Tin thủy sản Những định hướng quan trọng của ngành tôm 2019

Những định hướng quan trọng của ngành tôm 2019

Tác giả Vân Anh, ngày đăng 25/02/2019

Mặc dù trải qua năm 2018 không thành công, thế nhưng con tôm vẫn giữ vững vị trí đầu bảng trong thành tích chung của toàn ngành thủy sản. Năm 2019, vẫn rất nhiều triển vọng để ngành tôm khai thác.

Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 3,58 tỷ USD 

Triển vọng

Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 3,58 tỷ USD, giảm 7,1% so với năm 2017; tôm TTCT là 2,48 tỷ USD, giảm 2%; tôm sú 810 triệu USD, giảm 7,8%. Theo VASEP, sự sụt giảm này bắt nguồn từ việc giá tôm nguyên liệu trong năm xuống thấp do nguồn cung tôm nuôi từ các nước sản xuất chính trên thế giới lớn. Ngoài ra, đồng USD tăng mạnh so với một số đồng tiền khác khiến các nhà nhập khẩu buộc phải giảm giá mua tôm.

Tuy nhiên sang năm 2019, xuất khẩu tôm được đánh giá là triển vọng khi mà các thị trường đều có nhiều thuận lợi, các hiệp định thương mại được ký kết sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm, nhất là hiệp định thương mại ký kết giữa Việt Nam và EU (EVFTA). Châu Âu là thị trường lớn nhất của sản phẩm tôm Việt Nam, đồng thời là nơi áp dụng mức thuế cao nhất, nếu hiệp định thương mại với EU được ký kết, tôm Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi về thuế trong khi Thái Lan vẫn ở mức 20%.

Thay đổi cục diện

Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, trong kế hoạch tái cơ cấu ngành thủy sản, việc tổ chức lại sản xuất, liên kết là một trong những giải pháp đã được đề ra. Trong thời gian vừa qua, rất nhiều chuỗi đã được hình thành, ví dụ là chuỗi sản xuất tôm ở 3 tỉnh Sóc trăng, Bạc Liêu và Cà Mau; chuỗi sản xuất này thể hiện liên kết từ vật tư đầu vào đến nhà máy chế biến và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Thông qua các chuỗi liên kết thì chất lượng nguyên liệu đưa đến nhà máy đã được nâng lên rõ rệt, góp phần lớn trong gia tăng giá trị kinh tế của các sản phẩm thủy sản. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ cao vào việc sử dụng các phụ phẩm trong tôm, tận dụng hết mọi phụ phẩm này nhằm nâng cao giá trị; trong thời gian tới, cần đầu tư khoa học công nghệ vào chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng, sản phẩm từ phụ phẩm từ tôm để tạo phục vụ cho con người, dịch vụ y tế, mỹ phẩm; hỗ trợ toàn hệ thống để phát triển tiếp cận các thị trường nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Ngành tôm năm 2019 được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Giải pháp được Tổng cục Thủy sản đặt ra là theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí hậu và kịp thời thông báo, hướng dẫn người nuôi về các giải pháp kỹ thuật, tổ chức sản xuất. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, đẩy mạnh tổ chức sản xuất liên kết ngang và dọc theo chuỗi giá trị. Tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động Quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025; Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm đến 2025. Xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường thống nhất từ trung ương đến địa phương, ứng dụng phần mềm quan trắc môi trường nuôi, tăng cường phòng chống dịch bệnh thủy sản. Tăng cường công tác thanh/kiểm tra các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chất lượng thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi và kiểm tra ngăn ngừa việc sử dụng kháng sinh cấm, lạm dụng kháng sinh trong nuôi tôm.

>> Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, theo dự báo, trong 5 - 10 năm nữa, nguồn cung tôm sẽ tăng 8 - 10%/năm; nếu không hướng đến các giải pháp giảm giá thành sản phẩm thì ngành tôm sẽ khó cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Cạnh tranh về chất lượng và giá trong thời gian tới sẽ rất khốc liệt, do đó cần có những giải pháp để giảm giá thành nuôi tôm.


Có thể bạn quan tâm

tien-de-vung-chac-cho-phat-trien-thuy-san Tiền đề vững chắc cho… ky-thuat-nuoi-ca-com-trong-ao-dat Kỹ thuật nuôi cá còm…