Mô hình kinh tế Mía Của BISUCO Bị Chặt Phá Trái Phép

Mía Của BISUCO Bị Chặt Phá Trái Phép

Ngày đăng 22/12/2013

Thời gian gần đây, tình trạng người dân trên địa bàn thôn Phú Lạc, xã Bình Thành (Tây Sơn - Bình Định) tập trung đến khu vực trồng mía của Công ty cổ phần Đường Bình Định (BISUCO) chặt ngọn mía để làm thức ăn cho bò diễn ra khá phổ biến, gây thiệt hại nhiều diện tích mía.

Ông Đặng Vĩnh Thược, Trưởng phòng Kinh doanh của BISUCO, cho biết: Năm 2011, thực hiện chính sách phát triển vùng nguyên liệu mía trên địa bàn tỉnh, BISUCO đã thuê hơn 28 ha diện tích đất đồi gò thuộc diện đất dự phòng tại Phú Lạc để mở rộng diện tích trồng mía. Sau đó, công ty phát động phong trào trồng mía trong toàn cơ quan, tất cả CB-CNV công ty đều tham gia trồng mía.

Diện tích đất nói trên vốn là đất trồng cây lâm nghiệp lâu năm cho hiệu quả kém, UBND xã Bình Thành đã từng cải tạo, cho người dân địa phương thuê để trồng các loại cây nông nghiệp, nhưng cũng không mang lại hiệu quả. Vậy nên UBND xã Bình Thành mới cho BISUCO thuê để trồng mía, thời gian thuê đất 3 năm.

Cũng theo phản ánh của ông Thược, do đất quá xấu, nên anh em trong công ty phải đầu tư rất lớn, cây mía mới phát triển được. Để cải tạo đất, trước khi trồng mía, phải đổ vào đây rất nhiều phân hữu cơ. Tính tất cả các khoản đầu tư từ khi xuống giống đến khi thu hoạch, mỗi héc-ta mía chi phí từ 33 triệu đến 40 triệu đồng.

Nhờ đó, cây mía mới đạt năng suất đề ra, nhiều diện tích đạt 60 - 65 tấn/ha, kém nhất cũng được 40 tấn/ha. Thấy sản xuất có hiệu quả, người dân địa phương nảy ra ý định muốn thuê lại diện tích đất này để canh tác, nên thường xuyên phá mía nhằm làm cho CBCNV của công ty chán nản, bỏ đất để họ thuê lại của UBND xã để trồng dưa hấu.

Người dân phá mía bằng rất nhiều hình thức khá tinh vi, như: khi cây mía còn nhỏ, thả bò vào dậm phá; hoặc đến khi thu hoạch, rác mía được giữ lại ruộng để vừa giữ ẩm cho đất, vừa ngăn chặn cỏ phát triển thì bị đốt cháy, làm ảnh hưởng đến những diện tích mía mới phát triển.

Thời gian gần đây, người dân trong vùng còn lén lút chặt cụt đọt mía để lấy làm thức ăn cho bò. Khi cây mía bị chặt ngọn, nếu không thu hoạch sớm sẽ bị héo dần dẫn đến chết khô, mất năng suất, chữ đường. Hiện nay dù mía chưa đến kỳ thu hoạch nhưng BISUCO đành phải đốn non để tránh bị thiệt hại.

Quá bức xúc trước thực trạng này, lãnh đạo BISUCO đã nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương để có biện pháp vận động người dân không được phá mía. Thế nhưng tình hình phá hoại diện tích mía của BISUCO tại địa bàn thôn Phú Lạc vẫn không giảm.

Trao đổi với PV Báo Bình Định về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Ngưu, Chủ tịch UBND xã Bình Thành, cho biết: Sau khi được BISUCO phản ánh vụ việc, chúng tôi đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia bảo vệ vùng nguyên liệu mía này; thậm chí xã đã đưa vụ việc ra các cuộc họp thôn để cảnh báo người dân. Tuy nhiên, cái khó trong việc xử lý các hộ tham gia phá mía là vì họ không phá đồng loạt, mà chỉ lén lút thả bò gần vùng nguyên liệu rồi tranh thủ chặt đọt mía mang về cho bò ăn. Trong thời gian tới, UBND xã sẽ kiên quyết hơn để ngăn chặn tình trạng này.


Có thể bạn quan tâm

giai-cuu-nong-dan-trong-mia “Giải Cứu” Nông Dân Trồng… heo-hoi-tang-gia-thit-heo-nhich-nhe Heo Hơi Tăng Giá, Thịt…