Ngành Cá Tra Cần Tiếp Tục Được Vay Vốn Tín Dụng Xuất Khẩu Để Vượt Qua Khó Khăn
Hiệp hội Cá tra Việt Nam kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét giảm các điều kiện cho vay (về lãi suất cho vay, thời hạn trả nợ, tài sản bảo đảm…).
Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn của ngành cá tra.
Theo Hiệp hội, hoạt động sản xuất và xuất khẩu cá tra trong nước hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế khu vực và thế giới những năm qua làm sức tiêu thụ của các thị trường nhập khẩu cá tra bị sụt giảm đáng kể, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra, thể hiện ở việc diện tích nuôi bị thu hẹp, giá cá nguyên liệu tăng cao, sản lượng sản xuất và xuất khẩu giảm sút.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của chính sách thuế chống bán phá giá của Chính phủ Mỹ đối với sản phẩm cá tra Việt Nam nên việc xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp sản xuất cá tra vào thị trường Mỹ hiện cũng bị hạn chế.
Hiệp hội cá tra cũng cho biết, thời gian qua, ngành sản xuất cá tra trong nước đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ nguồn vốn tín dụng xuất khẩu của Nhà nước. Thông qua hoạt động cho vay của cơ quan thực hiện chính sách tín dụng xuất khẩu Nhà nước là Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), các doanh nghiệp cá tra đã huy động được một lượng vốn lớn để đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến cá tra cũng như thực hiện các hợp đồng xuất khẩu cá tra.
Nhiều doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội và đồng thời cũng là những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu cả nước hiện đang là khách hàng vay vốn tín dụng xuất khẩu Nhà nước thường xuyên. Việc triển khai chính sách cho vay vốn tín dụng xuất khẩu của Nhà nước đã góp phần đáng kể vào việc đảm bảo nguồn tài chính cho các doanh nghiệp cá tra đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, góp phần đưa thương hiệu cá tra Việt Nam từng bước chiếm lĩnh thị trường thế giới.
Trước tình hình khó khăn hiện nay, Hiệp hội Cá tra Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét giảm các điều kiện cho vay (về lãi suất cho vay, thời hạn trả nợ, tài sản bảo đảm…).
Theo nhận định của Hiệp hội, Việt Nam hiện vẫn đang là nước sản xuất và xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới với kim ngạch xuất khẩu bình quân mỗi năm gần 2 tỷ đô la Mỹ. Trường hợp nếu được Nhà nước tiếp tục cho vay vốn tín dụng xuất khẩu và áp dụng các giải pháp tháo gỡ khó khăn nói trên, ngành sản xuất cá tra sẽ có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với nguồn vốn của Nhà nước, từ đó giảm chi phí sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh việc sản xuất, xuất khẩu mặt hàng cá tra ra thị trường thế giới.
Được biết Ủy ban nhân dân một số tỉnh và nhiều doanh nghiệp đã có văn bản đề nghị mở rộng đối tượng vay tín dụng xuất khẩu của VDB để các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận vốn phục vụ xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm ở vùng sâu vùng xa, sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm sản xuất theo mô hình chuỗi liên kết giữa nguyên liệu – sản xuất và xuất khẩu, góp phần ổn định an ninh xã hội tại các địa phương và tăng kim ngạch xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ