Tin thủy sản Người dân nuôi cá nước ngọt trúng giá

Người dân nuôi cá nước ngọt trúng giá

Tác giả BÙI ĐỨC TÚ, ngày đăng 12/05/2016

Thôn Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng là địa phương có nhiều ao hồ được người dân tận dụng để nuôi các loại cá nước ngọt mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Theo số liệu thống kê của Hợp tác xã Long Hưng, đến nay trên địa bàn có khoảng 30 hộ dân nuôi cá, với diện tích hơn 35 ha, sản lượng cá thịt bình quân hàng năm đạt trên 130 tấn. Ông Trần Quang Hậy, Giám đốc Hợp tác xã Long Hưng cho biết: “Do cá biển chết, người tiêu dùng chuyển mua sang các loại cá nước ngọt. Vì vậy giá bán cao hơn từ 10 đến 15 % so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái. Nhưng thực chất việc trúng giá cá chỉ diễn ra ở một vài hộ riêng lẻ, do người nuôi thường chọn dịp trước và sau Tết nguyên đán để thu hoạch”.

Anh Văn Viết Khoa là người nuôi nhiều cá nước ngọt ở thôn Long Hưng, tại thời điểm Tết nguyên đán 2016 nhưng số cá mà anh nuôi được chưa đủ trọng lượng để xuất bán nên đành nán lại. Phải một tháng sau, anh mới bán ra thị trường 1,5 tấn cá gồm cá rô phi và trê phi. Anh Khoa tiếc rẻ: “Giá như để lại lượng cá đó đến thời điểm này thì sẽ kiếm được thêm một số tiền kha khá. Cá rô phi nhà tôi bán 35 nghìn đồng/kg nay 50 nghìn đồng/kg, còn cá trê phi 30 nghìn đồng/kg thì thời điểm này là 40 nghìn đồng/kg”.

May mắn hơn anh Khoa, trong những ngày này anh Văn Công Minh vui mừng khi được thương lái rảo mua số cá được cho là “còi cọc” còn sót lại. Theo dự tính của anh, số cá trên đúng ra phải nuôi thêm hai ba tháng nữa mới đủ trọng lượng để bán ra thị trường, gặp thời điểm này anh Minh bán hết số cá của mình để cải tạo ao, chuẩn bị một mùa thả giống mới. Còn số cá trong ao của gia đình ông Lê Văn Mạnh thì được thương lái đặt hàng và đến bắt dần vào mỗi buổi sáng với giá cao hơn ngày thường. Ông Mạnh vui mừng cho biết: “Thương lái thu mua với giá cao hơn bình thường nên cũng kiếm được một khoản tiền, nếu như những vụ trước 1 tấn cá rô phi bán với giá 35 triệu đồng thì nay được 50 triệu đồng, 15 triệu đồng này không phải năm nào cũng kiếm được đâu”.

Theo người nuôi cá tại thôn Long Hưng thì tính đến thời điểm này lượng cá thịt trên địa bàn cơ bản đã được xuất ra thị trường, số còn lại thì chắc chắn đã được thương lái đặt hàng để thu dần đưa đi các chợ địa phương hay xa hơn là chợ thị xã Quảng Trị và chợ Đông Hà để tiêu thụ. Nếu giá cá vẫn tiếp tục tăng thì người nuôi chỉ biết tiếc nuối vì lấy đâu ra cá nữa mà bán ra thị trường. Tại các vùng nuôi cá trắm cỏ, rô phi ven thành phố Đông Hà, dịp này thương lái đến gõ cửa từng nhà để “đặt cọc” và đến thu dần. Cũng theo một số hộ nuôi cá thì một số người tiêu dùng cũng tìm đến tận nhà để mua và chấp nhận một mức giá cao gấp đôi ngoài chợ.

Người nuôi cá gặp “thời” trái lại tiểu thương tại các chợ thị xã Quảng Trị, Đông Hà buồn rười rượi vì cá biển không ai ngó ngàng. Cách duy nhất để họ có thu nhập là chuyển sang bán các loại cá nước ngọt như trắm cỏ, mè hoa, rô phi, trê phi, chim trắng…

Tiểu thương Lê Thị Sen ở phường 1, TP Đông Hà cho hay: “Cá biển không ai ngó ngàng nên phải chuyển sang cá nước ngọt nhưng cũng khó khăn lắm vì lượng cung không ổn định. Mặc khác tâm lý của người mua cũng thay đổi, thịt gia súc, gia cầm được thay thế phần nhiều”.

Nhiều năm làm nghề bán cá tại chợ Đông Hà, cụ Nguyễn Thị Hòa (73 tuổi) buồn ra mặt vì bây giờ chỉ còn biết trông cậy vào các loại nước ngọt. Bà Hòa cho biết: “Tôi ở xã Gio Việt, huyện Gio Linh lên khu chợ này buôn bán cá biển đã lâu, nay không ai mua đành chuyển sang bán cá nước ngọt. Buồn lắm nhưng cũng phải làm, nếu không chỉ còn nước bỏ nghề, mong sao tình trạng này không kéo dài”.


Có thể bạn quan tâm

hau-sach-thai-binh-duong-khong-nuoi-bang-lop-cao-su Hàu sạch Thái Bình Dương… ngu-dan-hue-do-xo-bat-ca-kinh-thu-chuc-trieu-moi-ngay Ngư dân Huế đổ xô…