Mô hình kinh tế Nhiều Bất Cập Trong Quản Lý Tôm Giống Ở Thừa Thiên Huế

Nhiều Bất Cập Trong Quản Lý Tôm Giống Ở Thừa Thiên Huế

Ngày đăng 23/02/2014

Đứng trước báo động đỏ về dịch bệnh tôm nuôi, nhiều năm qua ngành nông nghiệp đề ra nhiều giải pháp để loại trừ tôm giống kém chất lượng, song vẫn chưa thực hiện được.

Nhiều kẽ hở

Có nhiều nguyên nhân khiến cho tôm nuôi bị chết, trong đó tôm giống quyết định 50% thành bại của nghề nuôi tôm. Biết tôm giống có vai trò rất quan trọng trong nghề nuôi tôm, nhưng đến nay công tác quản lý vẫn còn nhiều rối rắm. Nghề nuôi trồng thủy sản có hàng chục năm nay, nhưng công tác quản lý sản xuất, chất lượng, lưu hành… tôm giống từ trước đến nay hầu hết dựa vào văn bản mang tính “chữa cháy”.

Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản lý giải, do thời tiết ở Huế khắc nghiệt, mưa rét kéo dài nên sản xuất tôm giống không đạt hiệu quả như mong muốn, hầu hết các trại sản xuất tôm giống đều làm công tác dịch vụ mua giống từ các tỉnh phía Nam về bán lại cho hộ nuôi.

Cái khó quản lý đối với nguồn giống ngoại tỉnh nhập về, là người mua đều trình đầy đủ giấy kiểm dịch khi ngành chức năng kiểm tra. Thực ra, tôm giống thì kém chất lượng, nhiều lô xuất hiện mầm móng bị bệnh. Bởi lẽ, người dân mua tôm giống giá rẻ giấy chứng nhận kiểm dịch một lô còn tôm giống thì bắt một lô.

Một khi người dân mua tôm giống ngoại tỉnh về có giấy kiểm dịch rồi thì ngành chức năng không thể bắt họ đưa giống đi kiểm dịch PCR lần nữa.

Hiện, trên địa bàn tỉnh có 06 cơ sở sản xuất giống thủy sản nước lợ đang hoạt động, các cơ sở chủ yếu làm công tác dịch vụ giống từ các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa… cung cấp cho người nuôi trên địa bàn, đối tượng chủ yếu là tôm sú, cua. Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản, năm 2014 nguồn giống cần cung ứng là 180 triệu giống tôm sú, rảo; 700 triệu tôm chân trắng.

Mặc dù các cơ sở chủ động trong việc tìm đầu ra, nâng cao chất lượng con giống cũng như đa dạng đối tượng để cung cấp cho người nuôi, nhưng việc sản xuất kinh doanh không đạt hiệu quả. Do một số nguyên nhân, như chi phí sản xuất cao dẫn đến giá thành con giống cao, sản xuất nhỏ lẻ nên chưa hình thành hệ thống dịch vụ tốt về số lượng cũng như chất lượng, tập quán mua giống của người dân vẫn còn tâm lý mua giống từ các tỉnh khác.

Ông Đặng Đình Dũng, Giám đốc Trung tâm giống thủy sản nước lợ tỉnh nhận định, Thừa Thiên Huế là địa phương có thời tiết khắc nghiệt, mưa rét kéo dài, thời gian thả nuôi ngắn từ tháng 2 đến tháng 5, nên việc sản xuất tôm giống tại chỗ gặp không ít khó khăn.

Bên cạnh đó, con giống sản xuất tại chỗ đảm bảo chất lượng nhưng lại rất khó bán, bởi bà con ở địa phương chỉ ham mua giống rẻ tiền, kém chất lượng ở các tỉnh Quảng Nam, Bình Định... Hiện, công suất sản xuất giống của trung tâm tối đa 20 triệu con tôm giống/năm.

Nhưng do nguồn giống sản xuất tại chỗ bán với giá từ 50-60 đồng/con, con giống ở ngoại tỉnh bán với giá rẻ hơn phần nữa. Mặc dù công suất sản xuất cao nhưng hàng năm đơn vị chỉ sản xuất 10 triệu con tôm giống chất lượng, cung ứng nhu cầu người nuôi ở địa phương.

Siết chặt quản lý

Dịch bệnh ở tôm nuôi thường xuyên xảy ra, để lại nhiều thiệt hại trong hoạt động nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Nguyên nhân chủ yếu là chất lượng tôm giống không đảm bảo, công tác quản lý giống nhiều hạn chế. Để nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định và hiệu quả, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 44/2010/CT-UBND chỉ đạo tăng cường công tác quản lý chất lượng tôm giống trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh yêu cầu thực hiện các hoạt động sản xuất, ươm, kinh doanh, vận chuyển tôm giống phải thực hiện đúng quy định về quản lý chất lượng giống thủy sản trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 872/2006/QĐ-UBND ngày 30/3/2006 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Đối với tôm giống sản xuất tại chỗ hoặc nhập từ các tỉnh khác về phải được kiểm dịch qua máy PCR trước khi bán, thả nuôi; nghiêm cấm việc kinh doanh, vận chuyển, sang nuôi tôm giống chưa được kiểm dịch bằng máy PCR.

Hàng năm, Chi cục Nuôi trồng thủy sản phối hợp với Chi cục Thú y kiểm tra về điều kiện an toàn vệ sinh và thú ý thủy sản ở các trại sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh, cơ sở nào đảm bảo tiêu chuẩn của ngành quy định thì cấp giấy chứng nhận vệ sinh thú y và đủ điều kiện sản xuất tôm giống.

Chi cục Nuôi trồng thủy sản thường xuyên phối hợp với phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn các huyện tổ chức kiểm tra bất thường nguồn tôm giống tại chỗ và nguồn tôm giống được bà con mua từ các tỉnh khác. Đối với nguồn tôm giống tại chỗ thì các chủ trại giống phải kiểm dịch tôm giống trước lúc xuất bán; tôm giống ngoại tỉnh, người dân phải có giấy kiểm dịch trước khi thả nuôi.

Tuy nhiên, mùa vụ nuôi trồng thủy sản đang cận kề, việc sản xuất và lưu hành tôm giống đang diễn ra từng giờ, từng ngày nhưng công tác quản lý tôm giống thì còn lỏng lẻo và chậm trễ. Theo khung lịch thời vụ ngày 25/2 này bà con bắt đầu thả nuôi tôm ở vùng đầm phá nhưng đến ngày 21/2 Chi cục Nuôi trồng thủy sản mới phối hợp với các ngành liên quan để đi kiểm tra ở các trại sản xuất tôm giống.

Để nguồn giống tại chỗ cung ứng đủ nhu cầu người nuôi trên địa bàn tỉnh, thiết nghĩ, ngành thủy sản và chính quyền địa phương cần có cơ chế kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư vốn sản xuất giống tôm tại chỗ, đảm bảo chất lượng; đồng thời, hướng đến công tác xã hội hóa tôm giống.

Có như vậy, người nuôi luôn có nguồn giống đảm bảo chất lượng để thả nuôi và ngành chức năng dễ dàng kiểm tra, kiểm soát được nguồn giống.

Thiết nghĩ, nguồn tôm giống bà con mua trong tỉnh hay ngoại tỉnh là không quan trọng, nhưng quan trọng là nguồn giống đó phải qua kiểm dịch bằng máy PCR trước lúc thả nuôi. Người nuôi nên xem việc kiểm dịch tôm giống bằng máy PCR là việc làm cần thiết, bởi tôm giống đảm bảo chất lượng sẽ quyết định 50% thành công của vụ nuôi.


Có thể bạn quan tâm

thuc-an-chan-nuoi-thach-thuc-cho-nguoi-san-xuat Thức Ăn Chăn Nuôi Thách… tha-hang-tram-ngan-con-ca-giong-vao-cac-ho-trong-tinh Thả Hàng Trăm Ngàn Con…