Mô hình kinh tế Mô Hình Liên Kết Phát Triển Chăn Nuôi Ở Hà Nam

Mô Hình Liên Kết Phát Triển Chăn Nuôi Ở Hà Nam

Ngày đăng 07/08/2013

Ngành chăn nuôi tỉnh Hà Nam hiện có tổng đàn khoảng hơn bốn triệu con gia cầm và 450 nghìn con lợn; hơn 10 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, công suất hàng triệu tấn/năm. Ðể chăn nuôi có hiệu quả, mới đây UBND tỉnh Hà Nam đã có chủ trương thực hiện mô hình cung ứng thức ăn gia súc, gia cầm đến tận các hộ chăn nuôi với sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NHNN và PTNT) Hà Nam, bước đầu mang lại nhiều lợi ích.

Cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân

Sau nhiều lần về thăm quê tại thôn Thận Yên, xã Yên Nam (huyện Duy Tiên, Hà Nam), qua câu chuyện về việc làm ăn của bà con, Giám đốc Chi nhánh NHNN và PTNT Hà Nam Ðào Quang Xạ thấu hiểu được những vất vả của người dân quê nhà trong chăn nuôi.

Bởi, để nuôi được một con lợn đến khi xuất chuồng, ngoài tiền giống khoảng 2,5 triệu đồng/50 kg lợn giống, họ phải chi khoảng 3,5 triệu đồng tiền thức ăn, nhưng hầu hết không có vốn mà đều phải đi mua chịu tại các đại lý với giá cao hơn từ 7 đến 10% giá của nhà máy, dẫn đến khi xuất chuồng, trừ các khoản chi phí, người nuôi không có lãi, thậm chí lỗ. Vô hình chung bà con trở thành người làm thuê giá rẻ cho các đại lý.

Ðiều đó khiến Giám đốc NHNN và PTNT rất trăn trở, trong khi ngân hàng với nhiệm vụ chủ yếu là phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, mà người dân thiếu vốn đầu tư cho chăn nuôi, còn doanh nghiệp thì không thể đưa sản phẩm phục vụ trực tiếp người dân.

Từ thực tế đó, năm 2010, Chi nhánh NHNN và PTNT Hà Nam đã đứng ra bảo lãnh với Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Thaiway (tại Khu công nghiệp Ðồng Văn, huyện Duy Tiên) để cung ứng trực tiếp thức ăn chăn nuôi cho gia đình anh Vũ Văn Ðiệp, một chủ trang trại nuôi khoảng 1.000 con vịt đẻ, vài chục con lợn thịt và nhiều hộ khác trong làng Thận Yên theo phương thức trả chậm.

Sau một thời gian được ngân hàng đầu tư vốn và được nhận thức ăn chăn nuôi trực tiếp từ nhà máy, anh Ðiệp và bà con trong làng hạch toán thấy có lãi từ chăn nuôi, đã giảm được 7% tiền thức ăn chăn nuôi cho mỗi con lợn xuất chuồng, bà con phấn khởi, tin tưởng vào ngân hàng, nhà máy cũng tiêu thụ được sản phẩm ngay tại địa bàn.

Từ hiệu quả đó, NHNN và PTNT tỉnh Hà Nam đã mạnh dạn đề xuất với UBND tỉnh Hà Nam phương án thực hiện việc liên kết "ba nhà" giữa ngân hàng, người chăn nuôi và doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi và coi đây là cơ hội để cung cấp trực tiếp dịch vụ phục vụ bà con nhân dân.

Sau ba tháng thực hiện mô hình liên kết "ba nhà" về cung ứng tín dụng, thức ăn chăn nuôi cho hộ chăn nuôi tại địa bàn mười xã của tỉnh Hà Nam bước đầu khẳng định hiệu quả, giúp người nông dân tăng tổng đàn vật nuôi, giảm chi phí sản xuất, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi trong tỉnh phát triển.

Ðến ngày 15-7, Chi nhánh NHNN và PTNT tỉnh đã điều tra khảo sát và cho 7.623 hộ nông dân vay tổng số 912,11 tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi. Các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi đã cung ứng được 990,755 tấn thức ăn gia súc, gia cầm. Mô hình đã cơ bản giải quyết được khó khăn cho các hộ chăn nuôi về nguồn vốn giá thức ăn và các dịch vụ kỹ thuật chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Vóc, xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân cho biết: Trước đây, gia đình ông thường duy trì đàn lợn từ 100 đến 200 con và 30 con lợn nái, hai năm trở lại đây, do giá thức ăn tăng cao, giá thịt lợn hơi lại giảm, số đầu lợn của gia đình giảm còn một nửa; lượng thức ăn giảm từ mười tấn/tháng xuống còn năm tấn/tháng.

Từ khi được tham gia mô hình cung ứng thức ăn chăn nuôi có sự liên kết giữa doanh nghiệp - ngân hàng - người chăn nuôi, gia đình ông đã giảm được từ 5 đến 7% chi phí cho một tấn thức ăn (tùy theo từng chủng loại thức ăn). Các hộ chăn nuôi được thế chấp với ngân hàng bằng chính đàn lợn gia đình đang nuôi, cho nên không phải lo nghĩ nhiều đến khoản vốn đầu tư cho giống và thức ăn, yên tâm tập trung sản xuất chăn nuôi thật tốt để có lãi cao.

Ðến khi lợn được xuất chuồng, sẽ thanh toán tiền thức ăn với công ty qua tài khoản của ngân hàng, số lợi nhuận còn lại người chăn nuôi được hưởng. Ðây là mô hình có nhiều thuận lợi hỗ trợ nông dân được mua thức ăn trực tiếp từ nhà máy mà không phải qua khâu trung gian, đã giúp người chăn nuôi giảm được khoảng 7% chi phí cho một lứa lợn xuất chuồng.

Chia sẻ lợi nhuận cùng nông dân và doanh nghiệp

Trong khi thị trường chưa hồi phục, nhất là tiêu thụ sản phẩm nói chung, sản phẩm thức ăn chăn nuôi nói riêng vẫn còn khó khăn, mô hình cung ứng thức ăn chăn nuôi đến hộ chăn nuôi được coi là giải pháp tích cực của tỉnh Hà Nam giúp các doanh nghiệp từng bước tháo gỡ khó khăn, tiêu thụ sản phẩm, duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Hiện đã có bốn doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi có uy tín được tỉnh lựa chọn để phối hợp cùng ngân hàng cung ứng thức ăn chăn nuôi đến hộ sản xuất.

Giám đốc Công ty cổ phần dinh dưỡng Hồng Hà Bùi Kim Thư cho biết: Mô hình cung ứng thức ăn chăn nuôi đến tận hộ chăn nuôi của tỉnh Hà Nam đã giúp doanh nghiệp quảng bá được thương hiệu, mở rộng thị trường sâu hơn đến các hộ chăn nuôi, đó là cơ hội để doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm tốt hơn và mở rộng quy mô sản xuất.

Ðể tạo điều kiện cho bà con được nhận thức ăn chăn nuôi một cách nhanh nhất, các công ty đề nghị thành lập các nhóm hộ chăn nuôi tại địa phương, mỗi nhóm hộ cử một người đại diện để tiện cho việc cung ứng sản phẩm về một địa điểm thuận tiện cho việc phân phát, sử dụng của bà con.

Theo Giám đốc Chi nhánh NHNN và PTNT tỉnh Hà Nam Ðào Quang Xạ, đây là mô hình mới và khó, cho nên ngân hàng đã cử cán bộ có năng lực, phụ trách địa bàn, mở tài khoản cho từng hộ chăn nuôi và các đối tượng liên quan. Trực tiếp thẩm định, phê duyệt hạn mức cho vay, thời hạn cho vay, đối tượng cho vay, bảo lãnh đối với từng hộ. Áp dụng hạn mức lãi suất cho vay ưu đãi nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Giải ngân trực tiếp vào tài khoản của bên thụ hưởng khi nhận được yêu cầu và hồ sơ phù hợp. Như vậy, sẽ có những lợi ích là hộ vay không phải giữ tiền mặt ở nhà dẫn đến mất an toàn. Hộ vay không phải chịu lãi suất cho cả hạn mức vay mà chỉ phải chịu lãi suất cho từng khoản vay, từng ngày sử dụng của khoản vay đó, trực tiếp hạ giá thành sản phẩm, bảo đảm hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích. Ðối với nhà cung ứng thức ăn yên tâm khi cung ứng hàng hóa cho hộ nông dân.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Mai Tiến Dũng, để mô hình được triển khai thực hiện có hiệu quả, bền vững, thật sự mang lại lợi ích cho bà con nông dân, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Hà Nam cần đánh giá lại mô hình, chỉ rõ những mặt được, chưa được và những hạn chế cần rút kinh nghiệm.

Ðối với ngành ngân hàng cần đi trước một bước và tiếp tục tập trung tháo gỡ về vốn cho hộ chăn nuôi. Ðối với các công ty cung ứng thức ăn chăn nuôi cần bảo đảm tốt hơn nữa về số lượng và chất lượng thức ăn, phấn đấu ngày càng tăng thị phần và sản lượng bán hàng. Với hộ nông dân cần tổ chức theo các nhóm hộ vừa để giúp nhau phát triển sản xuất, vừa tạo thuận lợi cho việc cung ứng thức ăn chăn nuôi.


Có thể bạn quan tâm

mo-hinh-trong-san-xen-dau-phong-cho-hieu-qua-cao-1 Mô Hình Trồng Sắn Xen… hieu-qua-tu-mo-hinh-nuoi-bo-nhot-chuong Hiệu Quả Từ Mô Hình…