Mô hình kinh tế Mô hình trồng cỏ và chế biến thức ăn thô xanh tại xã vùng cao

Mô hình trồng cỏ và chế biến thức ăn thô xanh tại xã vùng cao

Tác giả Hà Thúy, ngày đăng 30/01/2023

Hồng An là một xã vùng cao nằm ở phía Đông Nam của huyện Bảo Lạc, có 02 dân tộc Mông, Dao cùng sinh sống xen kẽ ở các thung lũng và trên những triền núi đá. Tình hình kinh tế - xã hội của xã còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí không đồng đều, người dân chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn.

Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi gia súc của xã đang được chú trọng phát triển, số lượng đàn gia súc liên tục tăng lên, đặc biệt là đàn bò. Trái ngược với tình hình đó là sự giảm đi của diện tích đồng cỏ, người nông dân mất nhiều thời gian và công sức hơn để chuẩn bị thức ăn cho đàn gia súc. Chính vì vậy trồng cỏ là một giải pháp nhằm chuyển đổi diện tích đất trồng kém hiệu quả sang trồng cây thức ăn cho gia súc, đồng thời giúp nông dân chủ động được nguồn thức ăn thường xuyên và có chất lượng hơn.

Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp Cao Bằng đã triển khai xây dựng mô hình “Trồng cỏ giống mới (Pakchong) và chế biến thức ăn thô xanh phục vụ chăn nuôi đại gia súc thích ứng với biến đổi khí hậu” tại xã Hồng An, huyện Bảo Lạc quy mô 03 ha, với 23 hộ tham gia.

Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ 100% giống, phân bón, túi ủ cỏ. Trước khi cấp phát giống, phân bón, Trung tâm đã tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng cỏ Pakchong và chế biến thức ăn thô xanh phục vụ chăn nuôi đại gia súc cho các hộ tham gia. Qua lớp tập huấn các hộ dân đã nắm được kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, cách chế biến, bảo quản và phương pháp ủ chua cỏ.

Kết quả mô hình cho thấy cỏ sinh trưởng và phát triển tốt, thân cây lớn, mềm, ít lông. Năng suất trung bình là 260 tấn/ha/năm, sản lượng đạt 780 tấn. Giống cỏ Pakchong dễ trồng, không bị sâu bệnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương. Đồng thời việc bảo quản, chế biến cỏ bằng phương pháp ủ chua giúp đảm bảo chất lượng cỏ, giảm hao hụt dinh dưỡng và kéo dài thời gian bảo quản lên 3 - 4 tháng. Kết hợp việc thu cắt cỏ vào cuối năm và ủ chua cỏ sẽ giúp người dân giải quyết tình trạng thiếu thức ăn thô xanh cho trâu bò trong mùa đông khô và lạnh giá.

Với những kết quả ban đầu và sự hưởng ứng tích cực của người dân, trong thời gian tới, mong rằng mô hình này sẽ được nhân rộng trên địa bàn xã mang lại hiệu quả cao, góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân xã Hồng An.

Các đại biểu tham dự hội nghị tổng kết mô hình


Có thể bạn quan tâm

nuoi-luon-nuoc-xa-tran-khong-gia-the-trong-be-xi-mang Nuôi lươn nước xả tràn,… hieu-qua-mo-hinh-phat-trien-nuoi-ech-thuong-pham Hiệu quả mô hình phát…