Tin thủy sản Mô hình nuôi cá lúa ở xã Mỹ Phước Tây (Tiền Giang)

Mô hình nuôi cá lúa ở xã Mỹ Phước Tây (Tiền Giang)

Tác giả Ks Đặng Tấn Bá, ngày đăng 11/03/2016

Những hộ tham gia có ruộng nuôi gần nguồn nước tốt và không nhiễm phèn diện tích trung bình 0,2 ha. Ao, mương chứa có chiều rộng 3 - 5m, sâu 0,8 - 1,0m dùng làm nơi trú ẩn cho cá khi mới thả, trong mùa khô khi nhiệt độ cao và trong thời gian chuẩn bị dọn ruộng để sạ lúa. Ao, mương chứa chiếm diện tích 10 - 20% tổng diện tích ruộng nuôi. Đối tượng cá thả là sặc, rô, chép, mè vinh. Mật độ thả 5.000con/1.000m2.

- Các hộ tham gia có rào lưới mùa lũ bảo vệ cá, có lưới ngăn chim cò. Các ao nuôi kế bên nhà nên việc quản lý chăm sóc thuận lợi.

- Hộ nông dân tham gia đã giảm mật độ gieo sạ từ 15 - 18 kg/1.000m2 xuống còn 12 kg/1.000m2; sạ hàng hay thưa; giảm sử dụng phân đạm, không xịt thuốc trừ sâu, sử dụng thuốc trị bệnh như lem lép hạt, khô cổ bông.

- Các hộ tham gia mô hình đã đầu tư chăm sóc, thực hiện các khâu trong qui trình kỹ thuật đề ra: quản lý nước, thức ăn, bảo vệ cá, tăng cường thức ăn tự có như rau bèo, ốc... hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho lúa… Do đó, nhìn chung mô hình đạt kết quả. Chỉ hơi tiếc là năm nay không có lũ, thời gian đưa cá lên ruộng ngắn, đồng thời môi trường nước cũng không được ổn định (có màu xanh) nên ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của cá sặc rằn, dẫn đến cá chưa đạt cỡ thương phẩm.

Sau 7 tháng, mô hình đạt được kết quả: tỉ lệ sống 70,1%, trọng lượng bình quân 104g/con, năng suất 3,64 tấn/ha. Tính ra, lợi nhuận từ lúa là 40 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận từ cá là 36,2 triệu đồng/ha sau 7 tháng, tổng lợi nhuận là 76,2 triệu đồng/ha/năm, cao gần gấp 2 lần so với chỉ trồng 3 vụ lúa.

Mô hình góp phần bảo vệ môi trường bằng cách lợi dụng tác động tương hỗ có ích giữa thực vật (lúa) và động vật (cá) trong hệ sinh thái tự nhiên như: thức ăn thừa, phân cá là nguồn dinh dưỡng cho cây lúa phát triển. Bên cạnh đó cây lúa phát triển sẽ giúp cải tạo nền đáy, loại bỏ cặn bả, chất độc hại trong đất và nước để cá sinh trưởng tốt. Do ít sử dụng phân, thuốc nên mô hình ít gây ô nhiễm môi trường và tiết kiệm được chi phí.

Tóm lại, mô hình “Nuôi cá lúa” ở xã Mỹ Phước Tây, ngoài việc tạothêm việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương, giúp nông dân tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích, còn là mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, giúp bảo vệ môi trường sinh thái. Mô hình có khả năng nhân rộng đối với những nông hộ có ruộng ở gần nhà, kinh rạch, có công chăm sóc bảo vệ, có thời gian ngâm lũ dài.

Một số kinh nghiệm rút ra từ mô hình:

- Cần kiểm tra mô hình hàng ngày để phát hiện cá bệnh kịp thời, đề phòng chuột cắn lưới bao, có hình nộm giữ chim cò…

- Để giảm chi phí, cần cho ăn hợp lý trong giai đọan đầu (không cho ăn thừa), có thể tận dụng thêm rau xanh, bèo, cám gạo có tại địa phương. Từ 3 tháng trở đi nên cho ăn thức ăn viên 3 - 4 lần/tuần. Nếu ít vốn, có thể thả mật độ thưa 0,5 - 1 con/m2 để giảm thức ăn.

- Khi thiết kế hệ thống ao xung quanh ruộng, cần chừa một cạnh không đào để máy gặt đập có thể vào, giảm thu họach bằng thủ công (làm tăng chi phí). Chỉ chọn hộ có diện tích ao từ 10 - 20% so với ruộng.

- Những hộ liền kề có thể hợp tác thành tổ để giảm chi phí quản lý, chăm sóc…

- Khi cá rô đồng, mè vinh, chép đạt 100 - 200g trở lên có thể thu tỉa trước.


Có thể bạn quan tâm

xuat-khau-ca-ngu-khoi-sac-dau-nam Xuất khẩu cá ngừ khởi… nguoi-dan-cau-duoc-ca-tre-trang-o-da-nang Người dân câu được cá…