tôi ít bị ảnh hưởng bởi sự biến động của thị trường”.

Có thể thấy, nhờ tích cực trong lao động, cộng với đức tính kiên trì, chịu khó, biết tiếp thu cái mới để áp dụng vào sản xuất, mà nhiều hộ nông dân đã vượt qua khó khăn, trở thành những điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển nông thôn mới ở các địa phương.


Có thể bạn quan tâm

cuu-chien-binh-muong-ang-tich-cuc-tham-gia-phat-trien-cay-ca-phe Cựu Chiến Binh Mường Ảng… huong-den-phat-trien-cay-ho-tieu-ben-vung Hướng Đến Phát Triển Cây…