Nghiên cứu, chuyển giao quy trình trồng dưa lưới trên giá thể
Quy trình, kỹ thuật trồng dưa lưới trên giá thể, áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt đang được Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ triển khai, nhân rộng.
Chủ nhiệm đề tài, thạc sỹ Trần Thị Hoàng Nguyên bên vườn thí nghiệm. Ảnh: Đăng Lâm.
Quy trình đơn giản
Quy trình kỹ thuật trồng dưa lưới trên giá thể, áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt được Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ nghiên cứu, hoàn thiện tại Bình Định và đã được công nhận cấp cơ sở.
Đầu năm 2021, quy trình này đã được chuyển giao cho Trung tâm Ứng dụng Khoa học - Công nghệ (thuộc Sở KH-CN tỉnh Gia Lai), do thạc sỹ Trần Thị Hoàng Nguyên làm Chủ nhiệm đề tài, triển khai tại Trại sản xuất thực nghiệm thuộc Trung tâm.
Thạc sỹ Trần Thị Hoàng Nguyên cho biết: Trung tâm tiếp nhận quy trình này từ tháng 1 đến hết tháng 12 năm 2021, triển khai trồng thực nghiệm trong nhà kính rộng 1.000 m 2 , với 5 giống dưa lưới: Chu phấn, Đế đắc mật, Kim Hoàng hậu, HL 05 và TL 3.
Triển khai đề tài này gồm các nội dung: Hoàn thiện quy trình trồng dưa lưới trong nhà kính, áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt; theo dõi và đánh giá kết quả qua hai vụ sản xuất thực nghiệm; chọn giống phù hợp nhất với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Gia Lai, sản xuất 2 vụ tiếp theo; cuối cùng là nhân rộng ra cho nông dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai, cụ thể là chuyển giao quy trình kỹ thuật và hướng dẫn công nghệ.
Theo thạc sỹ Nguyên, quy trình trồng dưa lưới trên giá thể, áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt rất đơn giản. Trước tiên, cần phun khử khuẩn nhà màng nhằm phòng trừ các bệnh gây hại như côn trùng, nấm và vi khuẩn… Tiếp theo là gieo hạt trong khay.
Sau 10- 15 ngày gieo hạt (tùy từng loại giống), sẽ cấy cây con vào túi bầu 2 lớp PE đựng giá thể (xơ dừa) đã qua xử lý. Sau 15 ngày kể từ khi cấy cây con vào túi bầu, sẽ thực hiện lần lượt các bước như quấn dây, bấm chồi nách, thụ phấn bằng ong, định vị trí để quả và chỉ chọn để lại mỗi dây một quả, tỉa nhánh và các lá không cần thiết, bấm ngọn….
Dưa lưới trồng trong nhà màng sẽ được ăn dinh dưỡng thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt 7- 8 lần mỗi ngày, mỗi lần tưới từ 4- 5 phút bằng hệ thống tưới tự động. Toàn bộ phân bón đều sử dụng loại phân bón hòa tan, đi theo hệ thống tưới tự động nhỏ giọt…
Sản phẩm dưa lưới sau thu hoạch tại vườn thực nghiệm. Tư liệu: HN.
Hiệu quả vượt trội
Sau thời gian thử nghiệm, hiện đã có 3 trên 5 giống cho thu hoạch: Chu phấn, HL 05 và TL 3. Là người trực tiếp thực hiện đề tài, thạc sỹ Trần Thị Hoàng Nguyên cho biết: Trồng dưa lưới trên giá thể áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt có rất nhiều điểm ưu việt so với cách trồng thông thường.
Trước tiên là quy trình đơn giản, dễ chăm sóc; thời gian từ khi vào bầu đến khi thu hoạch ngắn, chỉ 60- 75 ngày tùy từng loại giống. Dưa lưới trồng trong nhà màng được đảm bảo là sản phẩm sạch bởi sử dụng phân bón hợp lý và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…
“Qua quá trình thực hiện và theo dõi đề tài, nhận thấy giống dưa lưới HL05 và TL 3 là hai giống ưu việt nhất trong 5 loại giống đang triển khai, rất có thể sẽ được chuyển giao đến nông dân trong tỉnh sau khi kết thúc đề tài”, thạc sỹ Hoàng Nguyên cho biết.
Cụ thể với giống HL 05, thời gian thu hoạch ngắn, chỉ 60- 65 ngày, có sức kháng bệnh cao. Về chất lượng, giống HL 05 có độ ngọt (độ Brix) cao tư 13- 15 độ, quả giòn, trọng lượng cận nặng 1,5- 1,8 kg. Còn giống TL 3 có độ ngọt 14- 16 độ, các chỉ số khác tương đương với giống HL 05.
Giống dưa lưới TL 3 thơm ngon, độ ngọt cao. Tư liệu: HN.
Tiến sỹ Vũ Văn Khuê, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, cho biết: Trước khi triển khai thực nghiệm ở Gia Lai, quy trình trồng dưa lưới trên giá thể áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt đã được thử nghiệm và hoàn thiện ở tỉnh Bình Định.
Quy trình này có nhiều ưu điểm như canh tác trong điều kiện nhà màng có mái che, sử dụng túi bầu PE, trồng cây trên nền giá thể xơ dừa đã qua xử lý, sử dụng dung dịch dinh dưỡng hòa tan hoàn toàn thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt nên chủ động được thời vụ, theo đó số vụ canh tác trong năm tăng lên so với canh tác thông thường ngoài ruộng.
Tại Bình Định, sau khi triển khai đã chọn được hai giống là Chu phấn và Kim Hoàng Hậu được đánh giá cao, có thể chuyển giao cho nông dân.
Thạc sỹ Trần Thị Hoàng Nguyên cho biết: “Quy trình này được đánh giá cao, sẽ được nhân rộng, chuyển giao đến nông dân trong tỉnh Gia Lai. Trung tâm sẽ trực tiếp hướng dẫn cho bà con quy trình kỹ thuật, công nghệ từ đầu đến khi thu hái, bảo quản”.
Cũng theo Thạc sỹ Hoàng Nguyên, hiện tại, giá bán dưa quả tại Trung tâm tương đối cao: Với giống TL 3, giá sỉ tại Trung tâm là 18 ngàn đồng/kg, giá bán lẻ 28 ngàn đồng/kg. Với giống HL 05 giá còn cao hơn, bán sỉ 28 ngàn đồng/kg, giá lẻ là 38 ngàn đồng/kg…
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ