Mô hình kinh tế Nghệ An: Nỗ Lực Khắc Phục SX Lúa Đông Xuân

Nghệ An: Nỗ Lực Khắc Phục SX Lúa Đông Xuân

Ngày đăng 13/07/2012

Theo báo cáo sơ bộ của Sở NN-PTNT Nghệ An thì đến thời điểm này toàn tỉnh có xấp xỉ 40.000 ha lúa bị chết rét, chiếm trên 40% tổng diện tích lúa gieo cấy cả vụ. Trong số này có từ 15.000-16.000 ha lúa gieo thẳng và 24.000-25.000 ha lúa cấy.

Lúa gieo thẳng tập trung ở các huyện: Đô Lương, Nam Đàn, Nghi Lộc và Hưng Nguyên. Mỗi huyện có từ 3.000-4.000 ha lúa gieo thẳng và hiện tại trên toàn bộ diện tích lúa gieo thẳng có tỉ lệ cây lúa bị chết lên đến 70-80%, nhiều nơi đã lên đến 100%. Có thể nói trên diện tích lúa gieo thẳng cơ bản chết hết phải gieo cấy lại.

Ngay từ khi triển khai đề án SX vụ xuân năm 2008, Sở NN-PTNT đã lưu ý các huyện không nên gieo thẳng lúa trong vụ xuân mà phải chỉ đạo các HTXNN gieo mạ có phủ nilon để phòng chống rét cho mạ. Thế nhưng nhiều huyện vẫn để cho nông dân tự do gieo thẳng trên qui mô lớn và hiệu quả như đã nói ở trên. Đặc biệt nhiều HTXNN có diện tích gieo thẳng 100% như các HTX: Hòa Sơn, Minh Sơn, Mỹ Sơn, Trà Sơn (Đô Lương), Nam Giang, Nam Lĩnh, Kim Liên, Hùng Tiến, Nam Thanh, Nam Nghĩa (Nam Đàn), Nghi Vạn, Nghi Phương, Nghi Mỹ, Nghi Lâm (Nghi Lộc)… Những xã và HTX này phải gieo cấy lại 100% diện tích lúa vụ này.

Trên diện tích lúa cấy lẽ ra không phải chết nhiều đến như vậy. Nhưng bất chấp chủ trương của ngành NN-PTNT đã thông báo nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng đề nghị bà con nông dân không ra đồng cấy lúa vào những ngày trời rét, nhiệt độ không khí dưới 16oC. Nông dân vẫn cấy, cấy cho xong để ăn Tết Nguyên đán. Mặc dầu trên toàn bộ diện tích lúa cấy có nước tưới đầy đủ nhưng do cấy vào thời điểm trời rét đậm, rét hại nên đến bây giờ đã có tới 25-30% số cây và số khóm lúa đã chết và sẽ chết tiếp vào những ngày tới.

Vùng trọng điểm lúa của tỉnh ở 3 huyện: Diễn Châu, Yên Thành và Quỳnh Lưu có số diện tích lúa đã gieo cấy xong trước tết âm lịch trên 26.000 ha. Cấy xong, tưởng như thế là yên tâm. Nhưng bây giờ ra đồng mới thấy lúa chết khá nhiều, nhất là các giống lúa thuần như: Nếp IR 352, HT số 1, Khang dân 18, tỉ lệ cây lúa bị chết trung bình từ 45-50%, thậm chí có ruộng lúa bị chết gần như 100%. Riêng các giống lúa lai tỉ lệ chết thấp hơn, từ 30-35%.

Trên diện tích mạ chưa cấy kịp không nhiều lắm, khoảng vài trăm ha, nhưng do không được phủ nilon nên đã có từ 45-60% diện tích mạ bị chết.

Riêng các huyện miền núi là vất vả nhất, diện tích lúa không nhiều, nhưng tỉ lệ diện tích lúa và mạ bị chết vào loại cao nhất so với vùng đồng bằng.

Trước tình hình mạ và lúa bị chết quá nhiều như vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lập tức đình chỉ tất cả các cuộc họp từ tỉnh xuống các huyện, thành, thị. Tất cả cán bộ của các cơ quan đoàn thể của tỉnh và huyện được huy động triệt để xuống từng làng, xã để cùng cơ sở SX và bà con nông dân tìm mọi biện pháp cứu lúa, cứu mạ, chống rét cho trâu bò…

Để khuyến khích, động viên và giảm bớt khó khăn cho bà con nông dân phải mua thêm giống lúa gieo cấy lại trên diện tích mạ, lúa bị chết rét, UBND tỉnh đã có quyết định hỗ trợ 70% giá giống lúa, số còn lại UBND các huyện, thành, thị hỗ trợ thêm. Đồng thời UBND tỉnh giao cho các đơn vị dịch vụ như Cty CP Giống cây trồng, Cty CP Vật tư nông nghiệp và Trung tâm Giống cây trồng của tỉnh khẩn trương tìm mọi biện pháp cung ứng nhanh nhất, kịp thời nhất số lượng giống, chủng loại giống cho bà con nông dân gieo mạ bổ sung ngay. Riêng ngành nông nghiệp được UBND tỉnh giao nhiệm vụ soạn thảo qui trình và cử cán bộ kỹ thuật xuống các địa phương hướng dẫn nông dân gieo mạ sâu, mạ trên nền đất cứng có che phủ nilon nếu trời tiếp tục rét hại, rét kéo dài.

Đối với diện tích mạ chưa cấy cố gắng chăm sóc, bảo toàn mạ chưa bị chết để tiếp tục gieo cấy càng sớm càng tốt khi trời ấm lên. Trên diện tích lúa cấy và gieo thẳng các cơ sở SX ra đồng đánh giá phân loại lại lần cuối cùng để có biện pháp bổ cứu thích hợp. Cụ thể là trên diện tích lúa đã bị chết gần như hoàn toàn thì phải cày bừa gieo cấy lại. Trên diện tích lúa bị chết còn lại từ 70-80% thì không nên phá đi mà phải cố gắng nhổ dồn, dặm cấy lại để tận dụng hết số cây lúa còn sống, chống lãng phí.

Tính đến nay, ngoài số giống lúa nông dân tự túc được để gieo cấy lại khoảng trên dưới 500 tấn, các đơn vị dịch vụ giống của tỉnh cũng đã cung ứng được gần 700 tấn giống lúa các loại cho bà con nông dân gieo lại mạ.

Có thể nói chưa bao giờ Nghệ An phải trải qua một vụ SX khó khăn và vất vả như vụ lúa xuân này. Nhưng được sự chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Huyện ủy, UBND các huyện, thành, thị và cùng với sự hỗ trợ về tài chính của tỉnh và huyện chắc chắn vụ lúa xuân năm nay sẽ được thắng lợi.


Có thể bạn quan tâm

dbscl-lam-gi-de-vu-lua-dx-thang-loi-tron-ven ĐBSCL: Làm Gì Để Vụ… lam-ma-tap-trung-cap-cho-nong-dan Làm Mạ Tập Trung Cấp…