Mô hình kinh tế Liên Tổ Trồng Rau An Toàn Ở Tân Phú Trung (Củ Chi)

Liên Tổ Trồng Rau An Toàn Ở Tân Phú Trung (Củ Chi)

Ngày đăng 11/11/2011

Vùng rau an toàn xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi được Sở Nông Nghiệp và PTNT phối hợp với địa phương xây dựng từ tháng 9/1997. Việc tập huấn về quy trình sản xuất rau an toàn cho bà con nông dân xã Tân Phú Trung đã được Sở NN-PTNT hướng dẫn cách đây hơn 10 năm và tổ sản xuất rau an toàn (SX RAT) ấp Đình là tổ hợp tác đầu tiên được thành lập. Trong những năm tiếp theo, phát triển thêm các tổ hợp tác rau an toàn: tổ hợp tác ấp Bến Đò, ấp Xóm Đồng, ấp Cây Da và ấp Giòng Sao. Năm 2002 Liên tổ SX RAT Tân Trung đã được thành lập dưới sự chỉ đạo và phối hợp giữa Sở NN-PTNT và chính quyền địa phương nhằm mục đích tạo được sự liên kết hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa các tổ hợp tác.

Từ khi thành lập, liên tổ SX RAT Tân Phú Trung luôn chủ động liên hệ với các đơn vị thu mua, ký hợp đồng thu mua tiêu thụ các chủng loại rau hàng ngày, hàng tuần; các tổ sản xuất rau lập kế hoạch gieo trồng cho mỗi hộ nông dân sản xuất, tránh tình trạng những lúc dư thừa hoặc thiếu một rau cung ứng cho đối tác. Đồng thời tiếp cận với thị trường để sản xuất những loại rau theo nhu cầu.

Năm 2008, Liên tổ được tập huấn về lý thuyết thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGap dành cho xã viên và bà con nông dân trồng rau xã Tân Phú Trung và hiện được nông dân áp dụng.

Liên tổ SX RAT Tân Phú Trung hiện có 5 tổ hợp tác với khoảng 100 xã viên, bao gồm: tổ SX ấp Đình, tổ ấp Xóm Đồng, tổ ấp Bến Đò, tổ ấp Giòng Sao, và tổ ấp Cây Da. Tổng diện tích canh tác 60ha, trong đó 50ha trồng các loại rau ăn quả như: bầu, bí, dưa leo, khổ qua, đậu bắp… và 10ha trồng các các loại rau ăn lá như: rau muống, rau mồng tơi, rau dền, cải xanh, cải ngọt… Bình quân mỗi hộ xã viên có diện tích sản xuất 2.000m2, thu nhập từ 3.000.000 – 4.000.000 đồng/tháng.

Hiện nay, mỗi ngày Liên tổ cung cấp ra thị trường cho các đơn vị thu mua gần 3,5 tấn rau củ quả các loại. Các đơn vị thu mua rau như: hệ thống siêu thị Sài Gòn Coop, một số các công ty TNHH như: Công ty Việt Nhi, Công ty Việt Nhi Triều Dương, Công ty Bích Họa, Công ty Măng Non,…và các bếp ăn tập thể của các xí nghiệp trên địa bàn thành phố.

Mặc dù Liên tổ sản xuất còn khó khăn, hạn chế nhất định như: thời tiết thay đổi thất thường làm ảnh hưởng đến năng suất cây rau, chi phí đầu vào cho sản xuất không được chủ động, việc thiếu hụt lực lượng lao động trẻ trong sản xuất rau nói riêng và trong ngành nông nghiệp nói chung, việc đa dạng hóa về chủng loại rau … Tuy vậy Liên tổ vẫn tích cực chủ động trong việc liên kết với các đơn vị sản xuất khác để đa dạng hóa sản phẩm, hợp tác với các doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho bà con nông dân. Ngoài ra việc hình thành nhà sơ chế rau củ quả đã từng bước góp phần giúp cho Liên tổ xây dựng thương hiệu sản phẩm rau an toàn của mình, tạo được sự an tâm đối với người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, liên tổ còn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía Sở NN-PTNT (Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Bảo vệ Thực vật, Trung tâm Kiểm định Giống cây trồng vật nuôi, Trung tâm Tư vấn hỗ trợ nông nghiệp…) hướng dẫn tập huấn sản xuất rau an toàn, phòng trừ dịch bệnh, xây dựng các mô hình sản xuất rau an toàn, hỗ trợ kết nối giữa Liên tổ với các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ sản phẩm rau an toàn, hỗ trợ xây dựng trang thiết bị nhà sơ chế, bao bì đóng gói cũng như việc xây dựng thương hiệu cho Liên tổ sản xuất rau an toàn.

Có được kết quả ngày hôm nay là sự mạnh dạn của xã viên và bà con nông dân trong việc thay đổi tập quán canh tác, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất đã được tập huấn, tạo ra được sản phẩm an toàn; tạo được sự tin tưởng, hợp tác lâu dài và bền vững giữa Liên tổ với các doanh nghiệp và bên cạnh đó là sự hỗ trợ giúp đỡ từ các đơn vị thuộc Sở NN-PTNT và chính quyền địa phương


Có thể bạn quan tâm

thanh-lap-nghiep-doan-nghe-ca-o-binh-thuan Thành Lập Nghiệp Đoàn Nghề… nen-cho-ca-tra-an-gian-doan Nên Cho Cá Tra Ăn…