Tin nông nghiệp Lợi nhuận cao, thành lập dễ, doanh nghiệp phân bón mọc lên như nấm

Lợi nhuận cao, thành lập dễ, doanh nghiệp phân bón mọc lên như nấm

Tác giả NHẬT VY, ngày đăng 06/07/2016

Cạnh tranh khốc liệt

Hiện nay, thị trường phân bón hỗn loạn nhất là phân vô cơ phức hợp NPK do nông dân ưa chuộng. Theo số liệu của Bộ Công thương, mỗi năm cả nước tiêu thụ hơn 10 triệu tấn phân bón, trong đó hơn 8 triệu tấn là SX trong nước, còn lại nhập khẩu.

Trong đó, nhu cầu tiêu thụ phân NPK đứng đầu với khoảng 4 triệu tấn, còn lại là urê, DAP, SA, kali và lân. Riêng phân hữu cơ, phân bón lá chỉ chiếm khoảng 500 - 600 ngàn tấn/năm, chiếm 10% nhu cầu (phần này do Bộ NN-PTNT quản lý).

Trong các năm qua, một số công ty phân bón lớn có thương hiệu đã mạnh dạn đầu tư nhà máy SX phân NPK tạo hạt bằng công nghệ hơi nước hoặc urê hóa lỏng rất phức tạp với chi phí hàng chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng như Bình Điền, Năm Sao, Đạm Phú Mỹ, Việt Nhật, Lào Cai, Lâm Thao, Văn Điển, Baconco, Hóa Chất Cần Thơ, Phân bón miền Nam, Hà Lan, Phước Hưng, Long Việt, Quế Lâm, Sông Gianh...

Tuy nhiên số lượng chưa nhiều, tổng cộng cả nước có khoảng 15 - 20 doanh nghiệp (DN), còn lại là các công ty phân bón vừa và nhỏ với các nhà máy cũng SX NPK một hạt nhưng bằng công nghệ ép viên; hoặc cối trộn bê tông ba màu (không phải cuốc xẻng - PV) cùng các công ty “3 không” (không nhà máy, không nhân lực, không lao động kỹ thuật).

Tổng cộng có hàng trăm DN như vậy đang cạnh tranh quyết liệt giành thị phần với các công ty lớn thông qua các đại lý cấp 2 ở các địa phương với mức chiết khấu “khủng” từ 20 - 30% trở lên.

Chính vì SX phân NPK siêu lợi nhuận, tùy theo công thức phối trộn và chất lượng mà mỗi kg các DN có thể lãi 200 - 500 đồng, thậm chí cả 1.000 đồng, nên thị trường luôn “nóng”, hàng năm các DN phân bón mọc lên như nấm. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, theo số liệu của Sở KH-ĐT TP.HCM, đã có 22 công ty phân bón hoạt động theo mô hình cổ phần ra đời.

Nghị định 202/2013/NĐ-CP của Chính phủ qui định tất cả các công ty phân bón muốn hoạt động được là phải có mặt bằng, nhà xưởng, nhân lực, kỹ thuật, kho tàng, phòng phân tích kiểm tra chất lượng từng lô hàng sau khi xuất xưởng...

Qua đó, cũng nhằm tinh gọn lại DN, chỉ những DN có vốn liếng, năng lực thực sự mới tồn tại, mới được cấp “Giấy phép sản xuất”, còn những DN không đáp ứng đủ điều kiện thì buộc phải đóng cửa, không được cấp phép.

Thế nhưng, như NNVN đã thông tin số báo trước qua bài Quản lý phân bón vô cơ, sau gần 3 năm rốt cuộc lại về không! Cục Hóa chất đã cấp phép hàng loạt cho các công ty phân bón lớn nhỏ, mặc dù thủ tục hồ sơ để DN lấy được giấy phép không hề đơn giản.

Thành lập quá dễ

Do thành lập một công ty CP phân bón hiện nay quá dễ, chỉ cần giấy đề nghị đăng ký kinh doanh, danh sách sáng lập với yêu cầu tối thiểu 3 cổ đông, vốn điều lệ không giới hạn do không cần chứng minh tài chính, điều lệ công ty, bản sao CMND các cổ đông nộp lên là chỉ trong vòng 7 - 10 ngày đã có giấy phép.

Sau đó, GĐ doanh nghiệp đăng ký tiêu chuẩn cơ sở, công bố sản phẩm hợp chuẩn hợp qui trong vòng vài tuần nữa là ung dung bước vào thị trường phân bón.

Nói là “ung dung” bởi hầu hết tất cả các công ty phân bón nói trên do vốn lưu động ít, khoảng 1 - 2 tỷ đồng (trong khi để SX 100 tấn NPK cần giá vốn từ 700 - 800 triệu đồng) nên chọn hình thức đi thuê gia công là chính, bởi nó vẫn được Cục Hóa chất cấp phép SX không giới hạn (chỉ cần có hợp đồng với đơn vị cho thuê SX - PV) với bộ máy cực kỳ gọn nhẹ, một GĐ kiêm bán hàng, một kế toán theo dõi công nợ và một nhân viên theo dõi kỹ thuật phối trộn phân NPK trong quá trình SX.

Trong khi đó, các công ty nhận gia công thông thường bằng công nghệ “ép viên” một hạt, lấy từ nguyên liệu urê nhuyễn (còn gọi hạt trong), kali bột, MAP bột, SA và phụ gia mà các đại lý quen gọi là NPK miểng, chứ hoàn toàn không phải bằng công nghệ tạo hạt bằng hơi nước hay urê hóa lỏng như các công ty thương hiệu.


Toàn bộ dây chuyền máy móc để SX phân NPK “ép viên” này bao gồm từ 2 - 4 cối được nhập khẩu từ Trung Quốc với chi phí đầu tư vào khoảng 1,5 - 2 tỷ đồng. Do vốn đầu tư rẻ chỉ bằng 1/20 - 1/30 so với hai công nghệ tạo hạt bằng hơi nước và urê hóa lỏng nên hiện rất nhiều công ty phân bón đổ xô đầu tư, bởi nó không chỉ vừa SX các dòng NPK một hạt cho DN mà có khi còn gia công cho các DN khác có nhu cầu theo đơn giá bình quân 240 ngàn đồng/tấn.

Tuy nhiên, sau khi trừ công bốc xếp 100 ngàn, khấu hao máy móc 40 ngàn, một năm gia công cho 3 - 5 công ty phân bón với sản lượng thấp nhất 15 ngàn tấn là đã đút túi 1 - 2 tỷ đồng. Sau 2 năm đã thu hồi vốn đầu tư.

Bát nháo

Hiện nay, có tình trạng rất nhiều công ty phân bón sau khi hoạt động trên thị trường vài năm, lúc đã tích lũy được vốn và kinh nghiệm thì tiếp tục “xé nhỏ” thành lập các công ty phân bón “con” và các công ty “con” này sẽ làm hợp đồng gia công với chính công ty mẹ để được cấp phép SX phân bón. Tên của các công ty phân bón nghe rất “dữ dội” như Đan Mạch, Canada, Thụy Sĩ, Liên bang Đức, Hoa Kỳ, Việt Đức...

Cũng từ đây mà phân bón đưa ra thị trường vô cùng bát nháo bởi nó không được kiểm soát chất lượng ngay từ giai đoạn đầu vào lẫn đầu ra.

Chẳng hạn, theo qui trình kỹ thuật, thành phần nguyên liệu để SX 1 tấn phân NPK 20-20-15 gồm 260kg urê, 450kg DAP, 250kg kali và 40kg chất độn (silic hoặc zeolite).

Thế nhưng, có trường hợp nhiều DN đi gia công đưa phân SA chiếm đến 450kg (tức gần 50%) trong 1 tấn sản phẩm, còn lại 550kg là DAP, kali và chất độn. Làm như vậy, không chỉ tiết kiệm giá thành SX mà vô hình chung hàm lượng đạm trong NPK cũng giảm xuống.

“Trong SX phân hỗn hợp NPK, người ta khuyến cáo chỉ nên sử dụng khoảng 20kg SA trong 1 tấn sản phẩm là đủ, đặc biệt trong NPK 20-20-15 thì không được đưa phân SA vào làm nguyên liệu” - một chuyên gia ngành phân bón khuyến cáo.

Chính vì các công ty phân bón ít vốn, cần nhanh thu lợi nhuận nên đã sử dụng nhiều “chiêu trò” nhằm giảm giá thành. Đó là, thay vì phải chạy đúng 100% công thức phối trộn NPK thì họ chỉ chạy chừng 70 - 80%.

Vì vậy, giá 1kg phân NPK 20-20-15 nếu chạy đúng đảm bảo các thông số, chỉ tiêu ghi trên bao bì, lẽ ra phải bán giá từ 10.500 đ/kg trở lên tùy theo thương hiệu thì họ bán dưới 10.000 đ/kg, thậm chí có DN bán 9.000 đ/kg. Phải chăng phân bón giả, phân bón kém chất lượng bắt nguồn từ đây?


Có thể bạn quan tâm

muon-gap-lon-phai-cach-ly-truoc-3-ngay-qua-phong-sat-trung Muốn gặp lợn phải cách… cach-xu-ly-rom-ra-sau-thu-hoach-lua-xuan Cách xử lý rơm rạ…