Tin thủy sản Nghệ An Ngư dân vẫn khó

Nghệ An Ngư dân vẫn khó

Tác giả Hoàng Trinh, ngày đăng 21/09/2016

Khó khăn chất chồng

Theo kết luận mới nhất của các cơ quan chức năng, biển miền Trung đang có dấu hiệu phục hồi, ngư dân có thể nuôi trồng thủy, hải sản một cách an toàn. Kết quả kiểm tra trên nhiều mẫu cá đều không còn thấy dấu hiệu nhiễm độc. Tuy nhiên, từ kết quả trên phiếu xét nghiệm của các cơ quan chức năng cho đến khi niềm tin của người dân được khôi phục chắc chắn cần có thời gian không nhỏ.

Dù ngư dân vẫn tiến hành ra khơi, bám biển nhưng thủy, hải sản rớt giá sau vụ cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung đã khiến hàng ngàn hộ dân tại các huyện ven biển của Nghệ An lâm vào cảnh khốn khó. Cảng cá Diễn Bích (Diễn Châu) đang vào mùa thu hoạch cao điểm, nhưng giờ đây chỉ thưa thớt bóng người. Cũng thời điểm này, những năm trước, mỗi ngày luôn có 200-300 lao động có mặt tại cảng. Giờ nhắc đến cá tôm ai cũng thở dài…

Ông Trần Văn Đồng (47 tuổi) ở Tổ Quyết Thắng xã Diễn Bích (thuộc huyện Diễn Châu) đi biển từ năm 13 tuổi. Ban đầu là theo cha, theo ông “học việc” giờ ông đã trở thành “ông chủ” của 1 đôi tàu với 9 thuyền viên/thuyền. 34 năm gắn bó với biển, giờ nhìn về phía những con tàu đang “ngủ”, ông Đồng chia sẻ: “Biển không yên nên đây là thời điểm khó khăn nhất đối với những ngư dân bám biển…”.

Hỏi tại sao?, ông Đồng bỗng chùng xuống: “Cá chết từ Hà Tĩnh trở vào nhưng đã ảnh hưởng rất lớn đến Nghệ An. Ngư dân đánh bắt về, hải sản không bán được. Mà có bán được thì giá cũng rất bèo bọt. Trước bán được giá 10 thì giờ lúc chỉ bán được 5, thậm chí 3 cũng bán. Trong khi đó, đi đánh thì dầu vẫn phải chi phí, lương vẫn phải trả cho thuyền viên. Vì thế lỗ là cái chắc nên đời sống ngư dân rất khó khăn”.

Vợ ngư dân Đồng ngồi bên cũng than thở: “Trước tàu về bến, chỉ mấy tiếng là cả tàu cá đã bán hết veo. Ảnh hưởng của cá chết khiến cho việc bán “mắc cạn”. Để bán được cá, chúng tôi đã phải chở hải sản đi sang các tỉnh bạn như Thanh Hóa để bán nhưng cũng bị ép giá”.

“Cá đi đánh bắt về không bán sỉ được nên phải đi bán lẻ. Ấy vậy mà nhiều người đi bán cá ở các huyện miền núi, nhưng cũng nơm nớp sợ bị đánh vì người dân bản địa nghi chúng tôi lấy cá từ vùng nhiễm độc đi bán”, vợ ông Đồng cho hay.


Ông Trần Văn Đồng băn khoăn không biết bao giờ mới được vươn khơi bám biển như xưa

Ông Đồng cũng cho rằng, điều cản trở nhất đối với ngư dân Diễn Bích đó là Lạch Vạn quá cạn. Vì thế từ cuối tháng 9 trở đi, tàu thuyền lớn không thể về Lạch Vạn được mà đi đánh bắt về phải đi lạch khác để tiêu thụ như: Cửa Lò, Cửa Hội, Lạch Quèn, thậm chí là ra Thanh Hóa vì lạch quá cạn. Do Lạch Vạn cạn nên năm 2015 đánh bắt về nhiều tàu trong lúc chờ nước lên để vào Lạch Vạn thì bị sóng đánh vỡ thiệt hại hàng tỷ đồng.

Khó khăn là thế nhưng ngư dân Đồng vẫn lạc quan: “Hiện biển đã tạm yên ổn, tạm thời ngư dân đang leo từ từ… từng nấc một. Biển không chỉ cho tôm, cá mà đối với ngư dân biển còn là chủ quyền và là máu thịt mà cha ông đã đánh đổi để giữ lại. Nên dẫu có khó khăn như thế nào đi nữa chúng tôi vẫn chưa bao giờ có cái ý nghĩ bỏ nghề biển”.

Có lẽ điều mà người đàn ông này băn khoăn nhất là bao giờ ông lại có thế đi biển lại như xưa?

Cảng cá người vào ra thưa thớt, các kho lạnh trống trơn đó là hình ảnh có thể gặp bất cứ đâu dọc bờ biển Nghệ An. Khó khăn chồng chất như sóng biển đang đè nặng lên những người bao năm qua chỉ biết đến một nghề, đó là nghề đi biển - chị Phạm Thị Hiền cho biết:

“Trước đây, khi chưa có sự cố xẩy ra, cảng cá nhộn nhịp bán từ sớm tinh mơ đến tối, nhưng nay người dân vẫn còn sợ cá nhiễm độc nên không ăn mà chỉ bán được cho gia súc … Bữa ăn của nhiều ngư dân nơi đây, giờ đã không còn món cá biển, dù trước đây là thứ không thể thiếu. Từ trước đến giờ chưa bao giờ khó khăn như lúc này, bởi bọn tôi sống bám biển, chết cũng bám biển không biết làm gì khác, cho nên khó khăn chồng chất khó khăn, khó khăn quá con cái cũng dần bỏ học…”.

Cần có chính sách hỗ trợ kịp thời cho ngư dân

Theo nhiều ngư dân ở Nghiệp đoàn nghề cá xã Diễn Bích thì ngoài việc khó khăn trong việc tiêu thụ hải sản, nhiều phương tiện trên tàu thuyền đánh bắt của họ cũng rất lạc hậu. Điều này ảnh hưởng rất lớn, thậm chí là khiến cho ngư dân chưa yên tâm khi vươn khơi.

Ông Trần Văn Đồng cùng các ngư dân trong Nghiệp đoàn thường đánh bắt từ Hà Tĩnh ra đến đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), mỗi chuyến đi từ 7 đến 10 ngày. Ngoài sự thô sơ về thiết bị phòng cháy chữa cháy thì ông Đồng cho biết, máy liên lạc cũng rất lạc hậu.

“Đối chiếu với các chỉ tiêu của nhà nước thì hiện thiết bị trên tàu của chúng tôi rất thiếu. Chúng tôi không có côm, không có máy phát tầm xa hay máy dò mà chỉ có đàm để liên lạc. Đi đánh bắt chúng tôi chỉ bắt bằng kinh nghiệm, phụ thuộc vào may mắn nên kết quả cũng phập phù. Trong khi ở các nước tiên tiến họ có máy dò nên việc đánh bắt rất hiệu quả. Khi đánh bắt ngoài khơi nếu gặp phải tàu Trung Quốc thì chúng tôi chấp nhận thua vì phương tiện, máy móc của họ hiện đại, so với họ tàu chúng tôi chỉ là con nít”, ông Đồng ví von.

Trước trăn trở của các đoàn viên, ông Thạch Đình Nghĩa - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Diễn Bích cho rằng, sau hai năm hoạt động với sự hỗ trợ của nghiệp đoàn, ngư dân đã năng động, cần cù đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo vệ biển. Tuy nhiên hiện ngoài việc đối mặt với những khó khăn như ô nhiễm môi trường, luồng lạch cạn, bến neo đậu nhỏ thì vốn phục vụ cho đóng tàu mới để khai thác xa bờ, máy liên lạc, ngư cụ thiếu thốn cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc khai thác thủy sản của đoàn viên nghiệp đoàn.

“Nguyện vọng của đoàn viên nghiệp đoàn là mong muốn có sự quan tâm hơn nữa của nhà nước. Ví như tiếp tục tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn để phát triển đánh bắt và sửa chữa, đóng mới tàu thuyền; có chính sách để nạo vét Lạch Vạn cho tàu thuyền ngư dân ra vào thuận lợi, bởi ngư dân không thể đủ điều kiện kinh tế để cải tạo luồng lạch... Việc nhà nước có chính sách kịp thời để hỗ trợ cho ngư dân là rất cần thiết để họ yên tâm bám biển vươn khơi” - ông Nghĩa cho biết.

Dù còn có nhiều khó khăn vây bủa, nhưng trên các cảng cá nơi đây, người ta cũng đã bắt đầu thấy dấu hiệu hồi sinh. Cách đó không xa tại cảng cá Diễn Ngọc (Diễn Châu) đã hạ thủy được hai tàu cá 600 CV đánh bắt xa bờ được vay vốn theo nghị định 67 của CP. Trong những ngày mà dư âm của biển miền Trung chưa hết ảm đạm từ sự cố môi trường thì đây là một dấu hiệu tốt lành đối với ngư dân. Những chuyến tàu công suất lớn sẽ tiếp tục vươn khơi.

Ông Phạm Đức Cường - Chủ tịch LĐLĐ huyện Diễn Châu: Do đặc thù của nghề biển, phải đi làm ăn xa, dài ngày nên viêc tổ chức các phong trào thi đua, các buổi học tập, phổ biến pháp luật của Nghiệp đoàn nghề cá xã Diễn Bích gặp khó khăn. Để nghiệp đoàn hoạt đồng hiệu quả hơn nữa rất cần sự hỗ trợ về kinh phí từ UBND tỉnh. Mặt khác tỉnh cần quan tâm hơn nữa để chỉ đạo các ngân hàng có cơ chế hỗ trợ ngư dân vay vốn lãi suất thấp và thời gian hoàn trả kéo dài thêm để đóng mới, mua sắm ngư lưới cụ phục vụ sản xuất. Đặc biệt tỉnh và Trung ương quan tâm khảo sát và nạo vét Lạch Vạn để các tàu thuyền ra vào đảm bảo an toàn. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, nâng cao chất lượng hoạt động nghiệp đoàn và thường xuyên nắm bắt tâm tư nguyện vọng chính đáng của đoàn viên để kịp thời phản ánh các cấp chính quyền để có giải pháp xử lý, hỗ trợ.


Có thể bạn quan tâm

tom-su-tom-cang-dau-hang-tom-the Tôm sú, tôm càng đầu… tung-mat-trang-vi-bao-van-thanh-ty-phu-nho-ca Từng mất trắng vì bão,…