Trồng lúa Nhện Gié, Mối Lo Nghề Trồng Lúa VN

Nhện Gié, Mối Lo Nghề Trồng Lúa VN

Ngày đăng 22/08/2013

* Nhện gié Steneotarsonemus spinki Smiley, Họ Tarsonemidae. * Tên khác: Nhện rám bẹ, bệnh cạo gió.

Phân bố

Nhện gié phân bố khá rộng, mang tính thế giới: Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc, Philipin và Thái Lan, Kenya, Mỹ, Brazil, Cuba, Cộng hoà Đôminica, Haiti, Nicaragua, Costa Rica, Panama, Nicaragua, Côlombia, Hoduras và Guatemala… (Hình 1).

Ký chủ

Ký chủ chính của nhện gié là lúa Oryza sativa L. Hummel et al., (2009) tổng hợp ghi nhận nhện gié có mặt trên 19 loài cây, trong đó có lúa dại O. latifolia D. và cỏ lồng vực Echinochloa sp.

Mức độ gây hại

Nhện gié là loài dịch hại ở các vùng trồng lúa châu Á từ những năm 1930 (Lo & Ho, 1979). Trong thập kỷ 1970, thông báo về thiệt hại do nhện gié gây ra được công bố ở Trung Quốc và Đài Loan làm giảm năng suất trung bình 5 - 20%, một số nơi bị hại nặng lên đến 70 - 90%. Chúng được phát hiện ở Cuba năm 1997 khi nó làm giảm năng suất lúa đáng kể (30 - 90%), sau đó lần lượt được phát hiện ở Cộng hoà Đôminica, Haiti, Nicaragua, Costa Rica và Panama làm thiệt hại khoảng 30% năng suất lúa (Fernando C. V., 2007). Nhện gié được coi là loài mới xuất hiện trở lại ở Mỹ vào năm 2007 (Hummel et al., 2009).

Ở Việt Nam, nhện gié được ghi nhận gây hại trên lúa ở Thừa Thiên - Huế (Ngô Đình Hòa, 1992), ở vùng Hà Nội (Nguyễn Văn Đĩnh, 1994). Trong vòng 5 năm trở lại đây có sự gia tăng rõ rệt mức độ gây hại ở Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc (Nguyễn Văn Đĩnh và Vương Tiến Hùng, 2007). Đây là loài thường gặp ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Triệu chứng gây hại

Trên bẹ, các vết hại tập trung thành từng đám màu nâu nhạt, nâu đậm đến thâm đen trông giống như vết "cạo gió". Nếu bị nặng toàn bộ bẹ lá, thân cây có màu nâu đen đậm

Bông lúa bị nhện gié hại thường thấy hiện tượng không trỗ, bông lúa hoặc thân đòng bị cong queo. Trên bông lúa nhện thường tấn công theo chiều từ cuống bông đến đuôi bông lúa. Toàn bộ cuống bông lúa và hạt lúa bị biến sang màu nâu, vỏ trấu có màu nâu đen, nếu bị nặng toàn bộ hạt trên bông lúa biến màu nâu đen. Khi chÝn, bông lúa không cong bình thường mà đứng thẳng. Ngoài ra còn thấy hiện tượng toàn bộ bông lúa bị hại có màu trắng giống như bông bạc do sâu đục thân gây hại. Trong khi đó nếu bị vi khuẩn lem lép hạt Pseudomonas glumae hại, ngoài vỏ hạt có ranh giới giữa diện tích bị hại với diện tích không bị hại.

Đặc điểm hình thái

Trứng có màu trắng trong, hình trái xoan, đẻ rải rác từng quả hoặc thường dính lại với nhau thành từng đám 5 - 10 quả. Nhện non có màu trắng đục với 3 đôi chân. Trưởng thành có màu trắng đục hơi vàng, có 4 đôi chân, rất khó quan sát bằng mắt thường. Con cái trưởng thành có chiều dài 274mm, bề rộng cơ thể là 108mm. Con đực có kích thư¬ớc chiều dài và bề rộng cơ thể tương ứng là 217mm và 121mm. Điểm dễ phân biệt giữa con đực và con cái là ở đôi chân thứ 4 : Đôi chân thứ 4 con đực phình to phía trong tạo thành đôi kìm hỗ trợ cho việc vận chuyển con cái và giao phối, còn đôi chân thứ 4 của con cái tiêu giảm nhỏ bé, có dạng vuốt dài. 

Đặc điểm sinh vật học

Nhện gié có 3 pha phát dục : Trứng – Nhện non (di động, không di động) – Trưởng thành. Nhện gié có sức tăng quần thể rất cao, có thể tăng gấp đôi số lượng trong thời gian khoảng 5 ngày. Vòng đời là ngắn đến rất ngắn từ 4 – 11 ngày, tùy theo nhiệt độ. Sức đẻ trứng cao: Trung bình 50 trứng/con cái. Thời gian đẻ tập trung trong 7 ngày đầu. Trưởng thành có thể sống được 15 – 30 ngày. Trong một quần thể, thường thấy tỷ lệ 3 con cái : 1con đực và khi điều kiện sống thuận lợi tỷ lệ này là 8 cái : 1 đực. Chúng có khả năng sinh sản đơn tính.

Quy luật phát sinh gây hại

Nhện gié phát triển mạnh ở nhiệt độ 28°C - 30°C, ẩm độ cao 96%. Nhiệt độ thấp hơn, chúng phát triển chậm hơn. Nhện gié có khả năng sống sót ở nhiệt độ thấp 5-70C và nhiệt độ cao 41°C.

Trong năm, ở miền Bắc nhện gié gây hại nặng trên lúa hè thu và lúa mùa sớm. Ở miền Nam, nhện gié gây hại quanh năm, nhưng nặng nhất là lúa vụ hè thu, khi nguồn tích luỹ trên lúa chét hoặc trên lúa ở trên bờ ruông, gò cao nhiều. Trong 1 vụ mật độ nhện gié tăng và đạt đỉnh cao là khí lúa trỗ và sau trỗ 1 tuần. Tuy nhiên trên đồng ruộng, mật độ nhện gié và biểu hiện triệu trứng bên ngoài trong khá nhiều truờng hợp ít liên quan mật thiết với nhau.

Trên các chân đất thì chân đất trũng bị hại nhẹ hơn chân vàn cao thiếu nước. Ruộng bón nhiều đạm bị hại nặng hơn ruộng bón ít đạm. Ruộng cấy dày thường bị hại nặng. Trên các giống lúa khác nhau mức độ bị hại không giống nhau.

Nhện gié có thể truyền lan nhờ hạt giống, gió, nước, côn trùng, chuột, công cụ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lúa chét từ vụ trước ... Nhện gié có khả năng lây lan rất mạnh qua vết thương cơ học, sau 10 ngày tạo vết thương nhân tạo, tỷ lệ hại là 100% tại các vết thương (Nguyễn Thị Nhâm và CS., 2010).

Các loài nhện bắt mồi trong bộ ve bét Acarina có khả năng khống chế được nhện gié S. spinki. Ở châu Á có hai loài thiên địch quan trọng là Amblyseius taiwanicus và Lasioseus parberiesei Bhattcharya (Lo & Ho, 1979). Nghiên cứu ban đầu cho thấy tại đồng bằng sông Hồng loài nhện bắt mồi Lasioseus sp. có vai trò lớn trong việc khống chế nhện gié. Các chế phẩm sinh học từ Hirsutela nodulosa, Bacillus thuringiensis, Beauveria bassiana, Verticilin lecanii và Metarhizium anisopliae có giá trị phòng trừ nhện gié.

Biện pháp phòng chống

Cần thực hiện tốt quy trình IPM và có kế hoạch luân phiên các loại thuốc để tránh quen thuốc. Các biện pháp cơ bản gồm:

Cày lật gốc rạ (vùi hết tàn dư cây lúa và tránh lúa chét mọc), đốt hết tàn dư đối với những ruộng vụ trước bị hại nặng ngay sau thu hoạch lúa, làm sạch cỏ bờ, cho đất nghỉ từ 10 - 15 ngày,

Sử dụng giống lúa kháng, cấy thưa vừa phải; Lượng giống: Đối với lúa sạ 80 - 120 kg/ha, lúa cấy 30 - 75 kg/ha hoặc thấp hơn, cấy tập trung.

Phân bón cân đối, bổ sung lượng phân bón theo bảng so màu lá.

Thăm đồng thường xuyên, theo dõi sự xuất hiện gây hại của nhện gié, đặc biệt từ khi lúa làm đòng đến trỗ (45 - 60 ngày sau sạ, cấy).

Không phun thuốc quá sớm và không phun ngừa để tạo điều kiện cho thiên địch như bọ trĩ (bù lạch) đen và nhện nhỏ bắt mồi phát triển.

Trước trỗ 5-7 ngày 5% số dảnh có bẹ lá xuất hiện vết cạo gió hoặc vết màu nâu đen hình chữ nhật chạy dọc bẹ lá có thể sử dụng các loại thuốc như Kinalux 25EC, Danitol 10EC hoặc thuốc được đăng ký trừ nhện gié khác. Lượng nước phun là 600 -700 lít/ha, nồng độ như khuyến cáo.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Văn Đĩnh (1994). Nghiên cứu đặc điểm sinh học và khả năng phòng chống một số loài nhện hại cây trồng ở Hà Nội và vùng phụ cận. Luận án PTS khoa học nông nghiệp, Trường ĐH Nông nghiệp I - Hà Nội.

2. Nguyễn Văn Đĩnh, Vương Tiến Hùng (2007). Thành phần nhện hại lúa ở vùng Hà Nội, Tạp chí Bảo vệ thực vật: 9-14.

3. Fernando Correa Victoria (2007). The Rice Tarsonemid Mite Steneotarsonemus spinki Smiley.

4. Ngô Đình Hoà (1992). Nhện nhỏ hại lúa ở Thừa Thiên Huế, Tạp chí BVTV số 6 (126).

5. Hummel A. Natalie, Boris A. Castro b, Eric M. McDonald c, Miguel A. Pellerano d, Ronald Ochoa (2009). The panicle rice mite, Steneotarsonemus spinki Smiley, a re-discovered pest of rice in the United States, Crop Protection (2009): 1–14.

6. Lo, K. CH. & Ch. Ho. (1979). Ecological observation o­n rice tarsonemid mite, Steneotarsonemus spinki (Acari: Tarsonemidae) J. Agric. Res. China 28 (3): 181-192.

7. Nguyễn Thị Nhâm, Nguyễn Đức Khiêm, Dương Tiến Viện và Nguyễn Văn Đĩnh (2010). Một số đặc điểm của nhện gié Steneotarsonemus spinki Smile liên quan đến sự tồn tại, phát tán và chu chuyển của chúng trên ruộng lúa, Tạp chí Bảo vệ thực vật số 6/2010: 3-8


Có thể bạn quan tâm

ray-nau-hai-lua-va-cach-phong-tru Rầy Nâu Hại Lúa Và… bien-phap-phong-tru-sau-nan-hai-lua Biện Pháp Phòng Trừ Sâu…