Mô hình kinh tế Nghề Nuôi Tôm Hùm Nước Ta Còn Nhiều Thách Thức

Nghề Nuôi Tôm Hùm Nước Ta Còn Nhiều Thách Thức

Ngày đăng 01/04/2014

Sáng 31/3, tại TP Tuy Hòa, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Phú Yên tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chuyên đề Quản lý và phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm tại các tỉnh Duyên hải miền Trung.

Tham dự diễn đàn có Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Văn Trúc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh miền Trung cùng 190 ngư dân nuôi tôm hùm ở 5 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh  Hòa và Ninh Thuận...

Đây là một trong 18 sự kiện diễn ra trong đợt Festival Thủy sản Việt Nam – Phú Yên 2014.

Theo Tổng cục Thủy sản, tôm hùm ở Việt Nam hiện nay có giá trị kinh tế cao, đang được chú trọng phát triển và phân bố nhiều nhất tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Từ sau những năm 80 của thế kỷ XX, việc nghiên cứu và nuôi tôm hùm được chú ý, tuy nhiên nghề nuôi tôm hùm lồng thực sự phát triển từ năm 2000 đến nay, số lượng lồng nuôi ước tính có trên 43.000 lồng, với khoảng 8.000 – 10.000 hộ nuôi, trong đó nhiều nhất là tỉnh Phú Yên với trên 22.500 lồng, Khánh Hòa 16.300 lồng…Tuy nhiên, những năm gần đây, dịch bệnh trên tôm tùm xảy ra thường xuyên, với bệnh lý như trắng râu, long đầu… gây chết tôm.

Trong khi đó công tác phòng chống dịch bệnh còn nhiều hạn chế, như cuối năm 2006 và đầu năm 2007, 2012, tại các vùng nuôi tôm hùm ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận đã xuất hiện và bùng phát bệnh sữa, gây chết nhiều tôm hùm nuôi, thiệt hại hàng trăm tỉ đồng cho bà con nông dân.

Tại diễn đàn, nhiều ý kiến của ngư dân nuôi tôm hùm 5 tỉnh nói trên đã kiến nghị: Cần nghiên cứu và chế biến thức ăn công nghiệp cho tôm hùm nuôi, nghiên cứu thức ăn cho tôm là đối tượng thủy sản nước ngọt có phù hợp cho tôm hùm hay không và cách cho ăn, chăm sóc cho tôm nuôi phát triển nhanh.

Cần phải quản lý nguồn giống tôm hùm, quy hoạch và quản lý vùng nuôi theo hướng bền vững, vấn đề quản lý thuốc thú y thủy sản hiện nay. Nhà nước cần đầu tư nghiên cứu cách phòng và trị bệnh cho tôm hùm, vấn đề hỗ trợ khi dịch bệnh tôm hùm xảy ra, đồng thời có chính sách ưu tiên cho vay vốn đối với những hộ gặp rủi ro để đầu tư tái sản xuất…

Ông Phạm Khánh Ly, Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản, cho biết để phát triển nuôi tôm hùm bền vững, trong năm 2014 này, Bộ NN- PTNT sẽ xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển nuôi tôm hùm đến năm 2020. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật, chính sách, vốn vay, giải pháp khuyến ngư, thị trường.

Đồng thời Bộ ghi nhận ý kiến của ngư dân tập trung nghiên cứu để sản xuất giống tôm hùm nhân tạo và thức ăn công nghiệp cho tôm hùm…


Có thể bạn quan tâm

nong-dan-tay-nguyen-dong-loat-mo-kho-ca-phe Nông Dân Tây Nguyên Đồng… thieu-dien-cho-san-xuat-vi-thieu-von-dau-tu-ha-tang Thiếu Điện Cho Sản Xuất…