Một số giải pháp kỹ thuật giảm thiểu rủi ro nuôi tôm QCCT kết hợp
Hiện nay, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) kết hợp đang được áp dụng rộng rãi do phù hợp với khả năng đầu tư của nhiều nông dân, yêu cầu kỹ thuật cũng không đòi hỏi khắt khe như mô hình nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh. Để giảm thiểu rủi ro, tăng tỷ lệ thành công cho vụ nuôi, xin lưu ý một số giải pháp kỹ thuật:
Trong ảnh: Kiểm tra môi trường ao tôm trong mô hình quảng canh cải tiến Ảnh: Thiện Trần
1. Thiết kế công trình nuôi
Do đặc thù vùng sản xuất chịu ảnh hưởng bởi sự điều tiết nước của các cống đầu mối và tình trạng xâm nhập mặn đến vùng ngọt hóa và chất đất giữ nước kém (qua khảo sát thực tế, khoảng 4 ngày mức nước trong vuông mất khoảng 20 cm là thời điểm thích hợp cho bơm tiếp lần sau). Do đó, khuyến cáo bà con phải gia cố bờ bao bằng cơ giới để chống thất thoát nước, mở rộng diện tích mương bao (tối thiểu 5 m) tạo không gian rộng cho tôm hoạt động, mức nước mặt trảng vuông nuôi phải đạt 0,5 - 0,8 m, độ sâu mương đạt tối thiểu 1,2 m.
2. Chuẩn bị ao nuôi
Thông thường áp dụng các phương pháp cải tạo: Sử dụng máy cày, xới mặt trảng, sên vét bùn đáy mương bao. Sử dụng vôi CaO hoặc CaCO3 trong quá trình cải tạo, trong quá trình nuôi sử dụng định kỳ vôi CaCO3 hoặc Dolomite để ổn định các yếu tố môi trường (pH, độ kiềm...) trong ao nuôi.
+ Lượng bón khi cải tạo 100 - 150 kg/1.000 m2.
+ Lượng bón trong quá trình nuôi, tùy tình hình thực tế khi kiểm tra các yếu tố môi trường có thể bổ sung định kỳ 10 - 20 kg/1.000 m2.
Đối với các hình thức nuôi như: Tôm - lúa, xen canh tôm - lúa cần tham khảo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật để sử dụng các loại thuốc, hóa chất, vi sinh hoặc phân bón cho phù hợp, tránh làm ảnh hưởng các đối tượng nuôi, trồng.
Ngoài ra, khuyến khích trồng các loại thực vật thủy sinh phù hợp với đặc điểm sinh thái của vùng, cách bố trí và mật độ che phủ của thực vật thủy sinh tùy thuộc vào đặc điểm của vuông nuôi nhưng không vượt quá 30% diện tích mặt nước. Gốc rạ sau vụ lúa cần được loại bớt khoảng 70% và cày lật để mau phân hủy, tránh tác động chua hóa môi trường vuông nuôi.
Tuyệt đối không dùng các loại hóa chất, chất xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản không rõ nguồn gốc, không ghi nhãn hàng hóa, không có chỉ dẫn về thời gian tiêu hủy, không sử dụng thuốc trừ sâu vào mục đích nuôi trồng thủy sản.
3. Chọn giống
Tuân thủ nguyên tắc kết hợp 2 phương pháp trong chọn giống. Dùng phương pháp cảm quan và sốc formol hoặc sốc độ mặn để tuyển giống. Lấy mẫu giống đã tuyển, xét nghiệm bệnh bằng phương pháp PCR sạch bệnh trước khi thả nuôi. Có thể áp dụng phương pháp dèo tôm giống từ 15 - 45 ngày tuổi để thả nuôi nhằm giảm tỷ lệ hao hụt, kiểm soát được tỷ lệ sống trong quá trình nuôi.
4. Quản lý, chăm sóc
Nhằm hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh, người nuôi cần chủ động khâu chăm sóc, quản lý ao nuôi định kỳ, thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường bằng các dụng cụ đo đã chuẩn bị sẵn ngay từ đầu vụ như pH, độ kiềm, độ mặn, khí độc, đĩa secchi… sớm phát hiện các biểu hiện khác thường, vượt ngưỡng cho phép để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp, định kỳ sử dụng vi sinh 10 - 15 ngày/lần để phân hủy mùn bả hữu cơ nơi đáy vuông nuôi, tạo môi trường thông thoáng, ổn định, thuận lợi để tôm phát triển.
Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi không để nước trong ao, vuông nuôi cạn hơn mức bình thường sẽ làm rong, tảo đáy phát triển quá mức làm nước bị trong khó quản lý các yếu tố môi trường. Đối với tôm nuôi cần thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe, tỷ lệ sống, bổ sung thức ăn lượng thức ăn từ 3 - 5% trọng lượng thân.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ