Tin thủy sản Nhiều khó khăn trong nuôi cá rô phi thương phẩm

Nhiều khó khăn trong nuôi cá rô phi thương phẩm

Tác giả Lê Hợi, ngày đăng 30/03/2016

Năm 2003, cá rô phi đơn tính được đưa vào tỉnh ta nuôi theo hình thức xen ghép với các loại cá truyền thống khác, phân tán ở các hộ dân. Xét thấy tiềm năng của cá rô phi đơn tính, từ năm 2009 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng các mô hình nuôi thâm canh cá rô phi đơn tính ở các huyện Đông Sơn, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Nga Sơn, Hậu Lộc và Hoằng Hóa theo quy trình VietGAP.

Tuy nhiên, sau một vài năm đầu có hiệu quả, hiện nay nghề nuôi cá rô phi đơn tính đang đối mặt với nhiều khó khăn. Ông Đồng Minh Bình, xã Đông Yên (Đông Sơn), cho biết: Sau 5 tháng áp dụng kỹ thuật nuôi cá rô phi đơn tính theo quy trình VietGAP, cùng với kinh nghiệm sẵn có trong gia đình, cá rô phi thương phẩm đạt kích cỡ từ 500 đến 800g/con.

Tuy nhiên, khi thu hoạch sản phẩm chủ yếu tiêu thụ nhỏ, lẻ cho thương lái và một phần gia đình chủ động đưa ra chợ bán. Giá bán lẻ được khoảng 35.000 đồng/kg còn bán cho công ty chế biến chỉ 25.000 đồng/kg.

Theo tính toán, sau 5 tháng nuôi cá rô phi thương phẩm trên diện tích 4 sào ao cùng với sự hỗ trợ 30% thức ăn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trừ chi phí còn lãi 10 triệu đồng. Nếu không có sự hỗ trợ 30% thức ăn thì gia đình tôi chỉ hòa hoặc lỗ.

Xã Trường Giang (Nông Cống) hiện có 158ha nuôi trồng thủy sản nước lợ và 13ha nước ngọt, chủ yếu là nuôi quảng canh cải tiến và cá - lúa kết hợp. Tỷ lệ nuôi cá rô phi thương phẩm đạt 20% diện tích nuôi trồng thủy sản.

Theo ông Đậu Minh Hùng, chủ tịch UBND xã: Hiện người nuôi cá rô phi thương phẩm đang gặp nhiều khó khăn bởi đầu ra của sản phẩm không ổn định, chủ yếu là các hộ tự bán cho thương lái, chưa có sự liên kết với doanh nghiệp chế biến thủy sản.

Chưa kể đa phần các hộ nuôi xen ghép với các đối tượng nuôi khác, không áp dụng quy trình kỹ thuật, an toàn thực phẩm nên kích thước cá khi thu hoạch không đạt trọng lượng quy chuẩn của nhà máy chế biến thủy sản.

Hiện chỉ duy nhất có Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa đã đầu tư nuôi thâm canh 14,1ha tại khu nuôi tôm công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao với mục tiêu đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu. Công ty triển khai nuôi 2 vụ/năm, năng suất bình quân đạt 30 tấn/ha. Sau khi thu hoạch, công ty sàng lọc số cá rô phi thương phẩm dưới 500g để tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh vì không đủ điều kiện chế biến, xuất khẩu.

Toàn tỉnh hiện có 81 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh xuất khẩu thủy sản với tổng công suất khoảng 279.870 tấn sản phẩm thủy sản/năm. Tuy nhiên, hiện chỉ có Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa chế biến và xuất khẩu cá rô phi với công suất 20 tấn/ngày, sản phẩm chủ yếu là cá rô phi nguyên con. Nguồn nguyên liệu chủ yếu do công ty trực tiếp sản xuất theo quy trình VietGAP chứ không thu mua của các hộ nuôi trên địa bàn tỉnh.

Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân sản phẩm cá rô phi chưa có đầu ra ổn định là do thịt cá mỏng, xương cứng nên khó cạnh tranh với các loại hải sản khác trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Trong khi đó, giá thức ăn tăng liên tục, nhưng giá cá trên thị trường chỉ giao động từ 28.000 - 30.000 đồng/kg. Ngoài ra, chi phí đầu tư cải tạo ao nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, chi phí sản xuất 1 kg cá rô phi hết khoảng 25.000 đồng đến 27.000 đồng.

Trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở sản xuất giống cá rô phi đơn tính, chủ yếu được các trại giống nhập từ Trung Quốc về ương nuôi và cung cấp ra thị trường hàng năm khoảng 7 triệu con giống nên chất lượng con giống không ổn định. Thị trường cá rô phi trong tỉnh còn manh mún và chủ yếu phục vụ nhu cầu sử dụng thực phẩm trong gia đình.

Việc nuôi cá rô phi vẫn đang còn tự phát, hộ nuôi chưa tập trung quản lý chất lượng sản phẩm. Việc dùng thuốc kháng sinh không kiểm soát, nguồn nước bị ô nhiễm, các ao hồ nuôi phân tán, manh mún khiến cho việc thu mua cá nguyên liệu gặp nhiều khó khăn. Phần lớn diện tích mặt nước ở tỉnh ta đã giao khoán cho các hộ dân, nên khó tập hợp diện tích để nuôi tập trung, quy mô lớn.

Do những khó khăn trong quá trình sản xuất và đầu ra cá rô phi thương phẩm, nên hiện nay trên địa bàn tỉnh tỷ lệ số hộ nuôi đã giảm, nhiều hộ chỉ nuôi cầm chừng, thả cá xen ghép chứ không đầu tư, chăm sóc.

Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2015 - 2020, xác định cá rô phi là một trong 4 con nuôi chủ lực trong phát triển thủy sản của tỉnh và phát triển nuôi cá rô phi tập trung thâm canh xuất khẩu đến năm 2020 đạt 1.000ha, năng suất 20 tấn/ha, sản lượng 20.000 tấn; đến năm 2025 là 1.500 ha, năng suất 20 tấn/ha, sản lượng 30.000 tấn, chủ yếu tại các vùng cá - lúa đã có hạ tầng đầu mối. Cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trong tỉnh, xuất khẩu sang thị trường Mỹ, các nước châu Âu...

Để cá rô phi trở thành con nuôi chủ lực trong nuôi trồng thủy sản của tỉnh, các cấp, ngành có liên quan cần quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu cá rô phi phục vụ chế biến và xuất khẩu. Căn cứ vào quy hoạch đầu tư của tỉnh, tập trung thực hiện các dự án đầu tư nuôi trồng và chế biến cá rô phi xuất khẩu theo chuỗi giá trị.

Về lâu dài, trên địa bàn tỉnh cần có trung tâm sản xuất giống cá rô phi để chủ động nguồn giống tại chỗ phục vụ sản xuất. Đối với các vùng quy hoạch nuôi cá rô phi tập trung, ngoài diện tích doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, cần thu hút thêm các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê đất, mặt nước để nuôi cá rô phi.

Những vùng nuôi phân tán cần liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho các hộ nuôi. Nghiên cứu các cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất cá rô phi...


Có thể bạn quan tâm

ong-can-thu-nhap-kha-tu-nuoi-ca Ông Cẩn thu nhập khá… tom-mac-can-tren-vung-dat-vang Tôm mắc cạn trên vùng…