Tin nông nghiệp Nông sản Việt vẫn bị gây khó dễ!

Nông sản Việt vẫn bị gây khó dễ!

Tác giả Thanh xuân, ngày đăng 19/02/2016

Chất lượng nông sản là nỗi lo

Theo nhận định của Bộ NNPTNT, năm 2016, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản dự báo sẽ có nhiều triển vọng do nhu cầu thị trường tăng và cơ hội được hưởng ưu đãi lớn về thuế, sức cạnh tranh tăng từ các hiệp định thương mại tự do vừa kết thúc đàm phán.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý - Tham tán thương mại tại Úc cho biết, Úc là thị trường tiềm năng nhưng lại có các quy định ngặt nghèo nhất thế giới để họ bảo hộ nền nông nghiệp trong nước của họ.

Trước ngày 17.4.2015, Úc chưa cấp một giấy phép nào cho các mặt hàng rau, củ, quả của Việt Nam nên việc vải thiều được phép xuất vào nước này là một thành công lớn và tới đây là xoài, thanh long…  “Vào được Úc đã khó, nhưng nếu không giải quyết được 2 bài toán là giá cả, chất lượng sẽ không giữ được thị trường này”- bà Thuý nói.

"Bình thường thịt, trứng muốn xuất khẩu vào Hoa Kỳ mất 8 năm, có mặt hàng tới 20 năm, còn riêng cá tra và basa thời gian thì 18 tháng”.

Ông Đào Trần Nhân

Cũng theo bà Thuý, về chất lượng, doanh nghiệp thường không tuân thủ yêu cầu của Úc, nên đề nghị Bộ NNPTNT khi kiểm tra, các lô hàng không đảm bảo cần giữ lại. Với mỗi lô hàng, họ lấy 12 giỏ hàng, mỗi giỏ hàng lại lấy ra 60 quả để kiểm tra.

Úc yêu cầu quả vải phải  được cắt sát cuống, không còn cuộng, bỏ quả non… nếu ngồi để cắt và chọn lại ở bên Úc sẽ rất tốn kém nên các quy định này cần được doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc trước khi xuất khẩu.

Bà Thuý cũng cho biết, đối với thuỷ sản, hiện Úc đưa ra hàng rào là kiểm dịch virus tôm với ngưỡng là 0%. Do đó, ở Cà Mau, doanh nghiệp Minh Phú không thể phát hiện virus nhưng sang tới Úc bị trả lại hết, nên không thể xuất tôm tươi, tôm đông lạnh mà phải xuất tôm đã qua chế biến. “Tại sao  chúng ta đáp ứng được thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản mà sang Úc vẫn không được bị trả về thì rõ ràng là rào cản”- bà Thuý nói.

Cùng chung nhận định trên, ông Đào Trần Nhân - Tham tán thương mại tại Hoa Kỳ cho biết, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhưng cũng chính là thị trường có các hàng rào thương mại, chống phá giá, trợ cấp… khó khăn nhất. “Chúng ta hiện không có tham tán thương mại nông nghiệp, mà vẫn là thương vụ làm thay. Bình thường thịt, trứng muốn xuất khẩu vào Hoa Kỳ mất 8 năm, có mặt hàng tới 20 năm, còn riêng cá tra và basa thì chỉ có 18 tháng. Chúng tôi đang rất sợ không đáp ứng được từ khâu nuôi trồng, giết mổ, vận chuyển, chế biến cá tra, basa để đảm bảo xuất được vào vào Hoa Kỳ”- ông Nhân nói.

Một vấn đề nữa cũng được ông Nhân cảnh báo là việc Mỹ thành lập Tổ công tác liên ngành do Tổng thống Mỹ trực tiếp đứng đầu để chống lại nạn đánh bắt hải sản bất hợp pháp. “Việc nghe có vẻ chỉ liên quan tới hải sản đánh bắt, nhưng Hoa Kỳ mở rộng sang cả nuôi trồng, đưa ra quy định truy xuất nguồn gốc đối với hải sản nuôi trồng. Đây là hàng rào trá hình, ví dụ tôm, cá tra… là một hình thức không thực hiện được. Cụ thể, với một đĩa tôm, cá đưa lên bàn phải có mã vạch, chỉ cần nhắn tin là biết được xuất xứ từ tỉnh nào, huyện nào, đó là vấn đề rất khó khăn và tốn kém. Hiện Tham tán cũng đang phối hợp với tất cả các đơn vị chức năng của Việt Nam để can thiệp”- ông Nhân nói.

Đấu tranh với thông tin bôi nhọ

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thuỷ sản (Vasep) cho biết, năm 2016 lĩnh vực xuất khẩu thuỷ sản sẽ có nhiều khó khăn do tác động từ bên ngoài đặc biệt là các rào cản thương mại từ châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ… có mặt hàng giống chúng ta, họ dựng lên các hàng rào, không phải thuỷ sản của chúng ta chất lượng kém mà là bản thân họ tạo ra hàng rào để bảo vệ sản xuất của nước họ. Đặc biệt là ở hầu hết các thị trường hiện nay, thuỷ sản bị tác động do truyền thông nước sở tại bôi nhọ.

Theo ông Nam, vấn đề này thì chỉ một hiệp hội, một bộ không thể giải quyết được khi mà báo chí, truyền thông đa dạng, thông tin một chiều sẽ tác động ngay tới tiêu thụ nên cần có thông tin 2 chiều để giải quyết sự việc. Ông Hoài Nam lấy ví dụ, 4 năm trước ở Italia, họ bôi nhọ sản phẩm cá tra của Việt Nam liên quan tới dioxin từ trong chiến tranh, dẫn tới người tiêu dùng ở tại thị trường này đã ngừng sử dụng.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết: “Thông tin bôi nhọ các sản phẩm nông sản chủ yếu là thông tin một chiều, được đưa lên các mạng internet như hiện nay, rất phức tạp. Do đó, vấn đề cung cấp thông tin 2 chiều là tối quan trọng. Sau cuộc họp này, chúng tôi sẽ bàn với các cơ quan chức năng và Bộ Công Thương để cung cấp thông tin kịp thời đến các tham tán và phối hợp đấu tranh với các thông tin sai sự thật”.


Có thể bạn quan tâm

nuoi-con-dac-san-tren-dat-kho-can-thu-tram-trieu-dong Nuôi con đặc sản trên… que-huong-thuc-phan-but-top Quê hương Thục Phán bứt…