Mô hình trồng rừng kết hợp nuôi tôm
Trong những năm gần đây, vùng ven biển tỉnh Trà Vinh phát triển mạnh phong trào nuôi tôm, trong đó mô hình nuôi tôm kết hợp với trồng rừng được xem là đặc thù, mang lại nhiều lợi ích cho người nuôi.
Có thể nói, mô hình trồng rừng, nuôi tôm đã thật sự đóng một vai trò quan trọng trong việc khôi phục hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển mà theo một số hộ nông dân có kinh nghiệm nhiều năm thực hiện mô hình này cho biết: trồng rừng nuôi tôm sẽ tạo được bóng mát, phát triển và khôi phục lại việc cân bằng hệ sinh vật trong nguồn nước dưới tán rừng.
Nhờ nguồn nước sạch, con tôm sẽ phát triển tốt, có thức ăn tự nhiên bổ sung, tạo bóng râm để tôm cư trú… Chính vì thế, người nuôi tôm kết hợp với trồng rừng ít gặp rủi ro, nhờ môi trường tốt, giảm được chi phí đầu tư thức ăn cho tôm, mà còn có thêm nguồn thu từ tôm cá tự nhiên.
Anh Nguyễn Văn Ngoan ở ấp Cồn Tàu, xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải là một nông dân gắn bó với nghề nuôi tôm hàng chục năm nay, có năm thu lợi rất lớn nhưng cũng có năm thất bại. Năm 2011, được Hạt kiểm lâm Duyên Hải giao 10 ha đất trồng rừng kết hợp nuôi tôm, lúc đầu thì toàn là đất hoang, anh đã bố trí đào ao lắp đặt hệ thống cống bọng, ở giữa thì trồng các loại cây như mắm, đước… làm bóng mát cho tôm trú ẩn, năm ngoái gia đình anh thả trên 300.000 con tôm, thu nhập hơn 170 triệu đồng từ con tôm sú nuôi dưới tán rừng, chưa kể các loài thủy hải sản khác.
Anh cho biết: “Tôi đã xây dựng mô hình này hiện nay khá hoàn chỉnh, đây là một mô hình bền vững, tuy không có thu nhập cao bằng các mô hình nuôi khác như nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm thâm canh hoặc bán thâm canh nhưng tôi chưa bao giờ gặp thất bại hay thua lỗ”.
Rừng ngập mặn ven biển Trà Vinh đang từng bước được khôi phục và phát triển; ý thức bảo vệ, chăm sóc rừng của người dân địa phương được nâng lên rõ rệt. Đây là tín hiệu vui, vì rừng có vai trò rất lớn trong việc làm giảm xói mòn, môi trường sinh thái được bảo vệ, mang lại lợi ích cho người dân sống trong vùng bằng nghề khai thác thủy sản, tạo “bức tường xanh” ngăn bão lũ, nước biển dâng xuất hiện ngày càng nhiều do ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2016 - 2020 với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 309 tỷ đồng, tỉnh thực hiện giao khoán toàn bộ diện tích đất có rừng cho tổ chức, nhóm hộ gia đình, hộ gia đình, cá nhân bảo vệ rừng, đến năm 2020, tất cả diện tích có rừng đều có chủ nhận khoán bảo vệ; tổng diện tích khoán bảo vệ rừng là 29.628,93 ha (bình quân 5.925,79 ha/năm); đến năm 2020 giao khoán 6.860,98 ha.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ