Tin thủy sản Nuôi cá lồng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái

Nuôi cá lồng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái

Tác giả Hưng Nguyên, ngày đăng 06/08/2020

Mô hình nuôi cá lồng trên sông tại xã Song Giang, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh đang phát triển mạnh, mang lại hiệu quả vượt trội về kinh tế và môi trường sinh thái nhờ phương thức sản xuất an toàn, hiện đại, chủ động trong ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, mở rộng thị trường.

Hiệu quả các mô hình tăng nhờ liên kết sản xuất theo hướng hiện đại, chú trọng bảo vệ môi trường.

Phát huy tiềm năng

Xã Song Giang có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển mô hình nuôi cá lồng bè trên sông, với hệ thống sông ngòi đa dạng, đặc biệt là hệ thống sông Đuống có chất lượng nước cao, dòng chảy êm, tính chất nước thích hợp cho các loại cá, tôm phát triển.

Nhiều năm qua, đời sống kinh tế của nhiều người dân trên địa bàn xã dựa vào khai thác đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Trong đó, nuôi cá lồng bè trên sông trở thành tiềm năng, lợi thế được xã tập trung đầu tư phát triển mạnh, với mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái.

Đại diện UBND xã Song Giang cho biết, những năm gần đây, các ngành nghề nông, lâm nghiệp ngày càng gặp khó khăn, nhiều người dân trên địa bàn xã đã chuyển sang nuôi cá lồng bè trên sông và nhanh chóng cho thấy những lợi ích thiết thực về kinh tế và môi trường sinh thái.

Kể từ năm 2014, sau khi nhiều mô hình nuôi cá lồng bè trên sông được mùa được giá, tạo sự thu hút đặc biệt với người dân, xã đã vận động, hỗ trợ các hộ có nhu cầu mở rộng đầu tư đóng mới bè nuôi để khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế thủy sản.

Đến nay, xã Song Giang có hàng chục hộ nuôi cá lồng với hơn 100 lồng bè, với các loại cá được thị trường ưa chuộng như cá cá chép, cá chim và cá chẽm…

Hơn 5 năm qua, các hộ nuôi cá lồng tại Song Giang liên tục trúng mùa nhờ điều kiện thời tiết, môi trường tự nhiên khá thuận lợi, đặc biệt việc áp dụng kỹ thuật mới gắn với chú trọng môi trường sinh thái giúp cá ít bị dịch bệnh, tăng trọng nhanh, phát triển tốt.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả, Song Giang đang chủ động tổ chức các mô hình sản xuất theo quy hoạch, hình thành vùng nuôi cá lồng bè tập trung, tạo khoảng cách an toàn giữa các bè nuôi, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao sức khỏe cho người sản xuất.

Hiệu quả từ liên kết

Bắt tay thử nghiệm nuôi trồng 2 lồng cá trên sông vào năm 2014, ông Đào Xuân Chuẩn (thôn Chi Nhị, xã Song Giang) liên tục thu về những thành quả xứng đáng, truyền cảm hứng cho nhiều hộ sản xuất tại địa phương.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là bảo vệ môi trường nước trong quá trình nuôi trồng, 2 lồng cá đầu tiên của ông Chuẩn đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tốc độ tăng trưởng và chất lượng thịt cá thơm ngon, săn chắc hơn, giá cá bán cao hơn nuôi trong ao từ 1,2 - 1,5 lần.

Từ hiệu quả của 2 lồng thử nghiệm, ông Chuẩn phát triển thêm 10 lồng và đứng ra thành lập HTX dịch vụ tổng hợp Xuân Tùng và được tín nhiệm bầu làm Giám đốc.

Giám đốc Đoàn Xuân Chuẩn cho hay, ngay vụ sản xuất đầu tiên, 10 lồng nuôi thả cá lăng, cá rô phi đơn tính của HTX đã mang lại tín hiệu khả quan, sau khi trừ chi phí, mỗi lồng cho thu lãi 80 - 100 triệu đồng.

Thấy được hiệu quả kinh tế rõ rệt, một số hộ dân đã mạnh dạn đầu tư vào nuôi cá lồng, nhiều hộ hiện nay có từ 10 lồng trở lên và gia nhập HTX Xuân Tùng.

Đến nay, HTX thu hút 15 thành viên tham gia với 109 lồng nuôi cá. Sản lượng cá thu hàng năm ước đạt 300 - 350 tấn các loại. Hiệu quả của HTX giúp Song Giang trở thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển nhanh và mang lại hiệu quả kinh tế cao từ nghề nuôi cá lồng.

Theo Giám đốc Đoàn Xuân Chuẩn, nuôi cá lồng trên sông có nhiều ưu điểm như tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, ít dịch bệnh, năng suất cao, thuận tiện trong chăm sóc và thu hoạch.

Bên cạnh đó, môi trường sinh thái ít bị ô nhiễm, lượng ô xy trong nước cao, nguồn nước luôn được lưu thông cũng là những điều kiện thuận lợi để cá sinh trưởng, phát triển tốt.

Đại diện UBND xã Song Giang cho biết nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh đã góp phần không nhỏ trong việc tận dụng điều kiện tự nhiên, chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương, giúp người dân tăng thu nhập.

Để duy trì tính bền vững, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ thành lập các HTX, tổ hợp tác để dẫn dắt người dân phát triển đúng hướng, nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái.


Có thể bạn quan tâm

tai-sao-thay-the-dau-ca-lai-cap-bach-hon-bot-ca Tại sao thay thế dầu… cac-yeu-to-quan-trong-anh-huong-den-tom-dat-bo-me Các yếu tố quan trọng…