Mô hình kinh tế Nuôi Cá Sấu Một Vốn Mười Lời

Nuôi Cá Sấu Một Vốn Mười Lời

Ngày đăng 26/09/2013

“Nuôi cá sấu không quá khó, chỉ cần chú ý đến cách cho ăn là cá sẽ khỏe mạnh. Từ việc nuôi cá sấu mà gia đình tôi có nguồn thu nhập cao và ổn định”. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Tào, chủ trang trại cá sấu Đồng Trai, ấp Đồng Trai, xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương).

Thu tiền tỷ mỗi năm

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Tào, bà Nguyễn Thị Tình - chủ trang trại cá sấu Đồng Trai đã từng kinh qua nhiều nghề trước khi đến với con cá sấu. Trước đây, điều kiện gia đình khó khăn ông bà chỉ có thể làm những mô hình nhỏ như nuôi gà, heo, trâu. Năm 2008, ông Tào nghe một người bạn “mách nước” rằng nuôi cá sấu có thể cho thu nhập cao, ông liền lặn lội qua Tây Ninh tìm hiểu. Thấy các hộ dân ở Tây Ninh nuôi cá sấu đơn giản, cho thu nhập cao ông liền về nhà bàn với vợ bán 6 con trâu được 45 triệu đồng đầu tư nuôi cá sấu.

Sau khi xây dựng xong chuồng trại, số tiền còn lại ông mua 73 con cá sấu. Tuy nhiên do chưa có kinh nghiệm nuôi nên có 23 con bị chết. Không nản chí, ông Tào biết cá sấu chết là do mình thiếu kinh nghiệm nuôi chứ không phải là cá sấu không hợp với điều kiện khí hậu tại vùng đất mình đang sống.

Tìm hiểu thêm cách nuôi, tự đúc rút kinh nghiệm riêng cho bản thân, ông Tào tiếp tục nuôi 50 con cá sấu còn lại mà không gặp khó khăn gì. Hơn 1 năm sau, từ 50 con cá sấu ông đã thu về 150 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí ông còn lãi ròng 100 triệu đồng. Thấy nguồn thu từ cá sấu ngoài sức tưởng tượng của mình, vợ chồng ông Tào tiếp tục nhập giống, mở rộng sản xuất.

Ông Tào chia sẻ: “Sau khi nuôi được 1 năm, tự đúc rút kinh nghiệm, tham khảo thêm tài liệu tôi mới thấy rằng những mô hình mà mình đi tham quan, học hỏi trước đây cũng chưa đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn chung. Với điều kiện của mình, tôi thiết kế chuồng trại thích hợp hơn để cá sấu phát triển tốt”. Cách thiết kế chuồng trại của ông Tào cũng khá đơn giản, nền chuồng được xây bê tông hoặc lát gạch. Chuồng phải có hồ nước sâu khoảng 0,5m để cá sấu ngâm mình và phải có khoảng sân đất để cá sấu nằm.

Tường bao xung quanh được xây bằng gạch cao 1m và phần phía trên là lưới cao 1,2m. Bà Tình cho biết: “Cá sấu nếu không ai “chọc giận” thì nó sẽ nằm im, không gây ồn ào như nuôi heo, gà lại sạch sẽ. Tôi coi việc nuôi cá sấu cũng như nuôi con gà, con chó trong nhà. Qua việc được tập huấn, tham khảo tài liệu, xây dựng chuồng trại đạt chuẩn tôi tự tin vào khả năng nuôi và độ an toàn chuồng trại của mình”.

Cá sấu khi được ông bà nuôi đã có kích thước khoảng 25 - 27cm. Giai đoạn đầu, cá sấu con được “úm" trong thau nhựa với tỷ lệ 20 con/thau trong 2 tuần. Sau đó, cá sấu con được đưa ra chuồng đóng bằng cây có máng nước để tập cho cá sấu ăn các thức ăn cứng như tép đã cắt đầu.

Khoảng 1 tháng sau lại tiếp tục đưa cá sấu con ra chuồng có lát gạch tàu, hồ nước để quen với môi trường nuôi. Và khoảng 3 tháng sau nữa thì cho ra chuồng nuôi đại trà với tỷ lệ 2 con/1m2 (cách nuôi riêng của vợ chồng ông, thường người khác nuôi 1 con/1m2). Hiện tại, ông bà đang nuôi khoảng 700 con cá sấu.

Thời gian nuôi đến khi xuất chuồng là khoảng 18 tháng, con nào yếu có thể là 24 tháng. Đến giai đoạn 18 tháng, cá sấu đã đạt trọng lượng từ 20 - 25 kg/con, con trội có thể vượt trên 30kg. Hiện nay, giá cá sấu giống đang ở mức 320.000 đồng/con, giá bán cá sấu thịt là trên 140.000 đồng/kg. Một năm nếu nuôi đạt tiêu chuẩn có thể xuất bán từ 1 - 2 lứa theo hình thức nuôi gối đầu từng đợt.

Bà Tình vui vẻ cho biết vào khoảng giữa năm 2013 vừa cho xuất bán 1 lứa cá sấu và thu về trên 1 tỷ đồng. Nhà cửa đã được xây dựng khang trang nên ông bà dùng số tiền này để mua 1 chiếc xe tải nhỏ làm phương tiện chở thức ăn cho cá sấu và mua thêm một miếng đất để nuôi gà, cá làm thức ăn dự trữ cho cá sấu.

“Khỏe” như nuôi cá sấu

“Lúc đầu tưởng nuôi cá sấu sẽ cực lắm ai dè lại khỏe re. Cả một trại mấy trăm con cá sấu chỉ cần 2 người chăm là ổn thỏa, người già cũng làm được”, bà Tình cho biết. Một tuần chỉ cần cho cá sấu ăn 2 lần và thay hồ nước một lần. Nguồn thức ăn của cá sấu cũng khá đơn giản, chủ yếu là gà công nghiệp (gà loại thải), cá rô phi và phổi heo.

Đây là nguồn thức ăn khá rẻ và dồi dào nhưng cần phải chủ động được nguồn thức ăn, không để cá sấu bị đói. Nếu 2 ngày mà cá sấu ăn chưa hết thức ăn thì phải vệ sinh dọn thức ăn cũ đi.

Cũng theo bà Tình, không như những người nuôi cá sấu khác thường vứt nguyên con gà hay nguyên miếng phổi heo cho cá sấu tự tranh giành nhau ăn, bà chịu khó chặt thức ăn ra thành những miếng nhỏ vừa miệng ăn của cá sấu để con nào cũng có thể ăn được. Theo bà, nếu quăng nguyên con gà vào cho cá sấu ăn thì con nào khỏe sẽ được ăn nhiều, con nào yếu hay nhút nhát sẽ ăn được ít.

Chịu khó chặt nhỏ thức ăn sẽ làm cho đàn cá sấu lớn đều. Giai đoạn cá sấu còn nhỏ cần phải tập cho chúng ăn và phải phơi nắng đều đặn nếu không cá sấu sẽ dễ mắc các chứng bệnh như trướng hơi, lở mồm, bại liệt sẽ làm cho cá sấu con chết. Khi đã thả ra chuồng nuôi đại trà, cá sấu đã lớn thường rất ít bị bệnh tật. Nuôi cá sấu trong khoảng 5 năm nay chưa có lần nào ông bà phải chữa trị bệnh tật cho các con cá sấu lớn.

Trang trại nuôi cá sấu của ông Tào, bà Tình là trang trại nuôi cá sấu lớn nhất và thành công nhất ở huyện Dầu Tiếng. Hiện nay, ông bà đang xin phép mở rộng thêm 300m2 chuồng trại để tăng lượng đàn cá sấu. Bà Tình vui vẻ cho biết: “Cũng đã có nhiều người đến tham quan mô hình, tìm hiểu cách nuôi. Với ai tôi cũng nhiệt tình chỉ bảo để có thể nuôi thành công và làm giàu từ con cá sấu”.


Có thể bạn quan tâm

tiep-tuc-cap-ma-so-cho-vung-nuoi-tom Tiếp Tục Cấp Mã Số… con-tom-len-doi Con Tôm Lên Đời