Tin nông nghiệp Làm Hội mà không bám sát nhu cầu của dân thì.. uổng cơm

Làm Hội mà không bám sát nhu cầu của dân thì.. uổng cơm

Tác giả Hùng Phiên, ngày đăng 20/02/2016

Đó là chia sẻ của ông Lương Công Thinh - Chủ tịch Hội Nông dân (ND) xã Hòa Kiến, TP.Tuy Hòa (Phú Yên).

Bám đồng, nghe đất

Chỉ mới mươi năm nay, xã miền núi Hòa Kiến đã nổi lên như một vùng cung cấp rau màu hàng đầu trong khu vực. Những thửa đất trập trùng chân núi, ven suối nơi đây giờ quanh năm mướt mát trong sắc hành lá, xà lách, rau thơm, cà, ớt, dưa leo, bầu, bí… Nông dân trồng rau la ghim (rau thơm) thì chân ủng, áo khoác bảo hộ, mũ rộng vành, thao tác cùng nhiều loại máy móc… giống nông dân các nông trại ở những nước phát triển.

Ông Thinh nhớ lại: “Hồi chưa làm vườn la ghim, bà con ở đây chủ yếu sống bằng làm rẫy, trồng khoai sắn và một ít lúa. Đời sống hầu hết đều khó khăn. Một số người thử trồng rau màu trên các thửa đất phù sa ven suối, thấy phát triển tốt, thế là mở rộng dần. Rồi Hội ND cùng chính quyền địa phương “xáp vô” hỗ trợ bà con tìm nguồn giống tốt, chạy tìm đầu ra cho sản phẩm… Mọi chuyện nói vậy chứ không dễ, bởi tất cả đều phụ thuộc vào thị trường”.

Qua tuổi 50, ông Thinh đã có gần 20 năm gắn bó với Hội ND Hòa Kiến. Lớn lên từ nghề nông, ông Thinh luôn có thói quen ở ngoài đồng đất nhiều hơn trong phòng làm việc. Miệng nói tay làm, từ lắng nghe nhu cầu của nông dân, ông liên hệ với các cơ quan khoa học nông nghiệp đưa cán bộ kỹ thuật về tập huấn trồng rau màu an toàn. Bà con bận bịu suốt ngày, ông nghĩ kế tổ chức tập huấn, bàn thảo chuyện làm ăn vào ban đêm. Những buổi hội họp như thế, ngoài nội dung làm ăn “sát sườn”, ông còn “mồi” bằng các cuộc hát nhạc sống, thư giãn vui vẻ sau ngày mệt nhọc.

“So với trước đây, thời ông Thinh “nắm” Hội ND xã, tui thấy được. Bà con luôn thích chuyện cụ thể, ngắn gọn; nhất là phải có hướng làm kinh tế hiệu quả. Có hồi bà con trồng hành liên tục bị héo lá, rụn củ, Hội ND đã chạy mở ngay lớp tập huấn “chữa bệnh”. Ban đầu, ít người tin cứu được vụ hành, vậy mà hiệu quả thấy rõ. Hay như nhờ tín chấp của Hội ND xã mà nhiều bà con đã dễ dàng có được đồng vốn vay để đầu tư sản xuất. Bà con nông dân có gì phức tạp đều nhờ đến tiếng nói của ông Thinh” - ông Nguyễn Đồng Nguyện, thôn Sơn Thọ nhận xét.

Theo đánh giá mới đây của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới TP. Tuy Hòa, hiện thu nhập bình quân ở xã Hòa Kiến đạt gần 24,3 triệu đồng/người/năm. Năm 2015, xã đã có 1.005 nông dân sản xuất giỏi các cấp. Hòa Kiến hiện đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Mùa Tết Bính Thân, hàng trăm nhà vườn ở đây đã đạt mức thu nhập trên 50 triệu đồng/ha rau màu. 

Nhà nông “ngồi chung” thương lái

Giải quyết ổn khâu sản xuất nhưng cái khó muôn trùng vẫn là đầu ra nông sản. “Hội đã cử người nắm bắt ý kiến các nơi nhập hàng rau màu của địa phương. Rồi chúng tôi gặp gỡ các thương lái trực tiếp thu mua nông sản. Mời họ đến dự các cuộc bàn thảo làm ăn với nông dân.

Ý kiến, cam kết của họ luôn có sự chứng kiến của Hội. Cuối năm, nhiều thương lái còn tổ chức đãi tiệc để cảm ơn bà con nông dân. Cho nên làm nông bây giờ phải vững nghề. Chẳng những am hiểu kỹ thuật, người nông dân bây giờ phải liên tục nâng cao kiến thức dự báo thị trường, để tránh rủi ro khi bán hàng” - ông Thinh cho hay.

“Cán bộ nào, phong trào đó. Năng lực, nhiệt tình làm việc của ông Thinh đang được địa phương ghi nhận đánh giá cao. Ông Thinh không bao giờ “làm thinh” khi thấy cái khó của nông dân, vì thế luôn được bà con quý trọng”- Chủ tịch UBND xã Hòa Kiến, ông Bùi Thái Long chia sẻ.


Có thể bạn quan tâm

can-tho-phat-hien-hang-tram-tan-phan-bon-khong-ro-nguon-goc-het-han Cần Thơ phát hiện hàng… nuoi-con-dac-san-tren-dat-kho-can-thu-tram-trieu-dong Nuôi con đặc sản trên…