Tin thủy sản Nuôi cá lồng bè trên sông

Nuôi cá lồng bè trên sông

Tác giả Như Trang, ngày đăng 17/05/2018

Hơn 3 năm nay, người dân thôn Thái Cẩm (xã Điện Tiến, Điện Bàn) tận dụng mặt nước sông nuôi cá lồng bè. Không những thế, họ còn thành lập tổ hội nghề nghiệp nhằm trao đổi kinh nghiệm và giúp đỡ lẫn nhau phát triển mô hình kinh tế này.

Người dân thôn Thái Cẩm với mô hình nuôi cá lồng bè trên sông. Ảnh: Như Trang

ÔNG Trần Văn Lộc là người tiên phong làm lồng bè thả cá nuôi trên sông Bình Phước đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bà con nơi đây thấy vậy, tìm đến học hỏi, chọn nghề này làm kế mưu sinh, nuôi khát khao đổi đời. Ông Lộc kể: “Hồi trước tôi đi làm thợ, không đủ tiền nuôi con. Về nhà thấy vợ đan lưới thả cá dưới sông, tôi chợt nghĩ đến việc mua giống cá, làm lồng bè nuôi thử. Năm 2015, tôi quyết định gom góp hết tài sản làm vốn bám trụ khúc sông này cho đến nay”. Từ 2 lồng bè nuôi thử nghiệm, bây giờ ông Lộc đã có 10 lồng bè nuôi cá diêu hồng, trắm cỏ, gáy, trê… Sau hơn 6 tháng thả nuôi cá, ông xuất bán, mỗi lứa ông thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Từ mô hình của ông Lộc, nhiều người dân thôn Thái Cẩm rủ nhau cùng nuôi cá. Ông Phạm Thôi hai năm sau nuôi cá, bắt đầu thu hồi vốn và sinh lãi. Ông Thôi động viên con rể của mình là anh Đào Đức Đới từ Đại Lộc về khúc sông này lập nghiệp với 12 lồng bè. Anh Đới chia sẻ: “Nước sông ở đây sạch, chảy êm, hai bên bờ tre rất mát nên việc nuôi cá thuận lợi hơn nhiều so với những chỗ khác. Lượng bèo và rau xanh khá tốt, tôi tận dụng nuôi thêm cá trắm cỏ. Sắp tới tôi dự định tăng số lượng lồng để nhập thêm vài tấn cá giống”. Từ khúc sông vắng vẻ, ngày ngày chỉ vài ba thuyền bè qua lại, nay lại trở nên nhộn nhịp, các lồng bè cá nối tiếp nhau. Đến kỳ thu hoạch, nhiều thương lái ở TP.Đà Nẵng đến mua. Người dân nơi đây cho biết, mỗi lứa họ thu từ 100 đến 300 triệu đồng tùy lượng cá xuất bán đi.

Nhằm tránh việc thương lái ép giá, những người nuôi cá thành lập tổ hội nuôi trồng thủy sản để sản xuất kinh doanh.

Nhờ mô hình này, những người nuôi cá trao đổi kinh nghiệm và đoàn kết giúp đỡ nhau. Mỗi tuần, họ đều tổ chức cuộc họp và mời chuyên gia của các công ty chuyên cung cấp thức ăn cho cá đến tư vấn. Để nuôi cá đạt hiệu quả cao, người nuôi phải biết các bệnh hay xuất hiện ở mỗi loại cá khác nhau, từ đó có phương pháp đề phòng phù hợp. Chẳng hạn cá diêu hồng thường bị lồi mắt, thối mang, còn cá trắm cỏ thường bị nấm thủy mi, đốm đỏ, một số loại cá khác thường nhiễm bệnh trắng da khoang thân… Anh Trần Văn Pháp - Tổ phó tổ hội cho biết: “Mỗi ngày chúng tôi chèo ghe ra thăm và cho cá ăn ngày 2 - 3 lần. Để đề phòng bệnh cho cá, anh em ở đây lại mua vitamin các loại về trộn cho chúng ăn nhằm tăng sức đề kháng”. Niềm vui của anh em trong tổ hội được nhân lên gấp bội khi số tiền lãi giúp họ có điều kiện xây ngôi nhà kiên cố tránh bão hoặc chu cấp cho con cái ăn học đến nơi đến chốn.


Có thể bạn quan tâm

ong-sao-nuoi-ca-koi Ông Sao nuôi cá Koi thu-bac-trieu-nho-lan-tom-hum-giong Thu bạc triệu nhờ lặn…