Liên kết chăn nuôi vào chiều sâu
Hiệp hội cácnhà bán lẻ Việt Nam và Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội ký kết hợp tác
Chia sẻ tại hội nghị "Kết nối các doanh nghiệp SX, phân phối thực phẩm Việt Nam an toàn, chất lượng" được tổ chức cuối tuần qua.
Th.S Tạ Văn Tường, GĐ Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết, trung tâm đã tư vấn, xây dựng được 19 chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm. Trung bình mỗi ngày, các chuỗi liên kết tham gia tiêu thụ 392 ngàn quả trứng; 22,35 tấn thịt lợn; 10,75 tấn gia cầm, 100 tấn sữa...
Các chuỗi liên kết trên tạo công ăn việc làm cho trên 4.000 lao động với trên 3.000 trại, trang trại tham gia và cung cấp cho các siêu thị (Big C, Metro, Vinmart, Fivimart, gần 100 cửa hàng của các chuỗi và các trường học, bệnh viện, bếp ăn tập thể trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành trong cả nước).
Tuy nhiên, sự gắn kết giữa các chuỗi liên kết hiện nay vẫn còn hạn chế, chưa phát huy được hết tiềm lực của các chuỗi.
Đặc biệt, trước bối cảnh hội nhập và yêu cầu đỏi hỏi về VSATTP của người dân ngày một cao hơn trong tương lai, theo ông Tạ Văn Tường, ngành chăn nuôi Hà Nội đang và sẽ phải thực hiện đồng bộ một số giải pháp theo chiều sâu sau nhằm đáp ứng được nhu cầu phát triển của thực tế.
Thứ nhất, phải nhanh chóng ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, bởi đây được coi là khâu then chốt, đột phá nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi từ 15 - 20%, từ đó giúp giảm giá thành SX sản phẩm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi Hà Nội với các sản phẩm nhập khẩu.
Thứ hai, tổ chức lại SX chăn nuôi theo chuỗi giá trị, chuỗi ngành hàng với các hình thức liên kết như: Liên kết SX con giống với hộ chăn nuôi thương phẩm giúp chủ động về số lượng cũng như chất lượng con giống.
Liên kết theo chuỗi giống này đảm bảo vật nuôi tránh bị trùng huyết, có ưu thế lai lớn nhanh và nhờ đó giúp hạ giá thành sản phẩm 7 - 11%.
Liên kết giữa hộ chăn nuôi với nhà máy chế biến TĂCN góp phần hạ giá thành sản phẩm 7 - 9% do không phải thông qua đại lý cấp 1, 2, 3.
Liên kết giữa hộ chăn nuôi với cơ sở giết mổ, chế biến. Các điều tra, khảo sát cho thấy, một người chăn nuôi lợi nhuận 3.000 đồng/con lợn/ngày. Nhưng giết mổ, chế biến bán lẻ trên thị trường thu về 800 - 900 ngàn đồng/con/ngày thì sinh lợi gấp 280 lần.
Liên kết này sẽ giúp phân phối hợp lý giá trị của mỗi công đoạn từ trang trại đến - giết mổ - chế biến và tiêu thụ trên thị trường.
Liên kết khép kín chuỗi giá trị từ SX TĂCN - trang trại chăn nuôi - giết mổ, chế biến - thị trường tiêu thụ (đến người tiêu dùng) không chỉ tạo được sản phẩm có giá rẻ nhất đến người tiêu dùng mà còn nâng cao giá trị gia tăng, giúp truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo ATTP.
Liên kết khép kín trên đang được một số Cty, chủ yếu Cty FDI áp dụng khá thành công ở nước ta. Ở Hoa Kỳ, loại hình liên kết này đã được áp dụng từ 1954 và hiện nay là thông lệ trong SX thực phẩm của Mỹ.
Điển hình trong việc nâng cao giá trị chuỗi liên kết trong chăn nuôi tại Hà Nội là trang trại Sen Trì của anh Phùng Ngọc Vĩnh, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất (Hà Nội).
Những năm gần đây, Sen Trì trở thành điểm đến học hỏi kinh nghiệm của nhiều nông dân.
Lợn hương nuôi tại trang trại Sen Trì
Dẫn chúng tôi đi thăm khu trang trại rộng hơn 5,3 ha, anh Vĩnh chia sẻ, trước đây gia đình anh chăn nuôi lợn gia công cho Cty CP, nhưng với mong muốn tìm một hướng đi khác biệt, đồng thời mang đến cho người tiêu dùng Thủ đô nguồn thực phẩm đặc sản mới, anh đã mạnh dạn chuyển sang nuôi lợn hương, một giống lợn có xuất xứ từ vùng Bát Xát (Lào Cai),
Ngoại hình gần giống lợn Móng Cái, thân ngắn tròn, chân thon, da dày, thịt chắc và đặc biệt rất thơm, ngon.
Anh Vĩnh cho biết, toàn bộ lợn hương được chăn nuôi bằng thức ăn thảo dược.
Ngoài chế độ ăn thông thường gồm cám ngô, gạo, anh Vĩnh còn dùng các loại cây, củ thuộc nhóm thảo dược như cây bồ công anh, cây kim ngân, tỏi, nghệ... để cho lợn ăn. Đây không chỉ là nguồn thức ăn thô xanh mà còn trở thành những vị thuốc Nam giúp cho đàn lợn nâng cao sức đề kháng, giảm bệnh tật.
Do nuôi không sử dụng cám công nghiệp nên phải mất 7 - 8 tháng, lợn hương mới cho xuất chuồng, trọng lượng cao nhất cũng chỉ đạt khoảng 35 - 40 kg/con.
Tuy nhiên, bù lại, chất lượng thịt lại rất thơm ngon, thịt chắc và da giòn. Bởi vậy, giá bán lợn hương cao, khoảng 150.000 - 180.000 đồng/kg, cao gấp 2,5 - 3 lần giá lợn nuôi theo hình thức công nghiệp.
Hiện trang trại Sen Trì nuôi 400 con lợn hương, mỗi tháng cung cấp ra thị trường khoảng 1 - 1,2 tấn thịt hơi, song không đủ hàng để bán. Sản phẩm lợn hương của Sen Trì đang được cung cấp cho chuỗi cửa hàng Mr Sạch vủa Cty TNHH Dịch vụ thương mại quốc tế Victory Asian (đường Nguyễn Thị Định, Cầu Giấy, Hà Nội).
Đồng tình với quan điểm phải liên kết sâu hơn nữa các chuỗi giá trị trong chăn nuôi và cung ứng thực phẩm hiện nay, TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, trong những năm qua hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp phân phối, bán lẻ đã tíchích cực hưởng ứng cuộc vận động
“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” một cách chủ động và thiết thực với các tấm gương như CoopMart, SatraMart, HaproMart, Phú Thái, FiviMart, Vinamilk, Điện Quang, VinMart và VinMart+, SapoMart, chợ Đồng Xuân, chợ Bình Điền, Intimex, May 10, Thực phẩm Đức Việt, VPP Hồng Hà…
"Hiệp hội thống nhất và phối hợp với Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội tổ chức 4 đoàn cho người tiêu dùng trực tiếp thăm các trang trại Ba Vì, Sóc Sơn, Thạch Thất… quảng bá qua truyền thông về nguồn thịt, trứng sạch, an toàn, chất lượng của Hà Nội.
Qua đó, kết nối trực tiếp nhà SX với các hệ thống siêu thị thành viên. \
Trong đó, đặc biệt ưu tiên con đường trực tiếp “từ trang trại đến bàn ăn” đối với thực phẩm tươi sống nhưng không quên vai trò quan trọng của các nhà phân phối trung gian (nhà bán buôn, gom hàng, đại lý…) đối với hàng thực phẩm nói chung, đặc biệt là sản phẩm chế biến (sơ chế, chế biến sâu và đồ hộp…).
Song song đó, là kết hợp bán lẻ trực tuyến qua Internet, TV Shopping, SmartPhone, mạng xã hội… nhằm giới thiệu những chuỗi liên kết thực phẩm uy tín, chất lượng trên địa bàn Hà Nội", bà Đinh Thị Mỹ Loan chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ