Tin nông nghiệp Nâng chất lượng thanh long hướng đến những thị trường tiềm năng

Nâng chất lượng thanh long hướng đến những thị trường tiềm năng

Tác giả NT, ngày đăng 23/05/2022

Thời gian qua, trái thanh long của Việt Nam vẫn được xuất khẩu chủ yếu vào thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand… Năm 2021, thanh long tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của trái cây Việt Nam với kim ngạch đạt hơn 1,04 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 29,4% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2022, hoạt động xuất khẩu trái cây vào thị trường chính là Trung Quốc gặp nhiều khó khăn khiến kim ngạch giảm mạnh. Tiêu thụ gặp khó khiến giá bán thanh long giảm sâu đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các nhà vườn. Thực tế này cũng là đòi hỏi cấp thiết để Việt Nam hướng xuất khẩu thanh long vào các thị trường xuất khẩu mới có triển vọng, với phẩm cấp và giá thành cao hơn.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, thanh long Việt Nam đã chiếm thị phần xuất khẩu đáng kể ở các khu vực thị trường như châu Á, châu Âu và Mỹ. Hiện nay, một số tỉnh trồng thanh long ở khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ đang chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nhiều sản phẩm nông sản, trong đó có thanh long gặp khó.

Nhưng khi nhận định về triển vọng của trái thanh long, bà Thủy cho rằng, nhu cầu tiêu thụ thanh long Việt Nam tại các thị trường nước ngoài không hề giảm. Thông qua hàng loạt các sự kiện giao thương trực tuyến trong lĩnh vực nông sản thời gian qua cho thấy, khá nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài quan tâm muốn phát triển nguồn cung thanh long chất lượng cao từ Việt Nam.

Thanh long hiện nay được trồng ở nhiều tỉnh thành, nhưng phát triển mạnh thành các vùng chuyên canh quy mô lớn tập trung ở các tỉnh Bình Thuận (29.000 ha), Long An (11.000 ha) và Tiền Giang (8.000 ha), chiếm 93,6% diện tích và 95,5 % sản lượng cả nước. Là 1 trong những địa phương có diện tích trồng thanh long lớn, sản lượng quả thanh long hàng năm của Long An đạt khoảng 350.000 tấn. Thời gian qua, Long An đã và đang thực hiện nhiều giải pháp xây dựng, phát triển vùng thanh long bền vững theo hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cung cấp sản phẩm theo đơn hàng quanh năm.

Bà Châu Thị Lệ, Phó Giám đốc Sở Công Thương Long An cho biết, ngoài thanh long truyền thống vỏ đỏ ruột trắng, tỉnh Long An còn có sản phẩm chủ lực là thanh long ruột đỏ. Bên cạnh đó, Long An cũng phát triển nhiều giống thanh long tím hồng, thanh long vỏ màu vàng, ruột trắng đẹp mắt với thành phần dinh dưỡng cao nhằm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đến nay, sản phẩm thanh long Châu Thành của Long An đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận Đăng ký Chỉ dẫn địa lý. Nhãn hiệu thanh long Tầm Vu cũng được bảo hộ tại 5 quốc gia là Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Singapore và Trung Quốc.

“Long An chủ yếu xuất khẩu thanh long quả tươi nhưng đồng thời cũng có các mặt hàng khác như thanh long sấy khô, sấy dẻo, bột thanh long... Thời gian tới, Long An mong Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tại địa phương phát triển nhiều hơn nữa thị trường xuất khẩu nông sản nói chung, thanh long nói riêng”, bà Lệ đề xuất.

Thanh long tươi Việt Nam là loại trái cây được nhập khẩu chính thức vào thị trường Australia từ năm 2017 với trị giá xuất khẩu gia tăng hàng năm. Năm 2020, xuất khẩu thanh long sang Australia tăng 36% so với năm 2019, đạt 4,2 triệu USD. Trong khi đó, năm 2021 xuất khẩu thanh long sang Australia tăng 14% so với năm 2020, đạt 4,8 triệu USD. Con số này cao hơn mức tăng trưởng chung của thanh long xuất khẩu đi tất cả các thị trường năm 2021 là 8,5%.

Thông tin sâu hơn về thị trường Australia, bà Nguyễn Thu Hường, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, ngoài việc tiêu thụ tại các cửa hàng của người Việt, thanh long Việt đã được bày bán ở hệ thống siêu thị bán lẻ lớn của Australia. “Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thương mại Việt Nam-Australia vẫn tăng trưởng rất tốt với sự đóng góp của mặt hàng rau củ quả, trong đó có thanh long”, bà Hường đánh giá.

Lưu ý các vấn đề khi xuất khẩu thanh long vào thị trường Australia, bà Nguyễn Thu Hường nêu rõ, sản phẩm phải được kiểm dịch và có giấy chứng nhận an toàn sinh học, phải được xử lý bằng phương pháp nhiệt hơi để đảm bảo không có côn trùng trong cả bao bì đóng gói. Ngoài ra, các địa phương có trồng thanh long cần xác định tầm quan trọng trong liên kết chặt chẽ giữa 3 nhà: Nhà vườn thanh long, nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu.

Từ đầu năm 2022, nhận thấy khả năng xuất khẩu thanh long vào thị trường Trung Quốc gặp khó khăn, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng đã khuyến cáo các Bộ, ngành và các địa phương và doanh nghiệp cần rà soát, thực hiện nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, cần tăng cường quản lý chặt chẽ để đảm bảo quy trình sản xuất thanh long an toàn theo yêu cầu phòng chống dịch Covid-19 từ khâu trồng, thu mua, bao gói, phân loại tới khâu vận chuyển để xuất khẩu. Đặc biệt là nhóm hàng trái cây để có định hướng điều tiết sản lượng thu hoạch trong bối cảnh dịch bệnh nhiều khả năng còn diễn biến phức tạp, tiêu thụ qua biên giới có thể còn gặp khó khăn.

Trong bối cảnh hiện nay, Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo các địa phương chỉ đạo các doanh nghiệp chế biến rau quả tăng cường thu mua thanh long tươi hiện đang tồn đọng, từ đó làm nguyên liệu chế biến thành sản phẩm tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu.


Có thể bạn quan tâm

lanh-dao-tinh-nghe-an-tham-mo-hinh-kinh-te-tai-xa-tam-quang Lãnh đạo tỉnh Nghệ An… hat-gao-viet-nam-tao-dot-pha-moi Hạt gạo Việt Nam tạo…