Tin thủy sản Ninh Bình tăng cường quản lý vùng nuôi tôm nước lợ

Ninh Bình tăng cường quản lý vùng nuôi tôm nước lợ

Tác giả Hà Phương, ngày đăng 09/06/2016

Bán vội tôm non

Vụ này, gia đình anh Nguyễn Văn Huy, xóm 6, xã Kim Đông thả nuôi 30 vạn tôm thẻ theo hình thức công nghiệp. Tuy nhiên, nuôi được hơn 1 tháng thì phát hiện tình trạng tôm chết rải rác, dù chưa đến ngày thu hoạch nhưng anh vẫn phải gọi thương lái vào bán vội.

Anh Huy cho biết: Gia đình tôi nuôi tôm 14 - 15 năm nay, năm được, năm lỗ nhưng nhìn chung cứ đến gần ngày thu hoạch là lại ăn không ngon ngủ không yên. Lúc nào cũng phải theo dõi, quan sát ao tôm 24/24 giờ, nếu thấy tôm hơi có hiện tượng là phải bán ngay vì bệnh tôm khó chữa, nếu để kéo dài, tôm chết nhiều hoặc chết đồng loạt thì trắng tay.

Chị Quyên, vợ anh Huy bảo tiếc lắm, nếu thành công thì cũng phải thu đến 400 - 500 triệu đồng, giờ bao nhiêu tiền của đầu tư vào 2 ao tôm rồi thời gian công sức coi như bỏ đi. Nhưng ngẫm lại cũng thấy nhà mình may vì phát hiện sớm, bán kịp, vớt lại được chút vốn.

Trao đổi với một số chủ đầm khác được biết, năm nay, thời tiết lạnh kéo dài, qua thanh minh rồi mà trời vẫn lạnh nên tôm nuôi chậm lớn, ở nhiều hộ nuôi, tôm bị chết không rõ lý do gì. Mặc dù đã dùng thuốc tẩy đầm, làm trong nước, xử lý thú y nhưng tôm vẫn chết.

Thả sớm chết sớm, thả muộn chết muộn, cứ tầm 30 - 40 ngày là tôm bắt đầu nổi và chết. Tôm chưa đủ trọng lượng thương phẩm nhưng nhiều người nuôi đã phải ồ ạt bán để tránh lỗ bởi bán chậm ngày nào là mất tiền triệu ngày đó. Nếu như tôm đủ tuổi (khoảng 90 ngày) giá lên tới 250-270 nghìn/1kg thì tôm non giá chỉ giao động quanh mức 60 - 70 nghìn đồng/kg, thậm chí khó bán và bị ép giá thấp hơn nữa.

Cẩn trọng khi thả mới

Sau đợt 1 thả nuôi không thành công, hiện nay nhiều chủ đầm đang rậm rịch cải tạo ao đầm, đặt mua giống để thả đợt tiếp theo. Ông Trần Văn Kỳ, xóm 5, Kim Đông, một chủ đầm nuôi tôm đồng thời cũng là người chuyên cung cấp tôm cua giống các loại cho biết: Bình thường sau Tết 5/5 âm lịch, tôm mới được thu, nhưng năm nay tôm kém, nhiều hộ phải thu hoạch sớm.

Từ đầu tháng 5 đến nay, một số hộ nuôi đã cải tạo xong ao đầm, đến đăng ký mua giống để thả đợt 2. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi thì đây cũng là giai đoạn rất cần chú ý vì các yếu tố môi trường rất dễ biến động khi chuyển từ nắng nóng, độ mặn cao, xuất hiện những cơn mưa lớn, tôm nuôi dễ bị sốc môi trường.

Nhằm hạn chế những thiệt hại do tác động của thời tiết, Sở Nông nghiệp & PTNT đã ra văn bản số 538 về việc tăng cường chỉ đạo quản lý vùng nuôi tôm nước lợ năm 2016.

Theo đó, đối với những ao tôm có tỷ lệ tôm chết cao trên 70% cần thông báo kịp thời với các cơ quan chức năng, nhanh chóng thu gom xác tôm chết, đem chôn tại các hố cách xa ao nuôi, dùng vôi bột để diệt trùng hố chôn; sử dụng chlorrin, thuốc tím hoặc thuốc sát trùng khác để xử lý toàn bộ ao nuôi ít nhất là 7 ngày trước khi tháo nước ra vùng nuôi, tránh lây lan mầm bệnh và ô nhiễm môi trường ao nuôi và vùng xung quanh.

Đối với ao nuôi có hiện tượng tôm chết rải rác, sử dụng viên sủi Vicato hoặc chất xử lý môi trường khác để xử lý môi trường, giảm các độc tố cho môi trường. Bổ sung nước, tăng cường các biện pháp gia tăng ôxy hòa tan cho ao nuôi; bổ sung thêm các chất khoáng và vitamin vào khẩu phần cho tôm cá ăn.

Các hộ có điều kiện có thể sử dụng lưới chống nắng để che trên mặt ao làm giảm cường độ nắng xuống ao. Riêng với các hộ thả nuôi tiếp, cần phải xử lý, cải tạo ao đúng quy trình kỹ thuật, không nên thả tôm sú vì thời vụ không đảm bảo. Nên chuyển sang nuôi cua xanh, rau câu hoặc các loại cá nước lợ như: cá bớp, cá vược, cá mú, cá diêu hồng, rô phi…

Hiện nay, Chi cục Thủy sản và Chi cục Thú y cử cán bộ thường xuyên kiểm tra, giám sát vùng nuôi; quản lý chặt chẽ nguồn giống và chất lượng giống đưa vào thả nuôi. Tập trung hướng dẫn nhân dân các biện pháp chống nóng, chăm sóc và quản lý ao nuôi.

Tăng cường kiểm tra, thu mẫu xác định các tác nhân và nguyên nhân gây chết tại các ao đầm nuôi; khoanh vùng và xử lý triệt để các ao có tôm chết được cơ quan chuyên môn xác định dương tính với các bệnh vi rút nguy hiểm như đốm trắng, taura, đầu vàng, IHHNV… Đề xuất các biện pháp xử lý kịp thời đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Ông Phạm Văn Hải, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Chi cục Thủy sản cho biết: Đứng chân trực tiếp trên địa bàn vùng nuôi, hiện Trạm đang tăng cường việc lấy mẫu quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh, qua đó thông báo kịp thời cho người dân biết để đề phòng. Nhìn chung, các yếu tố môi trường như độ mặn, hàm lượng các loại khí độc… đang ổn định và phù hợp để nuôi tôm.

Tuy nhiên, dự báo thời gian tới nhiệt độ tăng cao cộng thêm gió tây sẽ khiến hàm lượng các khí độc NO2, NH3… tăng về nồng độ và độc tính; pH cũng tăng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn gây hại phát triển; tôm giảm sức đề kháng và dễ phát bệnh hơn.

Do vậy, bà con cần duy trì mức nước ao 1,2 – 1,5m; kiểm tra kỹ lượng thức ăn tránh để ô nhiễm môi trường. Định kỳ đánh khoáng để tăng hệ đệm và giúp tôm lột xác nhanh, cứng vỏ. Sử dụng vi sinh để phòng bệnh phân trắng, vi bào tử trùng, SMS và làm sạch môi trường.

Bên cạnh đó, thông qua việc quan trắc môi trường, Trạm đã phát hiện có một số ao có biểu hiện của bệnh phân trắng, SMS và đặc biệt bệnh WSSV (thân đỏ đốm trắng), vì vậy đề nghị bà con lưu ý nếu thấy tôm ăn tăng đột ngột sau đó giảm ăn, trên giáp đầu ngực và đốt thứ 6 có các đốm tròn trắng đường kính 1-3mm, thân chuyển màu hồng cần báo ngay cho thú y cơ sở, Trạm Bảo vệ nguồn lợi thủy sản hoặc Trạm Thú y Kim Sơn để có biện pháp xử lý kịp thời.


Có thể bạn quan tâm

ve-noi-nuoi-artemia-tot-nhat-the-gioi Về nơi nuôi artemia tốt… tranh-ton-dong-muoi-diem-dan-can gio-lam-theo-don-dat-hang Tránh tồn đọng muối, diêm…