Mô hình kinh tế Những nông sản thương lái Trung Quốc thích mua non

Những nông sản thương lái Trung Quốc thích mua non

Ngày đăng 16/09/2015

Lá cây ăn trái

Sau Tết Nguyên Đán, một số tỉnh ở miền Tây xuất hiện nhiều thương lái mua lá mãng cầu xiêm (khô và tươi) với số lượng lớn. Giá lá tươi dao động 5.000 -15.000 đồng một kg. Còn lá được phơi khô có giá cao hơn 2-3 lần so với tươi.

Trước mức giá hấp dẫn nhiều hộ nông dân Hậu Giang đã ngắt lá ồ ạt bán cho thương lái. Nhiều người cho biết sản phẩm được thu gom lên TP HCM và vận chuyển sang cho Trung Quốc làm thuốc.

Cũng gom lá ồ ạt như Hậu Giang, tại Tiền Giang, nhiều hộ nông dân vặt trụi cả cây để gom lá bán. Mức giá lá tươi ở đây 40.000 - 50.000 đồng một kg. Nhiều nhà vườn bán được cả triệu đồng tiền lá.

Trao đổi với PV, ông Lê Văn Đời – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, trước thực trạng trên, vừa qua Sở cũng đã vào cuộc và ban hành văn bản khuyến cáo phòng nông nghiệp các huyện kiểm soát chặt và ngăn trạng tình trạng trên. Đến nay, việc thu gom lá cây non đã thuyên giảm.

Theo ông, việc thu gom lá non của các loại cây ăn quả có trái sẽ làm giảm tuổi thọ và năng suất cho trái. Tuy nhiên, vì ham lợi trước mắt nên trước đó nhiều nông dân còn cho thương lái vào vườn bẻ cả ngọn và lá.

Cùng với lá mãng cầu xiêm, trước đó thương lái Trung Quốc còn gom là khoai lang, dọt khoai mì và râu bắp ở một số tỉnh miền Tây. Ban đầu họ mua với giá cao nhưng sau đó giảm giá dần rồi ngưng mua khiến nông dân rơi vào tình cảnh khó khăn.

Cam non

Cam non có giá bán 700 -1.000 đồng một kg.

Không chỉ bị thu mua lá cây non mà tại Hậu Giang, cam non cũng được gom rầm rộ. Tháng 5 năm nay, nhiều thương lái đi lùng sục khắp nơi để tìm thu mua cam non hoặc cam xắt miếng phơi khô để xuất sang Trung Quốc. Giá sản phẩm dao động 700 -1.000 đồng một kg.

Theo hộ nông dân ở đây, họ chủ yếu bán các trái được tỉa nên không ảnh hưởng nhiều tới vườn cam. “Thương lái thu gom loại trái cây non này khá dễ tính chỉ cần báo đã đủ hàng thì họ sẵn sàng đem xe tải đến tận vựa tôi bốc xếp, không phải tốn chi phí chuyên chở”, chủ vựa cam ở Hậu Giang cho biết.

Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hậu Giang đã có công văn về việc ngăn chặn việc thu mua trái cam non trên địa bàn. Ông Lê Văn Đời, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết, đã chỉ đạo các tổ kỹ thuật nông nghiệp các xã, thị trấn, tiến hành rà soát việc tổ chức thu mua trên địa bàn và xử phạt theo tùy mức độ.

Đến nay, việc mua cam non của thương lái không gây tác hại nhiều cho hộ nông dân, do họ mới bán loại sản phẩm vườn tỉa để đổ bỏ. Tuy nhiên, về lâu dài, ông Đời cho rằng người trồng cam cần cảnh giác vì ồ ạt bán cam non sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung và thị trường. Mặt khác, nếu thương lái hạ giá và bất ngờ ngừng thu mua thì hộ trồng sẽ rơi vào cảnh thua lỗ. Hiện việc mua bán cam non ở đây đã trầm lắng và được ngăn chặn kịp thời.

Nụ hoa thanh long

Vào đầu tháng 5, tại huyện Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang xuất hiện khá nhiều cơ sở thu mua nụ thanh long. Nhiều xã thương lái bỏ tiền ra đầu tư xây dựng kho lạnh, lò sấy để sơ chế nụ hoa tại chỗ với công suất hàng tấn nụ mỗi ngày để xuất sang Trung Quốc làm trà.

Nhiều nông dân ở đây cho biết, thương lái thu gom với giá 2.000-3.000 đồng một kg. Với giá này người trồng cho rằng còn lời hơn so với bán trái mà lại không mất công chăm bón nên nhiều hộ đã hướng ứng.

Nhận thấy được tình trạng trên là bất ổn nên cơ quan quản lý huyện Chợ Gạo đã tuyên truyền phổ biến về tác hại của việc cắt hoa non nên đến giữa tháng 6 tình hình thu mua đã dịu đi.

Theo ông Huỳnh Hồng Ửng, Chủ nhiệm Hợp tác xã thanh long Chợ Gạo, tới nay người dân đã nhận thức được có điều bất thường trong việc thu mua này nên nêu cao cảnh giác, họ đã không còn hám lợi trước mắt mà làm ảnh hưởng đến việc sản xuất và tuổi thọ của cây sau này nữa.

Cau non

Gần cuối tháng 8, mặc dù chưa vào vụ thu hoạch cau nhưng hàng trăm thương lái đã đổ về các huyện vùng cao Quảng Ngãi, thu mua cau non với giá cao gấp ba lần năm ngoái để bán sang Trung Quốc.

Dọc tuyến đường từ huyện Sơn Hà về Sơn Tây, nhiều điểm đặt bảng giá thu mua cau với giá dao động từ 14.000 đến 16.000 đồng một kg. Bà Đinh Thị Lành (ngụ xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây) cho biết thêm, nếu như chính vụ năm ngoái, mỗi kg cao nhất chỉ bán được 5.000 đồng thì nay thương lái mua cau non với giá cao gấp ba lần.

Các thương lái đi xe máy về tận các bản, làng vùng cao Quảng Ngãi thu mua cau non. Họ cũng chưa lý giải được vì sao phía Trung Quốc mua trái cau non với giá cao bất thường so với các năm trước.

Ông Đinh Văn Cường, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Mùa cũng cho biết, vụ năm nay giá cau tăng đột biến nên hầu hết người dân địa phương đã hái sạch cau non bán cho thương lái. Nếu như những năm trước, cau bị bỏ chín rục trên cây thì năm nay là lần đầu tiên người dân bán được cau non với giá cao.


Có thể bạn quan tâm

lao-nong-lam-gi-cung-lai-lon Lão nông làm gì cũng… bo-doi-bien-phong-giup-ngu-dan-yen-tam-bam-bien Bộ đội Biên phòng giúp…