Tin nông nghiệp Nghị quyết trung ương 5: Tái cơ cấu nông nghiệp, giảm lúa tăng màu

Nghị quyết trung ương 5: Tái cơ cấu nông nghiệp, giảm lúa tăng màu

Tác giả Chí Nhân, ngày đăng 25/07/2017

Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng giảm lúa, tăng màu đang là bài toán cấp thiết với ngành nông nghiệp VN.

Rau quả VN đang chờ cơ hội bứt phá ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm nay đạt giá trị 1,2 tỉ USD nhưng VN chi đến 1,8 tỉ USD (tăng 18,9% so với cùng kỳ) để nhập thức ăn gia súc và nguyên liệu, hơn 1 tỉ USD để nhập bắp và đậu nành. Những con số trên cho thấy tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng giảm trồng lúa, tăng trồng màu đang là bài toán cấp thiết với ngành nông nghiệp VN.

Không nên chạy theo thị trường

Đáng nói, tại hội nghị “Sơ kết sản xuất lúa hè thu 2017, triển khai kế hoạch sản xuất vụ thu đông, vụ mùa 2017 tại Đông Nam bộ và ĐBSCL” tổ chức ở Cần Thơ hồi cuối tháng 6, Bộ NN-PTNT lại chỉ đạo, năm nay các tỉnh ĐBSCL sẽ tăng diện tích sản xuất lúa vụ thu đông (vụ 3) thêm 7.071 ha, nâng tổng diện tích gieo trồng lúa vụ 3 của cả khu vực lên 832.000 ha.

Vai trò của Bộ NN-PTNT là phải xây dựng chiến lược nông nghiệp quốc gia theo từng vùng sinh thái chứ không phải chỉ đạo chỗ này, chỗ kia tăng - giảm diện tích cây này, cây nọ bao nhiêu

PGS-TS Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn 2

Theo các chuyên gia, việc tăng vụ là chạy theo tín hiệu thị trường bất chấp rủi ro và đi ngược với đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Một trong những biện pháp quan trọng của đề án là chuyển đổi cơ cấu cây trồng (vật nuôi) phù hợp xu hướng thị trường và điều kiện tự nhiên. Ở góc độ thị trường, dù giá lúa gạo có tăng cũng không phải là xu hướng thị trường nếu nhìn trên tổng thể của thị trường nông sản thế giới. Điều này được chứng minh qua số liệu thống kê kim ngạch xuất nhập khẩu các mặt hàng nông sản của VN.

PGS-TS Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn 2 (ở TP.HCM), nhận xét: “Việc tăng diện tích sản xuất lúa vụ 3 chẳng khác nào bà con nông dân chạy theo thị trường, thấy cái gì có giá thì trồng, rớt giá lại chặt. Nghiên cứu khoa học và thực tế đã chứng minh trồng lúa vụ 3 là không nên. Vai trò của Bộ NN-PTNT là phải xây dựng chiến lược nông nghiệp quốc gia theo từng vùng sinh thái chứ không phải chỉ đạo chỗ này, chỗ kia tăng - giảm diện tích cây này, cây nọ bao nhiêu”.

GS-TS Võ Tòng Xuân nhận định: Ngay cả người nông dân cũng biết trồng lúa 3 vụ không có lợi. Nhưng thực ra, cả Bộ NN-PTNT và phần lớn các tỉnh cũng chưa biết vụ thu đông làm gì nếu không trồng lúa, vì điều kiện sản xuất từ trước đến giờ trồng lúa là chính. Chuyển sang trồng thứ khác thì phải biết hàng hóa đó ai mua, xuất đi đâu và phải tổ chức những điều kiện hạ tầng mới thì nông dân mới tham gia được. Mà sản xuất lúa vẫn được xem là một trong những thước đo về phát triển kinh tế địa phương. Lãnh đạo địa phương dựa vào đó như một thành tích.

Vì vậy, chỉ khi nào T.Ư cho các địa phương tự do phát triển dựa trên lợi thế và điều kiện cụ thể của mình thì lúc đó mới thay đổi được. Ví dụ, ở Đồng Tháp bây giờ phát triển diện tích cây ăn trái, đặc biệt là xoài, rất nhiều, chất lượng tốt nhưng vẫn ra chỉ tiêu phát triển diện tích lúa thì tỉnh và các cấp dưới phải làm. Cây lúa vô tình trở thành rào cản không chỉ với cây xoài mà cả các loại cây trồng, vật nuôi khác. Kéo theo đó là diện tích manh mún, năng suất nhỏ lẻ nên chỉ có thương lái mua xuất thô qua Trung Quốc, không có doanh nghiệp nào dám tham gia. Không có doanh nghiệp tham gia thì không phát triển được.

Tận dụng "khoảng trống" để tăng tốc

Cũng theo GS Xuân, tăng diện tích lúa vụ 3 đồng nghĩa với việc bào mòn sức khỏe tài nguyên đất. Người nông dân phải tăng cường bón phân, phun thuốc làm cho chi phí sản xuất ngày càng tăng. Chính vì vậy lợi nhuận ngày càng giảm dù làm ra rất nhiều lúa. Chưa kể phân, thuốc phần lớn nhập khẩu từ Trung Quốc. Họ bán được hàng, còn chúng ta thì môi trường bị ô nhiễm. Chúng ta làm cho đất đai bị nghèo nàn đi, sau này cũng khó phát triển các loại cây trồng khác.

Vì vậy theo các chuyên gia, phải nhanh chóng có đề án cụ thể về giảm lúa, tăng màu. Đó là xu hướng của thế giới và cần thiết cho VN. Bởi thị trường lúa gạo thế giới rất nhỏ bé, chỉ từ 10 - 12 tỉ USD/năm; còn thị trường rau quả đến vài trăm tỉ USD mỗi năm. Năm 2014, thị trường rau quả thế giới đạt tổng giao dịch tới 203 tỉ USD và dự báo đạt khoảng 320 tỉ USD vào năm 2020. Tương lai của nông sản thế giới chính là rau quả, đặc biệt là sản phẩm đã qua chế biến. Chính vì vậy chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải tính đến những ngành có tiềm năng phát triển lớn. Trong cơ cấu xuất khẩu của VN cũng chứng minh điều này. Cụ thể 6 tháng đầu năm nay xuất khẩu rau quả đạt 1,7 tỉ USD, hơn lúa gạo đến 500 triệu USD. Đáng chú ý hơn, tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu rau quả đến 44,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng VN đang ở giai đoạn “vàng” để đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực nông nghiệp khác ngoài lúa. Thái Lan và nhiều nước trong khu vực đều có các mặt hàng nông sản giống VN, đi trước chúng ta về công nghiệp chế biến nông sản, đặc biệt là rau củ quả. Trong giai đoạn từ nay đến 3 năm nữa họ sẽ đầu tư mới các dây chuyền chế biến hiện đại để đáp ứng yêu cầu của thị trường và sẽ tạo ra một khoảng trống về thị trường. Nếu ngay từ bây giờ chúng ta có các doanh nghiệp đủ mạnh đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản với dây chuyền chế biến hiện đại, tận dụng tốt khoảng trống đó thì sẽ bắt kịp và phát triển rất nhanh.


Có thể bạn quan tâm

ky-su-bo-pho-ve-que-che-tao-may-nong-nghiep Kỹ sư bỏ phố về… startup-cung-cap-hon-1-trieu-cay-trong-cho-thi-truong-my Startup cung cấp hơn 1…