Muốn an toàn hãy nuôi cá rô phi
Đây là đúc kết của anh Hà Xuân Đức ở ấp Nhà Thờ, xã Trung Bình, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) sau 5 vụ nuôi cá rô phi. Bởi theo anh Đức, lợi nhuận từ cá rô phi thấp hơn nhiều so với tôm thẻ, tuy nhiên, mức độ rủi ro khi nuôi loài cá này là rất thấp.
Nuôi cá rô phi hỗ trợ rất tốt cho các ao tôm
Nuôi cá hỗ trợ tôm
Một ngày cuối tháng 6 vừa qua, khi chúng tôi có mặt tại ao nuôi cá rô phi của anh Hà Xuân Đức thì mẻ thu hoạch đầu tiên đã chuyển lên xe gần xong, con số ghi nhận từ sổ cân gần 4 tấn. Xong ao thứ nhất, anh Đức tiếp tục thu hoạch ao thứ hai (mỗi ao khoảng 4.000 m2) và kết thúc bằng con số gần 11 tấn. Với trọng lượng bình quân 400 - 500 g/con, theo hợp đồng bao tiêu với Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh vật Thăng Long, anh Đức bán được giá 23.000 đồng/kg. Theo tính toán, với sản lượng gần 11 tấn, lợi nhuận ở vụ cá rô phi này cũng được trên 40 triệu đồng.
Tuy không cao bằng con tôm thẻ, nhưng nếu tính theo tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư cũng trên 20%. Mặt khác, do tận dụng 2 ao lắng để nuôi cá rô phi nên chẳng những không ảnh hưởng đến diện tích nuôi tôm, mà ngược lại còn hỗ trợ rất tốt cho các ao tôm nhờ sử dụng nguồn nước từ ao nuôi cá rô phi để cấp cho ao tôm. Anh Đức cho biết: “Với cách nuôi này vừa giúp có thêm thu nhập từ cá rô phi, vừa giúp môi trường ao nuôi tôm tốt hơn, tôm ít thiệt hại, giảm được chi phí rất đáng kể. Tôi thực hiện mô hình này đến nay đã được 5 vụ rồi, dù mức lợi nhuận không cao nhưng rất an toàn cho cả cá và tôm”.
Cũng theo anh Đức, mô hình nuôi cá rô phi này anh sử dụng toàn bộ sản phẩm từ con giống, thức ăn… cho đến quy trình nuôi của Thăng Long và cả 5 vụ nuôi đều cho hiệu quả rất tốt. Anh Đức chia sẻ: “Con giống, thức ăn cá rô phi của Công ty Thăng Long rất tốt nên cá lớn nhanh, ít hao hụt và hầu như chưa thấy có dịch bệnh nào xuất hiện. Hơn nữa, đầu ra đã có Công ty bao tiêu với mức giá công bố trước nên mình rất an tâm. Hiện xung quanh khu vực ấp Nhà Thờ này cũng có nhiều người đang nuôi cá rô phi và hầu hết đều đạt hiệu quả”.
Nhân rộng
Trong quá trình xem thu hoạch cá, chúng tôi có dịp gặp lại anh Phuôi, một nông dân nuôi tôm lớn ở vùng này và được anh cho biết, anh cũng đang nuôi cá rô phi theo hợp đồng với Công ty Thăng Long. Theo anh Phuôi, cá của anh được trên 2 tháng, tỷ lệ sống gần 90% và đang phát triển rất tốt. Giống như anh Đức, anh Phuôi tận dụng ao lắng để nuôi cá rô phi nhằm tăng thêm thu nhập và tạo nguồn nước tốt cung cấp cho ao nuôi tôm. Anh Phuôi chia sẻ: “Tôi vốn là ngư dân vùng này nên tôi hiểu khá rõ đặc tính của con cá rô phi. Vì vậy, khi thấy Công ty Thăng Long triển khai mô hình nuôi cá rô phi có hợp đồng bao tiêu đầu ra nên tôi mạnh dạn đầu tư ngay”.
Ông Võ Thanh Vân, một hộ có kinh nghiệm nuôi cá tra và nuôi tôm ở huyện Long Phú bộc bạch: “Con cá rô phi nếu điều kiện thay nước thuận lợi như khu vực của tôi khi nuôi sẽ rất mau lớn. Với kinh nghiệm nuôi cá tra của mình cùng nguồn nước vùng nuôi thuận lợi, tôi cũng dự định sẽ phát triển nuôi cá rô phi song song với nuôi tôm thẻ. Nuôi cá thường rủi ro ít hơn nuôi tôm, nên chỉ cần có nơi bao tiêu sản phẩm với mức giá hợp lý là mình có thể đầu tư phát triển được”.
Không kể sản lượng đã thu hoạch từ đầu năm đến nay, theo ước tính của cán bộ kỹ thuật phụ trách của Công ty Thăng Long, từ nay đến cuối tháng 7, sản lượng cá thu mua dự kiến sẽ vào khoảng 71,5 tấn. Một con số không lớn nhưng cũng cho thấy, mô hình nuôi cá rô phi đã và đang được người nuôi tôm ở Trần Đề nói riêng và Sóc Trăng nói chung ngày một quan tâm nhiều hơn nhờ vào các yếu tố: dễ nuôi, ít rủi ro và không lo không tiêu thụ.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ