Tin thủy sản Nuôi ghép tôm với các đối tượng khác

Nuôi ghép tôm với các đối tượng khác

Tác giả Hà Châu, ngày đăng 16/11/2019

Nuôi ghép tôm nước lợ với các đối tượng khác đang trở thành mô hình mang lại nhiều lợi ích nhờ cải thiện môi trường ao nuôi và tạo giá trị kinh tế cho người dân.

Nuôi ghép đang mang lại nhiều lợi ích cho người dân

Đối tượng nuôi

Các đối tượng nuôi ghép trong mô hình là tôm thẻ chân trắng, tôm sú kết hợp với cua, cá, hoặc rong câu, thả luân canh hoặc xen canh và được nuôi theo hình thức quảng canh hoặc quảng canh cải tiến là chủ yếu. Tùy thuộc vào từng vùng và điều kiện ao nuôi mà người dân có thể lựa chọn các đối tượng thả ghép thích hợp. Hiện, có một số hình thức ghép đang được nuôi phổ biến như: tôm (tôm thẻ, tôm sú) - cá (cá đối mục, cá dìa, cá măng, cá rô phi); Tôm - cua - cá (cá đối mục, cá dìa, cá măng, cá rô phi); Tôm sú - rong câu - cá dìa, cá rô phi.

Chuẩn bị ao nuôi

Ao nuôi có diện tích thích hợp 2.000 - 5.000 m2, độ sâu 1 - 1,2 m và cao hơn mức triều cường ít nhất 0,5 m. Ao phải có cống cấp, thoát nước và có các lớp đăng chắn hoặc lưới chắn để tránh gây thất thoát trong quá trình nuôi. Nếu nuôi ghép với cua, ao phải làm đăng chắn trên bờ bao quanh toàn bộ ao để ngăn không cho cua bò ra khỏi ao.

Cần tiến hành cải tạo kỹ ao trước khi thả giống: Ao phải xả bỏ nước, hút bùn và phơi trong 30 ngày, thực hiện bón vôi đáy ao với lượng 10 kg/100 m2, diệt tạp và khử phèn trong ao. Sau đó, cấp nước vào ao qua túi lọc, tiến hành lắp và chạy quạt nước liên tục trong 3 ngày; đồng thời, sử dụng Chlorine 30 kg/1.000 m3 hoặc TCCA 15 kg/1.000 m3; Sau 5 - 7 ngày thì gây màu nước cho ao nuôi; Tiến hành kiểm tra lại các chỉ tiêu môi trường nước ao và điều chỉnh các yếu tố nằm trong ngưỡng thích hợp cho sự phát triển của vật nuôi, pH 7,5 - 8,5; độ trong 30 - 40 cm; độ mặn 5 - 25‰; nhiệt độ 26 - 320C.

Thả giống

Người nuôi cần theo dõi các thông tin dự báo thời tiết để nắm bắt được thời điểm thích hợp để thả giống; Không nên thả giống vào những ngày âm u, có mưa hay thời tiết thay đổi bất thường.

Loài

Kích cỡ

Mật độ (con/m2)
Tôm thẻ chân trắng >PL12 40
Tôm sú >PL15 10-12
Cua >1,2cm 0,5
Cá dìa >=4 cam 0,5-1
Cá đối, cá măng >=6 cam 0,5-1
Cá rô phi 50-100 g/con 1-2 con/10m2

 

Chọn con giống tốt, đạt chất lượng theo tiêu chuẩn ngành, có kích cỡ đồng đều và khỏe mạnh. Trước khi thả nuôi, con giống phải được kiểm dịch, kiểm tra chất lượng để loại bỏ những con giống không đạt yêu cầu và chất lượng. Thông thường, tôm giống thường được thả trước 20 - 30 ngày sau đó mới thả ghép với các đối tượng khác; Với những giống cá có kích cỡ nhỏ có thể được nuôi ương dưỡng đến khi đạt kích cỡ thích hợp mới thả vào ao nuôi ghép. Theo khuyến cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, kích cỡ và mật độ nuôi thích hợp của một số loài như bảng sau.

Lưu ý: Nếu nuôi ghép từ 3 đối tượng trở lên, người nuôi nên thả với mật độ thưa để tạo điều kiện phát triển cho các loài nuôi.

Quản lý, chăm sóc

Cho ăn:

Tùy thuộc vào đối tượng nuôi chính và nuôi ghép, cũng như đặc tính của loài nuôi, kích cỡ, tỷ lệ sống, tình trạng sức khỏe, chất lượng nước, thời tiết, chất lượng thức ăn để lựa chọn và cho đối tượng nuôi ăn phù hợp mà không gây ra tình trạng thừa hay thiếu thức ăn trong ao nuôi. Kiểm tra lượng thức ăn hàng ngày từ đó điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Cho tôm, cua, cá ăn đầy đủ để tránh tình trạng cạnh tranh hoặc tấn công lẫn nhau.

Quản lý:

Theo dõi, kiểm tra tình trạng hoạt động của các đối tượng nuôi, môi trường ao nuôi hàng ngày; Quan sát, đo các chỉ tiêu hóa lý theo định kỳ; Thường xuyên giữ môi trường ao nuôi trong sạch, định kỳ diệt khuẩn và bổ sung các chế phẩm vi sinh vào ao nuôi; Giữ mực nước ổn định 1 - 1,2 m; Kiểm tra bờ ao, đăng chắn, cống thoát nước; Định kỳ 15 ngày phải tiến hành kiểm tra sinh học để biết tỷ lệ sống, tốc độ phát triển, sản lượng tôm, cua, cá hiện có trong ao nuôi; Kiểm tra dịch bệnh và tình trạng sức khỏe của vật nuôi theo định kỳ; Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh tổng hợp cho vật nuôi.

Thu hoạch

Tiến hành thu tỉa các đối tượng nuôi khi đã đạt kích thước thương phẩm: với tôm thẻ chân trắng sau 3 tháng nuôi, tôm sú sau 4,5 - 5 tháng nuôi; Khi cua đạt cỡ 300 - 350 g/con trở lên thì kiểm tra xem mức độ lên gạch (cua cái) và chắc (cua đực) để thu tỉa; Cá măng sau 4 - 5 tháng đạt 300 - 400 g/con thì có thể thu hoạch; Cá đối, cá dìa cho thu hoạch sau 6 tháng với trọng lượng 400 - 500 g/con.


Có thể bạn quan tâm

huong-dan-ky-thuat-nuoi-ghep-thuy-san-nuoc-lo-trong-ao Hướng dẫn kỹ thuật nuôi… cai-tao-ao-tom-de-nuoi-doi-tuong-khac Cải tạo ao tôm để…