Tin nông nghiệp Làng tỷ phú xoài 3 màu miền Tây

Làng tỷ phú xoài 3 màu miền Tây

Tác giả Ngọc Trinh, ngày đăng 26/08/2016

Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân, Tấn Mỹ là 3 xã cù lao của huyện Chợ Mới (An Giang).

Vùng đất cồn nơi đây trước kia chỉ thích hợp trồng lúa, làm rẫy thu nhập bấp bênh.

Ông Nguyễn Hoàng Dư, ở xã Bình Phước Xuân, là người tiên phong đưa cây xoài 3 màu về trồng vùng đất cồn này.

“Cách đây 7 năm, tui lặn lội xuống tận vùng Cái Mơn (Bến Tre) để đi tìm giống cây trồng phù hợp với đất cù lao.

Thấy nhiều người trồng xoài 3 màu (còn gọi xoài Đài Loan), tôi đánh liều mang về trồng thử.

Bỏ lúa trồng xoài xuất khẩu

Ông Dư mang giống xoài 3 màu về trồng thử trong vườn nhà mình.

Lúc ấy, ông trồng bằng phương pháp ghép bo.

10 cây xoài cát chu cho hiệu quả kinh tế kém, ông tỉa nhánh để ghép bo xoài 3 màu.

Sau 2 năm ghép, xoài bắt đầu cho trái.

Đợt trái chiến (trái đầu tiên), mỗi trái cân nặng bình quân 1 kg.

Cá biệt có trái nặng gần 2 kg.

Vì giống xoài quá to trái này mà tập quán mua bán tại địa phương không còn đếm chục như trước mà đã chuyển sang cân kg để tính tiền.

“Ban đầu xoài bán ở quê không ai mua vì người ta chưa biết ăn.

Đây là loại trái cây thích hợp ăn sống hoặc chỉ ăn ngon khi gần chín.

Thương lái thu mua cho biết, loại xoài này thị trường Trung Quốc rất chuộng, giá cao.

Nhưng mình trồng ít quá thì xuất khẩu sao được.

Vì vậy, để xuất được xoài sang nước ngoài, tôi phải trồng với số lượng lớn và rủ cả bà con xung quanh cùng trồng thì mới có đủ số lượng xuất khẩu ”, ông Dư cho biết thêm.

Nhìn thấy thị trường tiêu thụ cho xoài 3 màu ở Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước trong khu vực châu Á, ông Dư mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác.

Đất lúa, làm rẫy ông chuyển sang trồng xoài 3 màu để xuất khẩu.

Quyết định này đã giúp gia đình ông và nhiều hộ khác ở đây thoát nghèo, có thu nhập bạc tỷ mổi năm.

Hai năm nay, nhiều thương lái thu mua bán trái cây từ Tiền Giang, Bến Tre, các tỉnh miền Bắc như Lạng Sơn cũng đổ về đây lập vựa, thu mua xoài xuất khẩu.

Bình quân mỗi ngày có đến 100 tấn xoài được thu mua và xuất sang Trung Quốc.

Sự năng động của những nông dân như hộ ông Dư, hộ ông Ba Nê, Bảy Ngói, Ba Rong …đã làm thay đổi diện mạo của một vùng quê.

Ở Bình Phước Xuân hiện nay nhà nào cũng khang trang, nhiều nhà xây biệt thự, dựng nhà 3 gian bằng gỗ quý.Nhiều gia đình có điều kiện cho con du học...

Thu bạc tỷ nhờ xoài

Cây xoài ba màu là loại cây dễ trồng, ngắn ngày, chỉ 18 tháng trồng là cho trái, thu hoạch 2-3 đợt/năm, cây càng lâu năm năng suất càng cao.

Nông dân chỉ đầu tư năm đầu tiên và thu hoạch trọn vẹn trong những năm sau.

Hiện xoài đang có thị trường tiêu thụ rất tốt sang Trung Quốc và các tỉnh, thành trong nước.

Theo nông dân Nguyễn Hữu Tặng ở ấp Bình Trung, xã Bình Phước Xuân, với 3,5 công đất trồng lúa kém hiệu quả, từ năm 2012, ông theo bà con xung quanh chuyển trồng 800 gốc xoài ba màu.

Mỗi đợt thu hoạch bình quân khoảng 4 tấn.

Hiện giá khoảng 22.000 đồng/kg, ông thu lãi trên 50 triệu đồng, cao gấp 5 lần trồng lúa.

Cũng theo ông Tặng, giá xoài được thương lái mua tại vườn luôn dao động 20.000 -30.000 đồng/kg, có lúc hút hàng tăng lên 45.000 đồng/kg.

Có nhà trồng 1 công xoài lá, thương lái đến mua xô luôn 100 triệu đồng, khai thác 1 vụ rồi trả lại cho chủ vườn.

Còn ông Trần Văn Na, xã Mỹ Hiệp có 1 ha xoài, năm qua xoài có giá, ông thu gần 1 tỷ đồng.

“Người dân ở đây giàu lên nhờ cây xoài.

Trồng, mua bán, xuất khẩu xoài đã trở thành đề tài thời sự trong ngày.

Người ta ăn sáng, uống trà, đi đám giỗ, đám cưới cũng bàn chuyện xoài.

Chỉ cần xoài có giá trong 3 năm nữa, vùng này sẽ không còn hộ nghèo”, ông Na khoe.

Ông Nguyễn Văn Trọng, thương lái thu mua xoài ở xã Tấn Mỹ cho biết thêm: Xoài có giá nên đất đai vùng này giá cũng tăng theo.

Một công đất cồn bây giờ giá 90 -100 triệu nhưng rất khó mua.

Ông Huỳnh Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Bình Phước Xuân cho biết, mô hình trồng xoài của xã bắt đầu chuyển đổi từ năm 2006, đến nay nông dân đã chuyển 100% diện tích trồng lúa, tương đương 1.200 ha sang trồng xoài chuyên canh hoặc rẫy xen với xoài.

Cây xoài 3 màu ở địa phương có thị trường tốt, giá bán ổn định, thương lái đến tận nơi thu mua, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Chuỗi giá trị của cây xoài phát triển đã góp phần giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động tại chỗ.

Từ ươm, mua bán cây giống đến trồng, thu hoạch xoài… tất cả đều cần một số lượng lớn lao động tham gia.

"Chỉ tính riêng hoạt động của 12 vựa xoài trên địa bàn 3 xã đã thu hút khoảng 200 lao động tham gia thường xuyên.

Lúc cao điểm, mỗi ngày có trên 100 tấn xoài xuất bán.

Để có 100 tấn xoài, cần ít nhất 100 người thu hoạch", ông Hoàng nói thêm.

Theo ông Bùi Văn Khai, Phó chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh An Giang cho biết, thống kê chưa đầy đủ thì 3 xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân hiện có trên 3.200 ha trồng xoài 3 màu, và đang hướng đến xây dựng vùng xoài VietGAP.

Đây chính là vùng nguyên liệu dồi dào để phục vụ công tác chế biến sản phẩm giá trị gia tăng hay tạo chân hàng để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Qua hơn 5 năm trồng xoài 3 màu trên vùng đất cù lao, nông dân ở đây đã hiểu rất rõ đặc tính sinh học của cây xoài, có thể cho cây ra hoa trái vụ để bán được giá cao dễ dàng.


Có thể bạn quan tâm

tac-dung-cua-silic-doi-voi-cay-trong Tác dụng của silic đối… san-nhong-ong-thu-bac-trieu Săn nhộng ong, thu bạc…