Tin thủy sản Nghệ An: Điểm nhấn mô hình thủy sản nước ngọt

Nghệ An: Điểm nhấn mô hình thủy sản nước ngọt

Tác giả Anh Vũ, ngày đăng 02/10/2017

Từ những vùng đất sản xuất nông nghiệp không hiệu quả nhưng bằng sự đầu tư hợp lý và nhất là sự hỗ trợ kịp thời của các chương trình khuyến nông về con giống, quy trình chăm sóc, các mô hình nuôi trồng thủy sản ở Nghệ An đã cho hiệu quả bất ngờ…

Kiểm tra cá nuôi ở mô hình nuôi cá rô phi thương phẩm   Ảnh: Huy Hùng

Mạnh dạn áp dụng

Ông Đặng Hữu Lương (xóm 8, xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc) quyết định đầu tư hàng trăm triệu đồng để đào ao nuôi cá. Nhưng những năm đầu, ông nuôi cá trắm không thành công hoặc không đúng thời vụ nên khó bán và lợi nhuận không cao. Từ năm 2015, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Nghệ An và Trạm Khuyến nông huyện Nghi Lộc, ông Lương cải tạo lại ao đầm để nuôi cá leo là đối tượng nuôi mới trên địa bàn tỉnh. Vụ cáo leo đầu tiên, ông thu được thắng lợi và đã chuyển toàn bộ diện tích đất sản xuất của gia đình về khu vực đồng trên để cải tạo thành một khu vực đầm hoàn chỉnh diện tích khoảng 1,6 ha. Diện tích đầm được chia thành 3 khu vực, ao đầu nguồn nước vào ông thả cá leo, ở giữa ông làm khu dịch vụ chuồng trại và ao phía cuối thả cá trắm ốc và cá mè.

Với 2 loại cá chủ lực là cá leo và cá trắm ốc (hay trắm đen), nhờ chăm sóc tốt, bình quân cá leo trọng lượng khoảng 3 - 4 kg/con, cá trắm 5 - 7 kg/con. Với sản lượng 4 - 5 tấn, giá khoảng 100.000 đồng/kg, mỗi năm riêng cá leo đã cho ông Lương doanh thu trên 400 triệu đồng. Bên cạnh cá leo, với 3 tấn cá trắm đen, giá từ 120.000 - 150.000 đồng/kg, doanh thu mỗi năm trên 400 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, mô hình lãi khoảng 500 triệu đồng/ha/năm.

Ông Lương cho hay, so với làm lúa, nuôi cá khỏe và hiệu quả kinh tế hơn rất nhiều. Tuy nhiên, cần chi phí đầu tư lớn hơn và người nuôi phải thực sự tâm huyết thì sẽ rất hiệu quả.

Nuôi cá rô phi theo VietGAP

Năm 2016, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Trung tâm Khuyến nông Nghệ An, Trạm Khuyến nông huyện Quỳnh Lưu tổ chức xây dựng mô hình điểm liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm tại 2 hộ gia đình là ông Lê Thanh Điều và bà Hồ Thị Hằng Nga ở xóm 9, xã Quỳnh Văn. Trên diện tích ao 0,5 ha, mỗi hộ thả 15.000 con cá rô phi mới dòng Đường Nghiệp; mật độ 3 con/m2. Sau 5 tháng nuôi thử nghiệm, năng suất cá rô phi đạt 12,4 tấn/ha; sau khi trừ chi phí, mỗi hộ gia đình thu lợi nhuận trên 60 triệu đồng.

Ông Lê Thanh Điều (xóm 9, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu) cho biết, tham gia mô hình, ông đầu tư cải tạo lại ao đầm và lắp đặt thêm quạt gió, cho cá ăn theo công thức. Nuôi cá rô theo VietGAP đầu tư nhiều hơn và chăm sóc cẩn thận hơn quy trình nuôi cá rô truyền thống. Cụ thể, vào những ngày nắng nóng phải chạy quạt vào chiều và đêm, cho ăn đúng giờ và chi phí lớn hơn. Tuy nhiên, bù lại do mật độ nuôi dày và điều kiện môi trường tốt hơn nên hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5 - 2 lần. So với làm lúa ở diện tích trước đây, mỗi sào chỉ được vài triệu đồng thì nay nuôi cá rô phi VietGAP lãi tăng gấp hàng chục lần.

Nhân rộng không dễ

Mặc dù, hiệu quả nuôi cá nước ngọt đã được chứng minh nhưng một trong những trở ngại ảnh hưởng đến việc nhân rộng mô hình cá rô phi theo hướng VietGAP đó là con giống. Do chưa tự chủ được nguồn giống nên hiện tại Nghệ An đang phải nhập từ Trạm giống ở Hải Phòng về nên giá khá cao. Với 15.000 con nuôi trên 5.000 m2 đầm nhưng chi phí giống lên tới 22 triệu đồng, kèm theo đó là chi phí thức ăn gần 80 triệu là thách thức không nhỏ với nhiều hộ nông dân. Mặt khác, cá nuôi ở các tỉnh phía Bắc có thể đạt 1 - 1,2 kg/con nhưng ở Nghệ An chỉ ở mức 0,6 - 0,65 kg/con; mùa hè quá nóng, nuôi mật độ dày phải dùng quạt gió và vào mùa đông cá rô phi thường chậm phát triển nên giá trị chưa đạt tối đa. Bên cạnh đó, giá cá rô phi nuôi theo VietGAP không khác mấy với cá rô phi truyền thống nên chưa thực sự khuyến khích được người dân, đầu ra cho sản phẩm cũng chưa thực sự ổn định.

Đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Nghệ An, mô hình cá leo và cá rô phi theo hướng VietGAP đang triển khai thí điểm và nhân trong thời gian tới. Để nuôi cá rô phi hàng hóa theo hướng VietGAP, ngoài đầu tư về giống, các chủ đầm phải có kinh nghiệm và cải tạo lại, đào ao sâu hơn để tạo tầng nước ấm, qua đó duy trì được đàn cá đến kỳ thu hoạch để đạt giá trị cao nhất. Tuy nhiên, ngành thủy sản cũng khuyến cáo người dân tránh nuôi ồ ạt để ổn định đầu ra cho sản phẩm.

>> Vừa qua, tại TP Vinh, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Nghệ An tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi cá rô phi theo quy trình VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm nhằm cung cấp kỹ thuật cho người nuôi, tháo gỡ khó khăn cũng như tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm… từ đó nhân rộng mô hình này trên địa bàn tỉnh.


Có thể bạn quan tâm

nuoi-tom-sieu-tham-canh-len-ngoi Nuôi tôm siêu thâm canh… nucleotide-giai-phap-cai-thien-he-mien-dich-va-duong-ruot Nucleotide: Giải pháp cải thiện…