Nông Dân Áp Dụng Khoa Học Kỹ Thuật Sản Xuất Lúa Đạt Hiệu Quả Cao
Thời gian qua, để giúp nông dân nắm vững khoa học kỹ thuật, đưa các giống lúa có chất lượng vào sản xuất, ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực như tập huấn ICM, hội thảo đầu bờ, xây dựng mô hình trình diễn…
Từ chương trình ICM
Mới đây, chị Trần Thị Loan, xã Nam Ðà (Krông Nô) cùng với bà con đã được tham gia lớp tập huấn ICM trên cây lúa do ngành nông nghiệp huyện phối hợp với UBND xã tổ chức. Sau khi được học lý thuyết, bà con còn được cán bộ kỹ thuật dẫn ra tận ruộng để chỉ cho cách nhận biết các loại sâu bệnh hại.
Chị Loan cho biết: “Trước đây, tôi không phân biệt được đâu là bệnh đạo ôn, bệnh đốm nâu, đâu là bệnh vàng lùn, bởi triệu chứng bệnh cứ na ná giống nhau. Bây giờ, được cán bộ cầm cây lúa hướng dẫn trực tiếp, tôi mới biết triệu chứng của mỗi loại bệnh khác nhau.
Nhờ biết đúng bệnh, nên tôi chỉ phun thuốc một, hai lần là khỏi chứ không phải phun nhiều như trước nữa. Qua hướng dẫn, chúng tôi cũng biết thêm một số thiên địch có lợi để bảo vệ và sử dụng sản phẩm như nấm xanh để trừ rầy nâu vừa hiệu quả, vừa bảo vệ môi trường”.
Còn theo anh Lâm Văn Tuấn, ở xã Ðắk D’rông (Chư Jút) thì qua tham gia lớp tập huấn ICM, anh đã áp dụng bón phân sớm vào giai đoạn 18 – 22 ngày sau sạ, thấy cây lúa đẻ khỏe, tập trung, số nhánh hữu hiệu cao. Việc bón các loại phân đạm, ka li cũng vừa phải, đủ lượng mà ruộng lúa cần chứ không còn bón nhiều như trước nữa.
Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh thì từ năm 2004 đến nay, ngành đã tổ chức được trên 80 lớp ICM với trên 3.400 lượt người tham gia. Toàn tỉnh đã xây dựng được 79 mô hình với 10 cánh đồng ICM trên diện tích 350 ha.
Kết quả tại các mô hình cho thấy, lượng giống giảm bình quân 50kg/ha, lượng phân đạm giảm 55kg/ha, số lần phun thuốc trừ sâu bệnh giảm 1-2 lần/vụ, mức độ sâu bệnh giảm 50-60%, lợi nhuận bình quân so với cách làm cũ tăng từ 1,5 -2,7 triệu đồng/ha.
Hiện tại, vào mỗi vụ sản xuất, chi cục vẫn tiếp tục phối hợp với các địa phương nhân rộng mô hình “3 giảm, 3 tăng”, giúp nông dân tự chủ được khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa.
Đến xây dựng các mô hình trình diễn
Vụ đông xuân 2012-2013, ngành nông nghiệp đã triển khai xây dựng nhiều mô hình trình diễn giống lúa thuần RVT ở các huyện Krông Nô, Chư Jút và Ðắk Mil. Sau hơn 3 tháng gieo trồng, khi thu thoạch, năng suất lúa trung bình đạt 7,25 tấn/ha, trừ chi phí cho thu nhập bình quân là 19,7 triệu đồng.
Từ hiệu quả này, trong những vụ tiếp theo, nhiều nông dân đã lựa chọn giống lúa thuần RVT đưa vào sản xuất. Tương tự, nhiều giống lúa khác như Nghi hương, TH3-3… sau khi xây dựng mô hình thành công, bà con cũng đã đưa vào gieo cấy đại trà.
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ðắk Glong thì tính đến nay, huyện đã triển khai xây dựng hơn 30 mô hình trình diễn về các giống lúa. Thông qua đó, nông dân đã ý thức hơn trong khâu chọn giống và từ bỏ hẳn thói quen tự để lúa giống.
Có thể nói, với việc thực hiện đồng bộ nhiều cải tiến về giống, kỹ thuật nên tình hình sản xuất lúa trong những năm qua đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Cùng với việc dịch bệnh được kiểm soát, năng suất và sản lượng lúa ngày càng tăng.
Cụ thể, năng suất lúa bình quân từ 53,5 tạ/ha năm 2010 nay tăng lên 55,58 tạ/ha; trong đó lúa lai tăng từ 55 tạ/ha lên 62 tạ/ha. Ngoài ra, nông dân nhiều địa phương còn sử dụng máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch, giúp giảm công lao động, giảm thất thoát, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao