Tin nông nghiệp Niềm vui trên ruộng mới

Niềm vui trên ruộng mới

Tác giả Trịnh Lan, ngày đăng 25/03/2016

Không phải chạy đồng

Vụ xuân này, cánh đồng thôn Dăm, xã Vũ Xá, huyện Lục Nam (Bắc Giang) phẳng phiu trải dài ngút tầm mắt. Thửa nào cũng rộng từ vài sào đến một mẫu vuông vức bám theo đường, mương nội đồng đầy ăm ắp nước.

Ông Nguyễn Văn Hạ, thôn Dăm cho biết: “Trước đây với hơn 1 mẫu ruộng nhà tôi có 14 thửa. Chỉ đi thăm đồng cũng đã hết ngày chứ chưa nói làm được gì. Bây giờ, cũng bằng ấy diện tích gia đình chỉ còn 2 thửa gần nhau, cấy cày không phải mất công chạy đồng nữa. Vụ này, tôi thuê máy làm đất trong nửa ngày, mình tôi sạ lúa một ngày là xong”.

Ruộng rộng đã giúp nông dân trong thôn gieo cấy nhanh. Do vậy, dù thời tiết rét đậm, rét hại xảy ra ở đầu vụ cũng không ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất. Cả thôn đồng loạt áp dụng sạ tay, cấy ném nên trong vòng 2 ngày đã hoàn thành gieo cấy lúa xuân, giảm nửa tháng so với trước.

Theo trưởng thôn Vũ Văn Ngụ, kết quả này ngoài sự mong đợi của thôn. Khi mới triển khai dồn đổi ruộng thôn gặp rất nhiều khó khăn. Không nản lòng, các thành viên tiểu ban DĐĐT của thôn đến từng hộ tuyên truyền chủ trương, lợi ích sau dồn ruộng. Nhờ đó, bà con đã hiểu và đồng thuận thực hiện. Với gần 100 ha đất canh tác, hiện nay thôn còn bình quân 1 - 3 thửa/hộ, giảm 7 - 8 thửa so với trước.

Bên thửa lúa được sạ tay đang lên mầm xanh mơn mởn, bà Nguyễn Thị Lanh tuổi ngoài lục tuần hồ hởi: “Giá như làm thế này sớm hơn có phải chúng tôi làm ruộng nhàn hơn không hả bác Dăm”. Người lại bảo “Sang năm bác cho xóm em làm nhé!”. Đó là nguồn động viên lớn lao đối với người trưởng thôn đã từng nhiều đêm mất ăn, mất ngủ vì lo lắng chia ruộng cho dân.

Là vụ đầu tiên thực hiện DÐÐT, thôn Khả Lý Thượng, xã Quảng Minh, huyện Việt Yên (Bắc Giang) lại diễn ra khá thuận lợi. Ruộng đất nhỏ lẻ, nhiều ruộng còn phải cuốc thủ công mà không thể đưa máy hay cày trâu làm đất. Thế nên khi triển khai dồn ruộng, người dân đều tích cực hưởng ứng, ủng hộ. Sau khi hoàn tất, từ nguồn kinh phí của cấp trên hỗ trợ và đóng góp công sức của người dân, ô tô, máy ủi chạy ngày đêm san gạt, chỉnh trang đồng ruộng. Ruộng đất tích tụ, bà con cấy cày thuận lợi, bớt bao vất vả.

Lan tỏa phong trào

Qua 2 năm thực hiện DĐĐT theo kế hoạch của tỉnh Bắc Giang, đến nay, toàn tỉnh đã dồn đổi khoảng 8,2 nghìn ha tại 270 thôn, đạt hơn 80% khối lượng. Ngoài canh tác thuận lợi, DĐĐT đã giúp các địa phương xây dựng gần 100 cánh đồng mẫu sản xuất, trong đó hơn 30 cánh đồng có sự tham gia của doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Ở thôn Nội Ninh, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên vụ này là vụ thứ 3 bà con liên kết với Cty CP Giống cây trồng Trung ương sản xuất lúa Giống lúa Thiên ưu 8 với diện tích hơn 30 ha. Cty ký hợp đồng thu mua thóc tươi tại ruộng bằng giá thóc khô Khang dân 18 ở cùng thời điểm. Vụ trước, nông dân lãi khoảng 1 triệu đồng/sào. Vụ này, thôn Bình Dương, xã Ngọc Sơn, huyện Hiệp Hòa sau khi dồn ruộng thành công đã xây dựng cánh đồng mẫu sản xuất lúa chất lượng cao.

Năm nay, các huyện, TP có kế hoạch dồn đổi hơn 2,1 nghìn ha đất canh tác. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, nhiều địa phương đã rốt ráo thực hiện các biện pháp ngay từ đầu năm. Tại huyện Lục Nam, 5 xã trong diện dồn ruộng gồm: Bảo Đài, Bắc Lũng, Vũ Xá, Tam Dị, Đông Phú với tổng diện tích gần 500 ha đã thống nhất phương án dồn đổi, treo tại nơi công cộng để người dân nắm được. Riêng UBND xã Bảo Đài, ngoài ngân sách tỉnh, huyện còn trích kinh phí hỗ trợ 5 triệu đồng/ha cho các thôn.

Huyện Hiệp Hòa - đơn vị dẫn đầu DĐĐT của tỉnh có kế hoạch dồn đổi gần 300 ha trong năm nay. Với việc duy trì phương án lấy phiếu xin ý kiến của người dân về DĐĐT đã thể hiện nhiều ưu điểm, giải quyết được những khó khăn trong tổ chức hội họp, không phát sinh khiếu kiện, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện giao ruộng trên thực địa.

Nhờ vậy, các bước như: Đánh giá thực trạng quản lý, sử dụng đất; quy hoạch đồng, ruộng làm; xây dựng phương án dồn đổi đã hoàn tất. Để hoàn thành DĐĐT trên tổng diện tích 354ha, huyện Việt Yên dành gần 3 tỷ đồng ngân sách hỗ trợ chỉnh trang đồng ruộng và khuyến khích tiểu ban tại các thôn hoạt động. Ngay khi thu hoạch lúa xuân sẽ đo đạc, giao ruộng cho người dân sản xuất vụ mới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, Dương Văn Thái nhấn mạnh, hiệu quả sau dồn đổi ruộng đã rõ, ngành nông nghiệp cùng với các huyện, TP, cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, tạo thành phong trào tích cực DĐĐT lan rộng khắp các làng quê để hoàn thành kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, việc triển khai các bước cần thận trọng, chặt chẽ bảo đảm đúng quy trình; có cơ chế thu hút doanh nghiệp vào sản xuất, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích.

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT Bắc Giang, hiệu quả kinh tế trên cánh đồng mẫu tăng từ 15 - 20% so với cách làm nhỏ lẻ, manh mún. Vì vậy, năm nay, toàn tỉnh xây dựng 37 cánh đồng mẫu trên diện tích đã DĐĐT thành công.


Có thể bạn quan tâm

tp-hcm-cang-thang-nguon-nuoc-lam-vu-he-thu TP.HCM căng thẳng nguồn nước… nong-dan-chay-don-chay-dao-tim-thuong-lai-den-mua-nong-san Nông dân chạy đôn chạy…