Người chăn nuôi gà đang hụt hơi
Hơn 10 năm gắn bó với nghề nuôi gà, chưa khi nào ông Nguyễn Ngọc Châu (tổ 3, phường Yên Thế, TP. Pleiku) lại thấy hoang mang, lo lắng mỗi lần thả nuôi lứa gà mới như lúc này. Nuôi hơn 5.000 con gà, những năm trước, giá gà Tam Hoàng 40.000 - 42.000 đồng/kg, sản phẩm tiêu thụ ổn định, ông Châu thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, hơn 1 năm trở lại đây, giá gà Tam Hoàng giảm mạnh khiến việc chăn nuôi của ông gặp nhiều khó khăn. Ông Châu cho biết: Với một lứa gà khoảng 5.000 con, nuôi trong thời gian 55 - 57 ngày, tôi đầu tư hơn 200 triệu đồng gồm chi phí con giống, thức ăn, thuốc thú y, nhân công, điện, nước… Khi xuất bán, với trọng lượng gà đạt 1,8 - 2 kg/con, giá bán từ 35.000 đồng/kg trở lên mới có lãi. Tuy nhiên, từ đầu năm 2015 đến nay, giá gà xuống thấp, chỉ còn 19.000 - 20.000 đồng/kg. Việc giá gà xuống thấp liên tục làm tôi không dám đầu tư, phải giảm đàn. Trang trại của tôi đang thả 3.000 con gà được khoảng 1 tháng tuổi. Giá gà hiện đang ở mức 39.000 - 40.000 đồng/kg, không biết đến lúc xuất bán sẽ như thế nào. Nếu giá đợt này xuống thấp chắc tôi phải tìm phương án đầu tư khác.
Tương tự, anh Nguyễn Vi Phong (chủ trang trại nuôi gà tại xã Trà Đa, TP. Pleiku) cũng rất lo lắng bởi giá gà luôn bấp bênh, thường xuyên giảm làm người chăn nuôi cũng lao đao theo. Với 2.000 con gà thả vườn, sau mỗi lứa nuôi 5 - 6 tháng, trước đây anh Phong thu khoảng 20% lợi nhuận so với tổng giá trị đầu tư, nhưng 1 năm trở lại đây chỉ còn khoảng 10%. “Với giá gà diễn biến theo chiều hướng giảm trong thời gian qua, chỉ những hộ chăn nuôi theo mô hình trang trại mới có thể cầm cự, do nuôi nhiều lứa trong 1 năm bù lỗ qua lại, còn những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ buộc phải ngưng nuôi, chuồng bỏ trống vì không đủ vốn để tái đầu tư”-anh Phong nói.
Một số chủ trang trại nuôi gà trên địa bàn TP. Pleiku cho biết, một trong những nguyên nhân khiến ngành chăn nuôi gà của tỉnh gặp khó khăn thời gian qua là do gà trong nước phải cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm gà nhập khẩu từ: Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc… Theo giá thị trường tại thời điểm này, gà dai đông lạnh Hàn Quốc giá bán chỉ 58.000 đồng/kg; gà dai đông lạnh Đài Loan hơn 80.000 đồng/kg; trong khi đó, giá gà ta thả vườn nguyên con đông lạnh được bán tại siêu thị 110.000 - 120.000 đồng/kg. Theo ghi nhận, các sản phẩm gà dai, gà đông lạnh nhập khẩu được người tiêu dùng lựa chọn do giá rẻ, phù hợp với túi tiền.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc giá gà trong nước khó cạnh tranh với gà nhập khẩu do giá thành chăn nuôi gà tại các trang trại ở mức quá cao. Đối với gà công nghiệp, phải mất 55 - 57 ngày mới đạt trọng lượng khoảng 2 kg, trong khi đó, bình quân một lứa gà của các nước công nghiệp phát triển chỉ mất 31 ngày. Đặc biệt, 55 - 57 ngày là theo quy trình nuôi công nghiệp ở các trang trại lớn, còn chăn nuôi trong dân thời gian sẽ kéo dài hơn. Trong khi chi phí đầu vào về con giống, thức ăn, thuốc thú y lại cao dẫn tới sức cạnh tranh sản phẩm chăn nuôi yếu. Trong chăn nuôi, chi phí thức ăn chiếm tới 65 - 70% tổng chi phí. Bên cạnh đó, người chăn nuôi không nắm bắt được nhu cầu thị trường để điều tiết sản xuất dẫn đến rủi ro rất lớn, cung luôn vượt cầu, đẩy giá gà giảm mạnh trong thời gian qua. Ngành chăn nuôi gà dù đang phát triển nhưng vẫn mang tính chất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết nên khó cạnh tranh với gà nhập khẩu. Đặc biệt, khi các hiệp định thương mại tự do được thông qua, cuộc cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt hơn vì hàng loạt các rào cản thuế quan sẽ bị dỡ bỏ, thuế nhập khẩu bằng 0% trong thời gian tới.
Do đó, để chăn nuôi gà phát triển bền vững, người chăn nuôi phải tiến hành tái cơ cấu sản xuất theo hướng phát huy đặc tính của vật nuôi, nắm bắt nhu cầu thị trường để có định hướng sản xuất phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ