Tin thủy sản Ngư dân dùng Movimar - Tôi không muốn sao cứ ép, lại còn xử phạt

Ngư dân dùng Movimar - Tôi không muốn sao cứ ép, lại còn xử phạt

Tác giả Hùng Phiên, ngày đăng 13/01/2016

“Phát súng” đầu tiên

Ngư dân Phạm Lớn (ở phường 6, TP.Tuy Hòa, Phú Yên) - chủ tàu cá PY-92198, trình bày, ngày 6.1.2016, ông đã bị thanh tra Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KTBVNLTS) Phú Yên xử phạt 500.000 đồng do không sử dụng thiết bị Movimar (Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh) trên tàu cá.

“Tàu nhà tôi được lắp đặt miễn phí thiết bị này từ đầu năm 2012.

Thế nhưng giữa năm 2015, khi tiến hành sửa chữa tàu, tôi đã tháo thiết bị này đem về nhà để tránh hư hỏng.

Vậy mà khi đi làm thủ tục gia hạn đăng kiểm tàu, họ đã xử phạt tôi do không dùng máy Movimar.

Nếu không nộp phạt thì họ sẽ không giải quyết đăng kiểm.

Họ có thông báo quy định sử dụng máy thế nào đâu mà xử phạt “ngang xương” như vậy? Trước đây, vì thấy máy không có tác dụng nên tôi đã nhiều lần đề nghị trả lại cho nhà nước mà không được chấp nhận.

Tôi không muốn, sao cứ ép, lại còn xử phạt?!” - ông Lớn bức xúc.

Ngư dân Võ Đốc - thuyền trưởng tàu PY-92691, đồng cảm với ông Lớn: “Thiết bị Movimar sử dụng rất phức tạp, chập chờn, lại không có tác dụng nhắn tin định vị như thiết bị vô tuyến bộ đàm VX-1700.

Có nhắn tin định vị tọa độ tàu cá thì mới được xác nhận hỗ trợ đánh bắt xa bờ theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg.

Tàu cá sử dụng thiết bị Movimar thì phải vào tận các đảo của nước ta để ký xác nhận.

Mà đâu phải khu vực biển nào cũng có đảo của ta để vào ký giấy.

Bởi thấy không tác dụng nên từ năm 2013, rất nhiều ngư dân đã yêu cầu trả lại thiết bị Movimar.

Thế nhưng ngành thủy sản lại không chấp nhận, giờ lại xử phạt.

Nhiều ngư dân đang hết sức lo lắng, chẳng biết giải quyết cách nào đây…”.     

Theo Chi cục KTBVNLTS Phú Yên, thiết bị vệ tinh Movimar lắp đặt trên tàu cá nhằm để ngư dân nhận các bản tin khí tượng, cảnh báo bão, hiển thị thông tin về tốc độ và hướng đi của tàu; cơ quan quản lý còn biết được tình hình khai thác của ngư dân, ngư trường, thông tin cứu hộ, cứu nạn...

Ông Lớn là chủ tàu đầu tiên ở Phú Yên bị phạt vì không vận hành sử dụng thiết bị Movimar.

Hiện Phú Yên đã có 120 ngư dân của tỉnh được chọn lắp đặt miễn phí thiết bị trên cho tàu của họ, từ chương trình tài trợ của Chính phủ Pháp.

Tiếp đó, 470 tàu cá khác ở Phú Yên đã được chọn lắp đặt miễn phí máy thông tin vô tuyến điện VX-1700.  

Tiếp tục… tăng cường xử phạt?

Làm việc với phóng viên NTNN, ông Trần Ngọc Nhạn - Chi cục trưởng Chi cục KTBVNLTS Phú Yên cho biết: “Chúng tôi rất đắn đo khi xử phạt trường hợp đầu tiên là ông Lớn.

Thế nhưng chúng tôi phải thực thi chức trách của mình, việc xử phạt được căn cứ theo Nghị định 103/2013/CP Quy định về xử phạt hoàn chính trong hoạt động thủy sản.

Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục tuyên truyền về những quy định bắt buộc trong việc lắp đặt, kết nối thiết bị thông tin liên lạc trên tàu cá xa bờ.

Sắp tới đây, thanh tra đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường xử phạt các tàu cá vi phạm tương tự trường hợp ông Lớn, buộc các tàu cá phải lắp lại hệ thống Movimar”.

Về việc vì sao phải “ép” ngư dân sử dụng thiết bị Movimar, trong lúc họ lại muốn dùng thiết bị VX-1700, ông Nhạn cho hay, thật ra mỗi thiết bị đều có ưu điểm và nhược điểm riêng.

Với thiết bị Movimar, ngư dân vẫn có thể nhắn tin định vị trên biển nhưng chỉ có một nơi tiếp nhận thông tin là máy “mẹ” đặt tại Tổng cục Thủy sản (Hà Nội).

Khi xác định chuyến biển xa bờ của ngư dân để làm thủ tục hỗ trợ, thì cơ quan chức năng Phú Yên phải lấy lại số liệu của Tổng cục Thủy sản.

Còn với khi ngư dân nhắn tin định vị bằng thiết bị VX-1700 thì trạm bờ của Chi cục KTBVNLTS Phú Yên nhận được ngay.

Thiết bị VX-1700 còn có thể bộ đàm trò chuyện trực tiếp với đất liền, vì thế ngư dân ưa chuộng hơn…

Còn theo đại diện Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6 Tuy Hòa (Phú Yên), những nhược điểm của thiết bị Movimar đã được ngư dân phản ánh đến nhiều cấp chức năng.

Ngư dân nhiều tỉnh, thành đang tỏ ra chán nản khi phải sử dụng loại thiết bị này nhưng không thể đổi, mua thiết bị khác.

Tàu nào đã được lắp đặt Movimar thì không được lắp đặt VX-1700.

Bên cạnh đó, yêu cầu trang bị máy móc thông tin liên lạc tàu cá đang “mỗi tỉnh một kiểu”...

Điều này rất cần cơ quan công quyền vào cuộc làm rõ để giải quyết thỏa đáng những bức xúc của ngư dân. 

Điều 19 Nghị định 103/2013 (về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản) quy định:

1.

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không trang bị đầy đủ thiết bị cứu sinh, thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị giám sát hoạt động tàu cá theo quy định;

b) Tắt thiết bị giám sát tàu cá (trừ trường hợp thiết bị bị hỏng) khi tàu cá thuộc diện bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát đang hoạt động thủy sản trên biển.

2.

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi không trang bị thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị giám sát, thiết bị cứu sinh tàu cá theo quy định.   

Ông Hoàng Đình Yên - Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam Thiết bị mang lại nhiều lợi ích

Dự án “Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh - Movimar” do Chính phủ Pháp tài trợ với kinh phí lên tới trên 400 tỷ.

Mục tiêu đặt ra là lắp đặt cho 3.000 tàu đánh bắt cá xa bờ.

Khi lắp thiết bị Movimart, cơ quan quản lý có thể biết chính xác vị trí của tàu, ngư trường, sản lượng, đối tượng, hỗ trợ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và hạn chế được rủi ro trên biển của ngư dân, cảnh báo kịp thời khi ngư dân xâm phạm vùng nước biển hay vùng biển tranh chấp.Thiết bị là tài sản của Nhà nước.

Ngư dân đừng vì việc “giấu giếm” ngư trường hay muốn sang ngư trường của nước bạn đánh bắt mà ngắt hoặc không dùng thiết bị.

Nếu như vậy khi có sự cố, cơ quan chức năng không thể hỗ trợ, can thiệp kịp thời.     


Có thể bạn quan tâm

nuoi-tom-hum-bong-trong-be Nuôi tôm hùm bông trong… phat-trien-nghe-ca-can-mot-de-an-dot-pha Phát triển nghề cá cần…