Tin thủy sản Mô hình nuôi tôm càng xanh lột ở An Thạnh Bến Tre

Mô hình nuôi tôm càng xanh lột ở An Thạnh Bến Tre

Tác giả Nhiên Luận, ngày đăng 23/08/2024

“Thấy quê mình có sẵn vùng nguyên liệu nuôi tôm tôm càng xanh theo mô hình tôm – lúa khá lớn. Đây là đặc sản nổi tiếng được nhiều nơi biết đến. Trong khi giá cả con tôm bán ra còn bấp bênh, thu nhập của người nông dân thiếu ổn định nên tôi nghĩ phải làm ra cái gì mới mẻ để nâng cao giá trị cho con tôm càng xanh”, anh Nguyễn Hữu Nam, xã An Thạnh, huyện Thạnh Phú chia sẻ.

Giá trị nâng cao gấp đôi

Thông thường, sau khi thu hoạch tôm càng xanh, người nuôi bán ngay cho thương lái loại con tôm càng vỏ cứng. Bởi tôm vỏ cứng chắc khỏe, có thịt dẻ, nhiều dưỡng chất. Mặt khác, tôm khỏe có thể tiếp tục chăm sóc trong môi trường nước có chạy oxy để vận chuyển trong mua bán. Ngược lại, nếu bắt lên trúng những con tôm mới lột, vỏ còn mềm, người nuôi phải rộng lại, dưỡng nuôi cho tôm chắc vỏ, thịt dẻ mới mong bán được giá cao.

Ý tưởng của anh Nam khá táo bạo vì làm ngược lại hoàn toàn so với cách thông thường, tức là sẽ mua tôm vỏ chắc bình thường về để dưỡng nuôi chờ tôm vừa lột vỏ mới chính thức thu hoạch. Con tôm lột còn đang sống sẽ được đưa ngay vào túi hút chân không và bảo quản trong tủ đông để cung cấp ra thị trường. Ý tưởng này đem ra trình bày trước ban lãnh đạo Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp – Dịch vụ An Thạnh. Tất cả thống nhất chọn làm mô hình sản xuất mới cho HTX.

Anh Nam cho biết: Nếu tôm càng nuôi trong ruộng lúa 5 tháng hiện có giá 180 ngàn đồng/kg. HTX thu mua và nuôi thêm 1 tháng để thu hoạch tôm lột sẽ bán với giá 360 ngàn đồng/kg. Giá bán tôm lột cấp đông của HTX đối với size 12 con/kg là 360 ngàn đồng/kg và size 16 con/kg là 320 ngàn đồng/kg.

“Qua tham vấn ý kiến đánh giá của người tiêu dùng bên ngoài và thành viên HTX, tôm càng xanh lột cấp đông được xem là “siêu phẩm” của con tôm càng xanh với nhiều ưu điểm như: bảo quản được độ tươi ngon và chất lượng dinh dưỡng cao, màu sắc sau khi chế biến sẽ đỏ rực. Tôm lột có thể được dùng chế biến đa dạng món ăn. Đặc biệt, người dùng có thể ăn nguyên con mà khỏi cần lột vỏ. Các điểm thu mua, nhà hàng cũng đánh giá rất cao chất lượng con tôm càng xanh lột cấp đông của HTX”, anh Nam chia sẻ thêm.

HTX Nông nghiệp – Dịch vụ An Thạnh được thành lập vào giữa năm 2023, do anh Nguyễn Hữu Nam làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc. Đây được xem là một chiến lược sáng tạo và hiệu quả trong việc sử dụng nguyên liệu địa phương để sản xuất sản phẩm, vừa mang lại lợi ích cho thành viên HTX, vừa đóng góp tích cực vào phát triển nông nghiệp cộng đồng và bảo vệ môi trường. Hiện nay, HTX đã xây dựng hệ thống liên kết thu mua nguyên liệu trong vùng, đảm bảo toàn bộ quy trình sản xuất được thực hiện bằng nguyên liệu chất lượng tại địa phương.

Tại xã An Thạnh cũng như các xã thuộc tiểu vùng 2 của huyện Thạnh Phú (An Nhơn, An Qui, Mỹ An, An Điền…), từ lâu nghề nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa đã gắn liền với cuộc sống và văn hóa của người dân nơi đây. Mô hình con tôm ôm cây lúa là bài toán kinh tế thích ứng biến đổi khí hậu hiệu quả trong hơn 20 năm qua của người dân sống ở vùng nước lợ này. Tuy nhiên, giá cả đầu ra của con tôm nhiều lúc không ổn định. Do đó, mô hình nuôi tôm càng xanh lột và cấp đông để tiêu thụ với giá trị nâng cao gấp đôi được xem là bước ngoặt mới mở ra cánh cửa phát triển bền vững hơn cho con tôm càng xanh của tỉnh nói chung và tôm trong ruộng lúa ở Thạnh Phú nói riêng.

Xây dựng sản phẩm OCOP 3 sao

HTX hiện có 151 thành viên, với diện tích 50ha nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa. Từ khi hoạt động đến nay, HTX đã thu mua hơn 1,5 tấn tôm càng xanh nguyên liệu và bán ra trên 1 tấn tôm lột. Để phát triển sản phẩm, HTX đang hoàn thiện hồ sơ công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cho tôm càng xanh lột và đăng ký sở hữu trí tuệ cho quy trình sản xuất. Hướng tới, HTX sẽ đầu tư xây dựng nhãn hiệu và mở rộng liên kết vùng nguyên liệu trên địa bàn huyện Thạnh Phú, tạo khối lượng sản phẩm lớn đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.

Mô hình nuôi tôm càng xanh lột của HTX được các ban, ngành địa phương tin tưởng, đánh giá cao và quan tâm hỗ trợ. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Phú Lê Văn Tiến cho biết: Huyện đang tập trung hỗ trợ các HTX nông nghiệp xây dựng sản phẩm tiêu chuẩn OCOP gắn với chuỗi giá trị nông sản chủ lực của huyện; trong đó, có HTX Nông nghiệp – Dịch vụ An Thạnh. Riêng năm 2024, huyện tập trung hỗ trợ xây dựng 10 sản phẩm OCOP, trong đó có sản phẩm tôm càng xanh lột.

Cũng theo ông Lê Văn Tiến, hiện toàn huyện có 3 mô hình nuôi tôm càng xanh: Nuôi trong ruộng lúa, xen trong vườn dừa, chuyên canh với tổng diện tích ước khoảng 6 ngàn héc-ta. Do đó, mô hình tôm càng xanh lột cấp đông của HTX Nông nghiệp – Dịch vụ An Thạnh có tiềm năng mở rộng quy mô liên kết phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống của người nông dân tại địa phương.


Có thể bạn quan tâm

xuat-khau-thuy-san-dat-muc-tieu-10-ty-usd-nam-2024 Xuất khẩu thủy sản đặt… lam-gi-de-phat-trien-nuoi-bien-ben-vung Làm gì để phát triển…