Mô hình kinh tế Người Chăn Nuôi Tự Cứu Mình

Người Chăn Nuôi Tự Cứu Mình

Ngày đăng 08/04/2014

Thời gian qua, sức tiêu thụ gia cầm trên địa bàn tỉnh giảm mạnh do dịch cúm đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hộ, trại chăn nuôi gia cầm. Ông Nguyễn Hữu Liên, một hộ chăn nuôi gà ta tại xã Đá Bạc (huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, hơn 1.000 con gà của nhà ông quá lứa đã gần 2 tháng nay nhưng không bán được, mỗi ngày ông còn tốn 1 triệu đồng tiền thức ăn cho gà.

Theo tính toán, ông phải bù lỗ 3-4 nghìn đồng/kg gà. Lo lắng trước nguy cơ lỗ nặng, cuối tháng 3-2014, ông chở khoảng chục con gà xuống nhờ người bà con ở TP. Vũng Tàu đi “tiếp thị”.

Gà ngon, giá rẻ hơn thị trường nên việc tiêu thụ khá dễ dàng. Từ đó cứ 5 giờ sáng mỗi ngày ông lại chở 40-50 con gà xuống nhờ người bà con bán cho người quen. “Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế để giảm lỗ trong thời điểm ế ẩm do dịch cúm gia cầm. Nếu tình trạng này kéo dài chắc gia đình tôi phải “treo” chuồng mất”, ông Nguyễn Hữu Liên cho biết.

Chăn nuôi gia cầm ế ẩm, thua lỗ đang là vấn đề đáng báo động hiện nay. Nhiều trại chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh nói riêng, khu vực Đông Nam bộ nói chung đang lao đao vì lỗ nặng.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, chỉ trong 2 năm, từ tháng 3-2012 đến tháng 3-2014, ngành chăn nuôi Việt Nam đã thua lỗ đến 27.000 tỷ đồng do giá cả các sản phẩm chăn nuôi giảm mạnh. Tại thời điểm này, giá thịt gà công nghiệp đang phải bán bằng giá thành, còn gà tam hoàng và trứng gà công nghiệp tiếp tục lỗ.

Nguyên nhân của tình trạng này là do cung vượt cầu. Ngoài ra, tác động của dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến giá cả, sức mua. Phải mất 2-3 năm nữa thì nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong nước mới cân bằng với khả năng cung cấp của hệ thống chuồng trại công nghiệp hiện có.

Đã đến lúc các ngành chức năng phải có các giải pháp cấp bách để ‘giải cứu” ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, trước khi chờ các ngành chức năng ra tay, người chăn nuôi trước hết phải tìm cách tự cứu mình bằng cách tăng cường cập nhật, theo dõi thông tin về giá cả thị trường, tình hình cung - cầu của các loại gia cầm, tăng cường kiểm soát chất lượng con giống, dịch bệnh, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần học cách giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn bằng các nguyên liệu thay thế sẵn có như bắp, lúa, khoai, sắn... Đây là những việc làm trong tầm tay mà người chăn nuôi có thể thực hiện được.


Có thể bạn quan tâm

bap-vu-dong-xuan-dat-nang-suat-10-tan-hecta Bắp Vụ Đông - Xuân… trai-lon-am-tinh-voi-dich-benh Trại Lợn "Âm Tính" Với…