Mô hình kinh tế Mùa Ủ Ướp

Mùa Ủ Ướp

Ngày đăng 12/08/2013

Những ngày này, đi dọc tuyến đường vào các khu sản xuất thuộc thị trấn Nông trường Mộc Châu (Sơn La), các xã Tân Lập hay Vân Hồ (Mộc Châu), thấy từng đoàn xe chở cây ngô đã băm vụn về khu vực chăn nuôi bò sữa làm ủ ướp. Dưới cái nắng dịu của miền thảo nguyên, đi qua những đồng cỏ xanh mượt, tôi đã ngửi thấy mùi ngai ngái của cỏ, của ngô cây từ những hầm ủ ướp đang giai đoạn lên men. Mùa ủ ướp đang rộ.

Ủ ướp là hình thức tích trữ thức ăn gia súc phổ biến ở những vùng chăn nuôi bò sữa. Ở Mộc Châu, loại cây chủ yếu ủ ướp là cỏ và ngô cây. Vào vụ ủ ướp, hầu hết xe tải khu vực xung quanh thị trấn Mộc Châu, thị trấn Nông trường Mộc Châu được huy động tối đa vận chuyển ngô cây từ trên nương, ngoài bãi về khu vực chăn nuôi bò sữa.

Ngô cây được băm vụn ngay tại bãi trồng, sau đó được xe tải chở về các dịch vụ hầm chứa của doanh nghiệp hay tư nhân ủ để tích trữ thức ăn cho bò sữa vào mùa khô. Tùy vào số lượng bò mà mỗi gia đình có thể có một hay nhiều hầm ủ ướp có kích thước, khả năng tích trữ khác nhau. Thông thường, mỗi hầm ủ ướp có khả năng tích trữ trên 100 tấn.

Những năm gần đây, do nhu cầu về thức ăn cho bò của doanh nghiệp và các gia đình chăn nuôi bò sữa tăng lên, người trồng trọt cũng có thêm một nguồn thu nhập đáng kể. Anh Lù Văn Lan, bản Pa Khà 1, xã Tân Lập cho chúng tôi biết: “Cũng là trồng ngô trên cùng một diện tích đất nhưng trồng ngô để bán ủ ướp sẽ cho thu lãi gấp rưỡi đến gấp đôi trồng ngô thu bắp. Bà con thường trồng sớm từ cuối tháng 1 đến tháng 6, khi cây ngô ra bắp, hạt còn ngậm sữa là thu hoạch nên có thể rút ngắn thời gian sản xuất, trồng 2 vụ/năm. Trồng ngô ủ ướp thường dày gấp 2, 3 lần trồng ngô lấy bắp nên tận dụng được diện tích đất, năng suất cao hơn”.

Các bãi đất bằng hoặc đất đồi thoai thoải thường được bà con chọn để trồng ngô ủ ướp với các giống ngô GH9, K54, K67... vì các giống này có ưu điểm: cây cao, thân to, thời gian sinh trưởng ngắn... Trồng ngô theo hình thức này có thể tận dụng tối đa diện tích đất sản xuất. Thông thường, cứ 1000 m2 đất, nếu trồng ngô thu bắp chỉ trồng được gần 1kg giống, nhưng trồng ngô làm ủ ướp có thể trồng từ 2-3 kg giống, rút ngắn khoảng cách các cây.

Trước khi trồng, bón lót phân NPK, trong quá trình cây sinh trưởng, bón thúc bằng phân đạm để thúc đẩy nhanh quá trình phát triển. Nhờ khoảng cách giữa các cây khá dày nên hạn chế được sự phát triển của cỏ dại, tiết kiệm công chăm sóc. Khi cây được thu hoạch, bà con bán lại cho các chủ thu mua bằng hình thức bán khoán, người thu mua sẽ có đội ngũ công nhân chuyên thu hoạch ngô cây, băm vụn và vận chuyển về hầm ủ ướp.

Ông Đặng Văn Xin ở tiểu khu Tà Loọng, thị trấn Nông trường Mộc Châu cho biết thêm: “Với việc trồng ngô ủ ướp, gia đình tôi tiết kiệm được nhiều công sức từ khâu chăm bón, thu hoạch, vận chuyển. Giá thu mua khá ổn định trong khoảng từ 900 đến 1.200 đồng/kg ngô cây. Nếu chăm bón tốt, 1000m2 đất có thể cho thu trên 10 tấn ngô cây. Nhờ vậy, mỗi năm, gia đình tôi và nhiều hộ khác ở khu vực xung quanh có thể thu từ 30-40 triệu đồng/vụ ủ ướp”.

Tính bình quân, mỗi con bò sữa tiêu thụ 8 tấn thức ăn ủ ướp/năm, với những gia đình nuôi hàng trăm con bò sữa thì lượng ngô cây được thu mua hàng năm lên đến hàng nghìn tấn, chưa kể Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu thu mua gần 10 nghìn tấn/năm. Với số lượng lớn như vậy, hằng năm, số ngô bà con trồng làm ủ ướp chưa đủ cung cấp cho nhu cầu thu mua nên người trồng ngô không lo bị tồn đọng nguồn hàng.

Trồng cỏ, ngô ủ ướp không chỉ tạo thu nhập cho người nông dân mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động, từ những kết quả khả quan này, trồng ngô làm ủ ướp đang mở ra một hướng làm kinh tế mới cho bà con nông dân ở Mộc Châu.


Có thể bạn quan tâm

trien-vong-nghe-chan-nuoi-ga-ban-cong-nghiep-tha-vuon-doi Triển Vọng Nghề Chăn Nuôi… nguoi-nuoi-dong-dieu-dung Người Nuôi Dông Điêu Đứng