Tôm thẻ chân trắng Một số loài tảo phổ biến và biện pháp khắc phục tảo độc trong các ao nuôi tôm thâm canh

Một số loài tảo phổ biến và biện pháp khắc phục tảo độc trong các ao nuôi tôm thâm canh

Ngày đăng 18/08/2015

Tính đa dạng về thành phần loài tảo thường thấp hơn các thủy vực tự nhiên và bị chi phối bởi quy luật ưu thế, khi ao nghèo dinh dưỡng thường có thành phần loài phong phú nhưng số lượng cá thể trong một loài thì ít, khi đó mật độ tảo trong ao tương đối ổn định, ngược lại ở ao giàu dinh dưỡng thì một số loài phát triển ưu thế về số lượng sẽ lấn át các loài khác nên thành phần loài trong ao kém phong phú, lúc này hiện tượng nở hoa sẽ xảy ra, đặt biệt là tảo lam và tảo mắt.

Tảo phổ biến trong ao nuôi tôm thâm canh gồm tảo lục, tảo silic, tảo lam, tảo giáp và tảo mắt. Mỗi ngành đều có đặc điểm phát triển riêng và tác động của chúng đến sức khỏe tôm nuôi cũng khác nhau. Tảo lục và tảo silic được xem là tảo có lợi, bản thân chúng không chứa độc tố, khi chúng phát triển nhiều trong ao ít gây hiện tượng nở hoa. Ngược lại, tảo lam, tảo giáp, tảo mắt được gọi là tảo có hại vì khi chúng phát triển quá nhiều (chiếm ưu thế) trong nước sẽ gây hiện tượng nở hoa, làm nước nhờn, sản sinh nhiều chất độc trong nước ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tôm hoặc làm ức chế sự hô hấp của tôm.

Để điều chỉnh được mật độ tảo trong quá trình nuôi, thì việc nắm vững các đặc điểm phát triển của mỗi loài tảo là hết sức cần thiết, có như vậy mới kịp thời khống chế hiện tượng chiếm ưu thế và hiện tượng nở hoa trong nước ao.

* Một số loài tảo phổ biến: 

1. Tảo khuê:

Tảo khuê hay còn gọi là tảo silic hoặc tảo cát, đây là nhóm tảo có giá trị dinh dưỡng cao. Nhóm tảo khuê thường xuất hiện trong ao nuôi tôm sú là Cheatoceros sp., Skeletonema sp., Nitzschia sp. và Navicula sp., đây là những nhóm tảo có thành phần dinh dưỡng tương đối cao và là nguồn thức ăn rất tốt cho ấu trùng của các loài thủy sinh vật giai đoạn sống đáy. Khi quẩn thể tảo này chiếm ưu thế nước ao sẽ có màu vàng nâu hay vàng lục. Tảo silic có thể phát triển tốt khi hàm lượng chất dinh dưỡng trong ao nuôi ở mức thấp, tỉ lệ N/P lớn hơn 15/1.

Tảo silic có cấu tạo đơn bào, sống đơn độc hay thành tập đoàn. Tảo Chaetoceros sp. ở dạng đơn bào thì rất tốt cho ao nuôi, nhưng ở dạng đa bào, dạng chuỗi hoặc dạng xoắn khi xuất hiện với mật độ cao trong ao thì thường vướng vào mang tôm gây cản trở đến quá trình hô hấp của tôm. Vì vậy cần hạn chế sự phát triển của giống tảo đa bào này trong ao nuôi tôm.

2.Tảo lục:

Màu nước ao nuôi là do quần xã tảo này quyết định, khi tảo lục chiếm ưu thế nước sẽ có màu xanh nhạt. Một số loài xuất hiện nhiều trong ao nuôi tôm như: Scenedesmus sp., Chlorella sp., Nannochloropsis sp., Dunaliellasp., Oocyctis sp.,…Chúng là quần xã tảo không có tính độc, kích cỡ tảo nhỏ, không gây mùi cho vật nuôi. Đồng thời Chlorella sp. có khả năng sản sinh ra được chất ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn Vibrio sp.. Điều kiện cho nhóm tảo này phát triển là hàm lượng chất hữu cơ và hàm lượng muối dinh dưỡng ở mức trung bình, tỉ lệ N/P là từ 7-14/1 là điều kiện lý tưởng cho chúng phát triển bền vững.

3. Tảo lam:

Tảo Lam (tảo xanh hay vi khuẩn lam): phần lớn dưới dạng tập đoàn hay đa bào hình sợi, hình chuỗi hạt đơn hay phân nhánh. Đại đa số tế bào tảo lam dạng sợi – chuỗi hạt thường có tế bào dị hình (dị bào). Đối với thủy sản tảo lam được xem là tảo độc hại vì một số loài tiết ra chất độc và một số loài thường gây hiện tượng nở hoa trong nước. Trong ao nuôi, khi hàm lượng muối dinh dưỡng cao là điều kiện lý tưởng cho nhóm tảo lam phát triển, tỉ lệ N/P là từ 3-5/1 thì tảo lam sẽ phát triển chiếm ưu thế.

Trong ao nuôi tôm thường chỉ tìm thấy vài loài tảo lam, dựa vào đặc điểm hình thái, để đơn giản hơn tảo lam được chia thành 2 dạng là tảo lam dạng sợi và tảo lam dạng hạt. Tảo lam dạng sợi thường thấy như: Nostoc sp., Anabaena sp., Oscillatoria sp.,… Tảo lam dạng hạt thường thấy là Microcystis sp.,… Khi tảo lam xuất hiện nhiều trong ao nuôi sẽ làm cho tôm nuôi có mùi hôi, đồng thời còn là nhóm thải ra chất nhờn ở màng tế bào có thể gây tắc nghẽn mang của tôm. Một số trường hợp tôm bị phân trắng thường tìm thấy nhóm tảo này trong đường ruột tôm ở dạng chưa tiêu hóa.

Tảo lam là dạng tảo có kích thước lớn, nhiều loài dài đến vài milimet. Khi xuất hiện nhiều trong ao nuôi (chiếm ưu thế) quan sát bằng mắt thường nước có màu xanh đậm, xanh nước sơn, nổi ván xanh trên mặt nước, lúc trời nắng gắt thường nổi thành từng đám trên mặt nước và phía cuối gió, khi tảo già thì nổi ván xanh ở cuối gió, lúc này có thể nhận biết được tảo lam dạng hạt hay dạng sợi bằng mắt thường. Tính độc của tảo lam dạng hạt và dạng sợi đều như nhau, nhưng dạng sợi thường độc hơn do vướng vào mang tôm và tôm cũng thường ăn phải nhưng không tiêu hóa được.

Tảo lam là loại tảo có sức sống tốt, có chu kỳ phát triển dài. Đại bộ phận tảo lam sống trong nước ngọt, một số phân bố trong nước mặn hoặc nước lợ. Đặc tính nổi bậc của tảo lam là khả năng chịu nhiệt tốt. Tảo phát triển mạnh vào các tháng nóng trong năm (tháng 5). Một số tảo lam có thể tiến hành quang hợp trong môi trường yếm khí tương tự như vi khuẩn.

4.Tảo mắt:

Tảo mắt là sinh vật chỉ thị của môi trường nhiễm bẩn hữu cơ, chúng sống trong môi trường phú dưỡng. Tảo mắt chủ yếu phân bố ở các thủy vực nước ngọt, một số ít loài sống ở nước lợ mặn. Tuy nhiên, trong các ao nuôi tôm cá khi đáy ao nhiễm bẩn thường tìm thấy một số loài như Euglena sp., Eutrepteilla sp., Phacus sp., Trachaelomonas sp.,… Các váng màu xanh, vàng, đỏ, nâu trong các ao tù thường là váng tảo mắt.

Sự xuất hiện của tảo mắt trong ao nuôi báo hiệu nền đáy ao bắt đầu nhiễm bẩn, trong nuôi thâm canh là do thức ăn dư thừa nhiều, với các mô hình ít cho ăn khi xuất hiện nhóm tảo này là do nguồn nước bị ô nhiễm hoặc do nền đáy đã nhiễm bẩn từ trước. Trong điều kiện thuận lợi nhiều hữu cơ, tảo mắt tăng sinh khối rất nhanh ảnh hưởng đến hàm lượng oxy hòa tan trong ao và làm nhiễm bẩn thêm môi trường nước ao. Khi tảo mắt phát triển với mật độ cao chiếm ưu thế trong ao nước sẽ có màu xanh rau má, một số trường hợp có màu nâu đen.

5. Tảo giáp:

Tảo giáp sống chủ yếu ở nước mặn, khoảng 10% sống trong nước ngọt. Chủ yếu tồn tại ở dạng đơn bào hình cầu hay hình sợi, có roi. Nhiều loài có các tấm celuloze bao phủ. Tảo giáp di chuyển rất nhanh trong thủy vực nhờ các tiêm mao xung quanh cơ thể.

Nguyên nhân dẫn đến tảo giáp chiếm ưu thế trong ao nuôi là do nguồn nước cấp từ bên ngoài vào, trong qúa trình nuôi do sự mất cân bằng khoáng đa vi lượng hoặc do nền đáy ao quá bẩn dẫn đến sự phát triển quá mức của loài tảo này. Khi tảo giáp phát triển với mật độ cao trong ao nước sẽ có màu nâu đỏ, đồng thời mặt nước xuất hiện nhiều váng màu nâu đỏ. Thời điểm nắng gắt chúng tập trung nổi trên mặt nước và xuống đáy ao khi ánh sáng mặt trời giảm. Tôm không tiêu hóa được loài tảo này do chúng có vách tế bào cứng, một số trường hợp tôm bị tắt ngẽn đường ruột hoặc phân bị đứt đoạn khi có quá nhiều tế bào tảo giáp trong ruột. Sự xuất hiện với mật độ cao của loài tảo này thường dẫn đến tôm nổi đầu về đêm và lúc sáng sớm do thiếu oxy trong nước và nước ao bị phát sáng ảnh hưởng nhiều đến tập tính sống của tôm nuôi.

* Nguyên nhân và biện pháp khắc phục:

Trong nuôi tôm sú thâm canh, nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng nước ngày càng xấu đi là do cho tôm ăn dư thừa thức ăn và lượng chất thải của tôm quá nhiều. Kết quả kiểm tra hàm lượng Nitơ và Phosphor trong nước ao cho thấy tôm chỉ sử dụng 21% N và 19% P (Trong đó chỉ có 22% tổng lượng N đưa vào ao được chuyển hóa thành sản phẩm, và có đến 57% lượng N thải ra môi trường nước và 14% N lắng đáy). Lượng còn lại phân rã trong môi trường hoặc lắng đáy, khoảng 14% N và 21% P tổng lượng thức ăn sau khi phân phân rã được thực vật nổi sử dụng. Lượng phân rã còn lại được các loài vi khuẩn, nấm phân hủy và sử dụng.

Như vậy, để nuôi được 1 tấn tôm thịt, môi trường phải gánh chịu 30 kg N và 3,7 kg P. Dấu hiệu dễ nhận biết thức ăn dư thừa là môi trường nước trở nên xanh đột ngột, hàm lượng NH4+/NH3 tăng bất thường, tôm hoạt động yếu hơn,…lúc này người nuôi tôm cần khống chế lại lượng thức ăn bằng cách thay đổi vị trí đặt sàng ăn, ghi nhận thời gian hết thức ăn trong sàng, quan sát đường ruột tôm, chỉ nên cho ăn từ đủ đến thiếu hoặc thậm chí có thể cắt cử ăn vào buổi sáng trong 1 đến 2 ngày để giảm thiểu lượng hữu cơ do thức ăn thừa gây ra.

Một ao nuôi tôm thông thường thì sự xuất hiện của các loài tảo chiếm ưu thế thường theo thứ tự từ tảo silic ’tảo lục ’tảo lam hoặc tảo giáp ’tảo mắt, là do ảnh hưởng của sự tích tụ hàm lượng các muối dinh dưỡng đặc biệt là Nitơ và Phosphor trong nước và đáy ao. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy sự mất cân bằng hàm lượng Nitơ và Phosphor là nguyên nhân gây biến đổi thành phần loài tảo trong ao. Trong quá trình nuôi, lượng NO2–, lượng NO3– tăng đáng kể theo thời gian nuôi, lượng NH4+ tăng trong tháng nuôi đầu và có xu hướng cân bằng về cuối vụ là do tảo hấp thụ trong quá trình quang hợp. Hàm lượng P thải ra từ thức ăn thừa được tảo hấp thụ mạnh, tuy nhiên do hàm lượng quá lớn nên dẫn đến hiện tượng quá dư thừa về cuối vụ. Khi tỉ lệ N/P từ 5/1 xuống còn 2/1 là điều kiện thuận lợi cho tảo lam phát triển. Đó là lý do tại sao tảo lam hay phát triển vào cuối vụ nuôi.

Như vậy càng về cuối vụ thì lượng P tích tụ trong nước quá nhiều, lượng N đồng thời từ thức ăn dư thừa và chất thải tôm không phải là nhỏ, nhưng thì tỉ lệ N/P trong nước càng giảm là do N lắng đáy. Do đó, để cải thiện hiện tượng này, ngay từ tháng nuôi đầu tiên ao nuôi cần được bổ sung men vi sinh có chứa NitrobacterNitrosomonas dạng viên hoặc dạng bột cho nền đáy và môi trường nước để thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ nhằm giảm thiểu ô nhiễm đáy ao và tạo ra NH4+ cho tảo hấp thu. Đồng thời, việc cào nhẹ nền đáy ao bằng dây xích (kéo đáy) là cần thiết nhằm giải phóng lượng Nitơ tích tụ trên nền đáy ra môi trường nước để hạn chế tảo lam và để đảm bảo tỉ lệ N/P lớn hơn 7/1 là điều kiện thuận lợi cho tảo lục, tảo silic phát triển.

Ngoài ra sự xuất hiện của tảo giáp và tảo lam trong ao nuôi vào thời điểm ban đầu nguyên nhân là do tảo có sẵn trong nguồn nước cấp hoặc có sẵn trong đất đáy và mé ao, dẫn đến tình trạng tảo phát triển quá mức và chiếm ưu thế khi tôm nuôi vào giai đoạn 2 tháng tuổi trở đi. Để khắc phục tình trạng này thì trước khi cấp vào ao nuôi, nước phải được xử lý triệt để diệt hết tảo bằng hóa chất diệt khuẩn như Chlorine, BKC, Formaline,…

Tảo là thành phần quan trọng có tác dụng đầu tiên là tạo màu nước cho ao nuôi, cân bằng hệ sinh thái nước ao. Nhưng sự xuất hiện quá mức của tảo là nguyên nhân gây biến động môi trường nước, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tôm nuôi. Vì vậy người nuôi tôm cần nắm vững đặc điểm và điều kiện phát triển của mỗi loài tảo để có hướng điều chỉnh lượng tảo thích hợp, kích thích tảo có lợi, hạn chế tảo gây hại phát triển. Điều cần lưu ý là không cho ăn dư thừa thức ăn, đây là chìa khóa thành công cho vụ nuôi.

Tags: cac loai tao pho bien, tao doc trong ca ao nuoi, ao nuoi thuy san, nuoi tom, nuoi trong thuy san


Có thể bạn quan tâm

benh-tom-coi-tom-khong-lon Bệnh tôm còi (tôm không… benh-dong-rong-o-tom-su-nuoi-tham-canh-va-bien-phap-phong-tri Bệnh đóng rong ở tôm…