Mô hình kinh tế Lúng Túng Trong Đối Phó “Bệnh Đỏ Hạt” Trên Lúa

Lúng Túng Trong Đối Phó “Bệnh Đỏ Hạt” Trên Lúa

Ngày đăng 14/08/2013

Hiện tượng đỏ hạt lúa lần đầu tiên xuất hiện, cộng với rầy nâu bùng phát trên diện rộng khiến ngành nông nghiệp và nông dân thực sự lúng túng trong phòng trừ.

"Đỏ hạt lúa” không phải là bệnh

Sau khi phát hiện hạt lúa bị đỏ, lem lép hạt, nhiều nông dân cho rằng đó là một loại bệnh lạ lần đầu tiên xuất hiện và tạm gọi “bệnh đỏ hạt”. Bà con sử dựng nhiều loại thuốc đặc trị, đắt tiền nhưng hiện tượng này vẫn không thuyên giảm, thậm chí diễn biến càng phức tạp.

Ông Đoàn Đỉnh ở hợp tác xã Thủy Phù 2 (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) cho biết, từ khi lúa bắt đầu trổ (sau 75 ngày kể từ khi gieo cấy) cũng là lúc xuất hiện tình trạng đỏ hạt lúa. Hơn một tuần nay, gia đình ông và bà con nông dân chi phí khá lớn để mua thuốc phun trừ nhưng vẫn không giảm. Gia đình ông Đỉnh trồng mẫu rưỡi thì có đến năm sào bị đỏ hạt, chi phí thuốc phun trừ hơn một triệu đồng. Chỉ khoảng 10 ngày nữa là thu hoạch nhưng tỷ lệ hạt lúa đỏ, lem lép rất cao, có khả năng mất năng suất khoảng 30 - 40%.

Theo Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã Thủy Phù 2, toàn hợp tác xã gieo cấy 290 ha có đến 60 ha bị bệnh đỏ hạt, nông dân chi phí hàng trăm triệu đồng để mua thuốc phun trừ. Toàn thị xã Hương Thủy gieo cấy khoảng 5.500 ha, trong đó có khoảng 1.700 ha bị lem lép hạt, rầy nâu và đỏ hạt lúa.

Ông Võ Xuân Quy ở xã Phong Chương (huyện Phong Điền) nói: “Gia đình trồng một mẫu có đến một nửa diện tích bị đỏ hạt và rầy nâu hoành hành; chi phí mua thuốc phun trừ hơn một triệu đồng nhưng vẫn không hiệu quả”. Ông Lê Văn Dân, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Chương cho biết, trong số 800 ha lúa toàn xã có đến 200 ha bị lem lép hạt, đỏ hạt, mật độ từ 3.000 - 5.000 con/m2.

Toàn hợp tác xã chi phí hơn 200 triệu đồng mua thuốc phun trừ nhưng sâu bệnh vẫn có nguy cơ lây lan diện rộng. Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền cho biết, toàn huyện có trên 1.500 ha bị rầy nâu, lem lép hạt, đỏ hạt lúa. Một số diện tích bị cháy cục bộ do mật độ rầy quá cao lên đến 10 ngàn con/m2. Mấy ngày qua, bà con nông dân sử dụng các loại thuốc đặc trị để phun phòng trừ nhưng sâu bệnh vẫn tiếp tục lây lan, diện tích lúa bị đỏ hạt, lem lép ngày càng tăng.

Ông Cái Văn Thám, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết, hiện tượng lúa bị đỏ hạt đã được điều tra, xác định không phải là bệnh. Chính vì không phải bệnh nên việc phun thuốc phòng trừ sẽ không hiệu quả. Đỏ hạt lúa là hiện tượng do các yếu tố “ngoại cảnh” tác động gây ra. Trong giai đoạn lúa trổ, gặp khí tượng bức xạ mặt trời thấp nên nguồn phóng xạ có thể không đủ để tạo ra khí hiđrat cacbon giúp cho quá trình sinh trưởng của hạt dẫn đến bị lép.

Thời tiết có mây kéo dài gây hại quá trình hình thành hạt khiến tỷ lệ lép hạt cao. Chính thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sự chuyển hóa sinh lý, khả năng thụ phấn thấp, làm hoa phấn bị hỏng dẫn đến hạt lúa non bị vàng, sau đó chuyển sang đỏ... “Đỏ hạt lúa” là hiện tượng do thời tiết gây ra, không phải là một loại bệnh, hay là “bệnh đỏ hạt” như bà con nông dân thường gọi.

Lúng túng

Vì hiện tượng đỏ hạt lúa không phải là bệnh nên các ban ngành và bà con nông dân thật sự lúng túng trong phòng trừ. Đây còn là hiện tượng lần đầu tiên xuất hiện trên địa bàn tỉnh nên ngành bảo vệ thực vật hầu như chưa có biện pháp nào để hướng dẫn người dân tổ chức phòng trừ một cách hữu hiệu. Sau nhiều lần phun thuốc không hiệu quả, bà con nông dân không biết làm thế nào để cứu lúa. Ông Cái Văn Thám cho rằng, vì không phải là bệnh nên không thể sử dụng các loại thuốc để phun phòng trừ. Chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là thu hoạch, nhưng diện tích và tỷ lệ lúa lem lép, đỏ hạt rất cao.

Đến nay, tỉnh có khoảng 6.500 ha lúa bị đỏ hạt, lép hạt, trong đó 3.300 bị lép nặng với tỷ lệ từ 20 - 50%, có khả năng mất năng suất từ 30 - 40%. Cũng chính yếu tố thời tiết phức tạp khiến nhiều diện tích lúa bị kéo dài thời gian sinh trưởng. Vụ hè thu này, mặc dù người dân gieo cấy sớm hơn so với mọi năm nhưng vẫn có đến 6.000 ha lúa chậm trổ, kéo dài khoảng một tuần so với khung lịch thời vụ.

Tình trạng rầy nâu diễn biến phức tạp, lây lan diện rộng khiến vụ hè thu có nguy cơ mất mùa cao. Ông Cái Văn Thám cho biết, ngoài diễn biến phức tạp, khó lường thì việc triển khai thiếu đồng bộ của bà con nông dân là trở ngại lớn trong công tác phòng trừ bệnh rầy nâu.

Hơn mười năm qua, đến nay rầy nâu mới xuất hiện trở lại trên địa bàn tỉnh nên người dân thiếu chủ động, thêm vào đó là tình trạng chủ quan trong phòng trừ khiến nguy cơ lây lan diện rộng gây thiệt hại lớn. Lúa trong giai đoạn hiện nay đang phát triển tốt, thân cao, trong khi đó các loại sâu bệnh nằm sát gốc cây gây khó khăn trong phun thuốc phòng trừ. Các loại thuốc không thể tiếp xúc tận gốc cây và các đối tượng gây hại nên hiệu quả phòng trừ rất thấp.

Mặc dù đã được ngành nông nghiệp, các địa phương khuyến cáo, nhưng nhiều nông dân vẫn không giữ nước trong đồng ruộng khiến tình hình sâu bệnh càng phức tạp. Ngành bảo vệ thực vật khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi đồng ruộng, tăng cường phun thuốc phòng trừ rầy nâu; lội ruộng để sớm phát hiện bệnh khô vằn, thối thân, thối bẹ, nhện gié... và báo với cơ quan chức năng xử lý kịp thời.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật, toàn tỉnh gieo cấy vụ hè thu trên 26 ngàn ha đã có đến hơn một nửa diện tích bị rầy nâu và lem lép, đỏ hạt; trong đó khoảng 6.500 ha bị lép hạt, đỏ hạt và trên 8.000 ha bị rầy nâu gây hại. Mật độ rầy nâu từ 1.500 con đến 5.000 con/m2, những nơi cao lên đến 10 ngàn con/m2; tỷ lệ lem lép, đỏ hạt gây hại từ 30 - 40%, có nơi cao đến 50%...


Có thể bạn quan tâm

kho-duy-tri-canh-dong-mau-lon Khó Duy Trì Cánh Đồng… mo-ra-huong-di-moi-cho-nam-rom-va-rau-qua-lai-vung-dong-thap Mở Ra Hướng Đi Mới…