Mô hình kinh tế Nuôi Cá Tra Nhỏ Lẻ Khó Đạt Chuẩn Quốc Tế

Nuôi Cá Tra Nhỏ Lẻ Khó Đạt Chuẩn Quốc Tế

Ngày đăng 29/10/2013

Đối với doanh nghiệp, việc xây dựng vùng nuôi cá tra theo tiêu chuẩn ASC (Aquaculture Stewardship Council), một tiêu chuẩn của Quỹ quốc tế bão vệ thiên nhiên, là điều tương đối dễ dàng, tuy nhiên, với những hộ nuôi nhỏ lẻ thì con đường đi đến tiêu chuẩn này còn khá xa.

Tại hội thảo “Nâng cao nhận thức tiêu chuẩn ASC và liên kết sản xuất cá tra bền vững” được tổ chức ngày 24-10 ở An Giang, ông Ngô Tiến Chương, Điều phối viên chương trình thủy sản của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam, cho biết tính đến nay, cả nước đã có 30 vùng nuôi cá tra đạt được chứng nhận ASC, tuy nhiên, chưa có vùng nuôi của hộ nông dân nhỏ lẻ nào đạt được chứng nhận này.

Lý giải nguyên nhân trên, một số đại biểu tham dự hội thảo này chỉ ra do chi phí đầu tư sản xuất theo ASC và chi phí chứng nhận quá lớn.

“Với diện tích nuôi khoảng 4 héc ta mặt nước, chi phí thuê tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật khoảng 10.000 – 15.000 đô la Mỹ; chi phí đánh giá, chứng nhận khoảng 3.500 – 4.500 đô la Mỹ nữa. Đó là chưa kể chi phí đầu tư hạ tầng ao nuôi theo tiêu chuẩn ASC”, một chuyên gia cho hay.

Bên cạnh đó, giá bán giữa sản phẩm đạt chứng nhận ASC với những sản phẩm khác hiện nay hầu như không có sự khác biệt lớn cũng là nguyên nhân khiến những hộ nuôi nhỏ lẻ ngại đầu tư xây dựng chứng nhận này.

Tuy nhiên, ông Chương của WWF, cho biết tại thị trường EU, các nhà bán lẻ tại khu vực này đang có xu hướng dịch chuyển nhập khẩu, phân phối cá tra thông thường sang cá tra đạt chứng nhận ASC. “Do đó, việc mở rộng xây dựng vùng nuôi đạt chứng nhận ASC là cần thiết”, ông Chương cho biết.

Theo WWF tại Việt Nam, mục tiêu của dự án “Xây dựng chuỗi cá tra bền vững tại Việt Nam-SUPA” là đến năm 2020 ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam trở thành ngành bền vững với môi trường, kinh tế và xã hội - đó là nhưng tiêu chí cơ bản nằm trong bộ tiêu chuẩn ASC.

“Mục tiêu cụ thể của chúng tôi khi kết thúc hoạt động của dự án, sẽ có ít nhất 70% công ty nuôi trồng có quy mô lớn và vừa, 30% nhà máy sản xuất thức ăn độc lập chủ động cam kết thực hiện theo ASC và có ít nhất 50% các nhà sản xuất cung cấp các sản phẩm bền vững tuân thủ tiêu chuẩn ASC đến với thị trường Châu âu và những thị trường khác”, ông Chương cho biết.

Riêng đối với những hộ nuôi nhỏ lẻ, dự án trên không đề cập đến đối tượng này, tuy nhiên, việc áp dụng tiêu chuẩn ASC là tự nguyện. “Những hộ nuôi nhỏ lẻ muốn sản xuất theo tiêu chuẩn này, nhất thiết phải liên kết lại để có vùng nuôi lớn, tiềm lực kinh tế mạnh hơn mới mong xây dựng được”, ông Chương cho biết.

ASC - Aquaculture Stewardship Council - là tên viết tắt của Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản - một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận được thành lập năm 2009 bởi Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững Hà Lan (IDH).

Bộ tiêu chuẩn ASC cá tra/basa có tất cả 103 tiêu chuẩn trong 7 nguyên tắc của tiêu chuẩn ASC, gồm tính hợp pháp của vùng nuôi; sử dựng đất và nước; ô nhiễm nguồn nước và kiểm soát chất thải; di truyền và đa dạng sinh học; kiểm soát thức ăn; kiểm soát sức khỏe, thuốc thú y và hóa chất; trách nhiệm xã hội/xung đột giữa những người sử dụng.


Có thể bạn quan tâm

chu-dong-phong-ngua-dich-benh-o-tom Chủ Động Phòng Ngừa Dịch… uy-luc-cua-cac-chu-vua-tai-ben-cang Uy Lực Của Các Chủ…