Tin thủy sản Ngăn ruộng, thả bèo nuôi cua cho thu nhập “khủng“

Ngăn ruộng, thả bèo nuôi cua cho thu nhập “khủng“

Tác giả Ngọc Phương, ngày đăng 14/05/2018

Ông Nguyễn Đình Tứ ở xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) đã mạnh dạn đầu tư nuôi cua trên ruộng lúa.

Một trong những ao nuôi cua của ông Tứ; mặt ao được ngăn ô để thả bèo hoa dâu chống nắng cho cua. Ảnh: Ngọc Phương

Khi xã Nhân Sơn (Đô Lương) tiến hành dồn đổi ruộng đất theo Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào năm 2012, những diện tích đất xấu, trũng gần như bỏ hoang, không ai muốn nhận. Ông Nguyễn Đình Tứ đã mạnh dạn đổi tất cả diện tích đất canh tác, trong đó có cả ruộng loại 1 về tập trung thành một thửa trên vùng đất như vậy tại cánh đồng xóm 7. 

Ông Tứ đã đầu tư công sức cải tạo lại khu đất này và chuyển từ độc canh cây lúa sang làm trang trại đa canh. Sau nhiều năm dồn đổi và tích tụ ruộng đất, đến nay diện tích trang trại của ông Tứ có khoảng 3.000 m2.

Được sự gúp đỡ của Hội Nông dân xã, năm 2017 ông Tứ triển khai mô hình nuôi cua. Năm đầu ông chỉ nuôi cua với diện tích nhỏ, thấy thu nhập khá ông mở rộng diện tích lên 1.000 m2 để cung cấp cho khách hàng trong và ngoài huyện.

Ông Tứ chia sẻ, nuôi cua không khó, nhưng cần hiểu biết về kỹ thuật, quan trọng nhất là phải thường xuyên theo dõi, từ đó rút ra được nhiều kinh nghiệm không có trong sách vở. Ví như thời tiết mùa hè ở Nghệ An thường rất nóng, trong khi cua không chịu được nắng nóng dẫn đến sinh trưởng, kém thậm chí có thể chết hàng loạt. Giải pháp đưa ra rất đơn giản, chia ô thả bèo hoa dâu để cua trú dưới mặt bèo.

Cua đực được chọn giống, cách phân biệt với cua cái là giữa bụng có rãnh sâu. Ảnh: Ngọc Phương

Trong việc thiết kế ao nuôi, chế biến thức ăn và phương thức thu hoạch, vận chuyển... ông Tứ cũng có những sáng tạo riêng; như khi lột xác, thân cua yếu mềm dễ bị các động vật khác hay chính những con cua khỏe mạnh ăn thịt, vì vậy, quanh ao phải đắp bờ giả cho cua làm hang, lẩn tránh.

Về nguồn giống ông Tứ tự đi bắt ở ngoài đồng, con nào mình đẹp, sáng, nhanh nhẹn, có hướng phát triển thì đem về thả ao, không cần phải tìm đến trang trại nuôi để mua con giống; mỗi m2 mặt nước ông thả 1 cặp cua. Cách phân biệt con đực là ở giữa bụng có rãnh sâu, còn con cái có nắp trùm kín cả bụng. 

Thức ăn của cua chủ yếu là cám gạo, ngô, lúa vụn, phân trâu khô, giun quế. Trong quá trình nuôi, khi cua có trứng nằm trong ướm, sau 10 ngày đẻ cua sẽ tự lột xác và phát triển bình thường. Cua sẽ đẻ liên tục từ tháng 3 đến tháng 8.

Cua nuôi sẽ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; hiện ông Tứ xuất bán ra thị trường từ 100.000 - 130.000 đồng/kg. Ảnh: Ngọc Phượng

Hiện tại, gia đình ông Tứ xuất bán trung bình 1,5 tạ cua/tháng, giá bán từ 100.000 - 130.000 đồng/kg, cho thu nhập cao gấp 7 lần so với trồng lúa. Ngoài nuôi cua, ông Tứ còn nuôi gần 300 con gà Đông Tảo, vịt; trồng hàng trăm cây ăn quả như: táo, vải, nhãn, bưởi, cam, chuối.


Có thể bạn quan tâm

nuoi-so-huyet-xen-vem-xanh-ven-bien-cho-thu-nhap-cao Nuôi sò huyết xen vẹm… tom-viet-tai-cac-thi-truong Tôm Việt tại các thị…