Mô hình kinh tế Ngành Cá Tra Sẽ “Chết” Nếu Cứ Mạnh Ai Nấy Làm

Ngành Cá Tra Sẽ “Chết” Nếu Cứ Mạnh Ai Nấy Làm

Ngày đăng 29/08/2013

Người nuôi và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra phải liên kết và chia sẻ lợi ích với nhau thì ngành cá tra mới 'sống' được.

Vài năm trở lại đây, đặc biệt là sang năm 2013, “đầu ra” cho con cá tra khó khăn, trong khi đầu vào tăng cao khiến cả người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam đều điêu đứng.

Trong bối cảnh này, nhiều chuyên gia cho rằng, muốn cứu ngành cá tra, bên cạnh sự vào cuộc thiết thực của Nhà nước, việc liên kết tích cực giữa doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và người nuôi cá là mấu chốt để cứu ngành này.

Doanh nghiệp còn “chộp giật”, người nuôi tiếp tục lỗ nặng

Báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT cho biết, sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 8/2013 ước đạt 294 ngàn tấn, tăng 3,3% so với cùng kì năm ngoái, đưa tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản 8 tháng đầu năm ước đạt 2,075 triệu tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2012.

Trong đó, riêng về cá tra, Bộ NN-PTNT cho biết sản lượng 8 tháng đầu năm ước đạt 647.000 tấn, tương ứng với diện tích nuôi thả khoảng 5.500 ha. Đáng chú ý là theo báo cáo của các địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng cá tra 8 tháng năm 2013 của một số tỉnh vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể: Cần Thơ sản lượng cá tra ước đạt 62.914 tấn (-23,13%), Đồng Tháp 216.008 tấn (-14,4%), Vĩnh Long 69.016 tấn (-12,3%), Bến Tre 119.000 tấn (-7,8%)…

Một điểm sáng nhỏ là giá cá tra nguyên liệu trong tháng 8 đã có xu hướng tăng. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long giá cá tra trong tháng 8 tăng 800 đồng/kg so với tháng 7, dao động từ 19.500 - 21.800 đồng/kg, tuy nhiên so với giá thành sản xuất 23.000 - 24.000 đồng/kg, người nuôi vẫn lỗ từ 2.000-3.000 đồng/kg.

Cũng theo Bộ NN-PTNT, tính đến ngày 16/8, toàn vùng ĐBSCL đã thả nuôi cá tra đạt 4.696 ha (tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2012). Diện tích thu hoạch là 3.579 ha (tăng 31,7%, so với cùng kỳ), với sản lượng gần 771.000 tấn. Năng suất bình quân đạt 215 tấn/ha (năm 2012 là 270 tấn/ha).

Với những con số này, nhiều chuyên gia cho rằng, khó khăn của ngành cá tra đang lên đỉnh. Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang, phân tích: Thời điểm hiện nay đang là lúc khó khăn nhất của ngành cá da trơn, trong đó có cá tra. Đây là hậu quả của bối cảnh thị trường đầu ra xấu đi, lại đúng lúc các doanh nghiệp cũng “khát” vốn từ 2011 - 2012 đến nay.

Do đó, các doanh nghiệp phải tự bơi bằng nhiều cách, trong đó có bán xả hàng để có vốn lưu động. Nhưng “cũng có một số doanh nghiệp làm ăn “chộp giật”, dùng cách bán phá giá để cạnh tranh, chiếm thị phần. Thậm chí, doanh nghiệp đua giảm giá bán bằng cách điều chỉnh kỹ thuật nuôi khiến giảm chất lượng cá đầu ra. Điều này đã làm mất đi uy tín của con cá tra Việt Nam”- ông Bình nhấn mạnh.

Cùng quan điểm giải thích nguyên nhân nêu trên, Tiến sĩ Chau Thi Đa (Giảng viên Bộ môn Thủy sản, Trường Đại học An Giang) còn chỉ ra thêm rằng, “khi doanh nghiệp xuất khẩu đã phá giá thì họ quay lại mua giá cá nguyên liệu của nông dân với giá thấp đi. Cách làm này đã đẩy khó cho người nông dân nuôi cá tra. Nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn, nông dân làm ăn thua lỗ, ngành cá tra cũng không thể phát triển được”.

Còn ‘mạnh ai nấy làm’, sẽ chết…

Trong tình cảnh người nuôi cá tra đang “treo ao” ngày càng nhiều, ông Bình cho rằng, nếu trước đây họ “treo ao” vì thiếu vốn đầu tư, nay tiếp tục treo và sẽ tăng diện tích treo nếu giá cá không tăng. Dù có vay được vốn, nông dân cũng không dám đầu tư nuôi vì biết trước sẽ lỗ, lỗ vì đầu vào tăng cao, đầu ra vẫn giảm.

Mặc dù vậy, thực tế vẫn có nhiều hộ dân và doanh nghiệp sống được trong thời buổi khó khăn này. Theo ông Bình, đó là nhờ họ liên kết được với doanh nghiệp để sản xuất. Dù nông dân và doanh nghiệp có liên kết vẫn có nguy cơ rủi ro, nhưng rủi ro sẽ thấp hơn. Bởi vì người dân có thể chỉ nuôi gia công cho doanh nghiệp nên vẫn có thu nhập, còn doanh nghiệp thuê nuôi gia công có lợi thế là mua thức ăn trực tiếp tại nhà máy, được chiết khấu giá thấp hơn so với nông dân mua lẻ.

Do đó, nếu nông dân tự nuôi đơn lẻ, giá thành cá nguyên liệu sẽ là khoảng 23.000 đồng/kg, nhưng nếu nhà máy cho nuôi gia công hoặc liên kết với nhau, giá thành chỉ khoảng 21.000 đồng/kg. Mức giá này phù hợp cho thị trường hiện tại. Các doanh nghiệp này lúc nào cũng có cá nguyên liệu và đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Nông dân Nguyễn Hoàng Đơ (ở Ấp Mỹ Thuận, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, An Giang) người có kinh nghiệm 10 năm nuôi cá tra, chia sẻ: “Ở Ấp này, 100% hộ nuôi đơn lẻ đã “treo ao”. Gia đình tôi còn bám trụ được là nhờ liên kết với doanh nghiệp để nuôi. Hiện, gia đình đang nuôi 4 công ao. Với công suất nuôi 2 vụ, vốn đầu tư cần 3 tỷ đồng. Nếu không có công ty cho nợ tiền thức ăn, cũng sẽ phải treo ao”.

Để tránh tình trạng con cá tra vốn là thế mạnh giờ đang là nỗi lo của cả người dân và doanh nghiệp, TS Chau Thi Đa cho rằng: Nhà nước cần phải quản lý chặt hơn các doanh nghiệp. Cần có cơ quan pháp chế để quản lý doanh nghiệp. Nếu không, cứ mạnh ai nấy làm vì lợi ích riêng của mình, rất khó phát triển bền vững. Đặc biệt, khi sự cố xảy ra, người thiệt thòi chính vẫn là nông dân.

Hơn nữa, dù khẳng định “cách nuôi cá liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp là cách làm tích cực”, TS Chau Thi Đa vẫn lưu ý rằng: Muốn liên kết lâu dài, làm ăn phát triển bền vững, cả nông dân và doanh nghiệp đều phải giữ chữ tín, cùng chia sẻ lợi ích và khó khăn, không được... bẻ kèo”

Chia sẻ quan điểm này, ông Lê Chí Bình cho hay: “Kinh nghiệm xương máu từ thực tiễn của An Giang cho cả ngành cá da trơn là: nếu doanh nghiệp và nông dân bắt tay liên kết với nhau thì sẽ cùng tồn tại, còn mạnh ai nấy làm thì sẽ... chết”.


Có thể bạn quan tâm

nghe-moi-o-tuyen-long Nghề Mới Ở Tuyến Lộng nong-dan-tap-trung-tha-tom-cang-xanh Nông Dân Tập Trung Thả…