Tin thủy sản Nuôi lồng bè - tiềm năng và thách thức

Nuôi lồng bè - tiềm năng và thách thức

Tác giả Tuấn Minh (Tổng hợp), ngày đăng 24/03/2017

Ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) lồng bè tăng trưởng nhanh suốt 20 năm qua cùng sự đổi mới liên tục nhằm thích nghi với áp lực toàn cầu hóa và tiêu thụ thủy sản gia tăng ở các nước đang phát triển và phát triển. Tốc độ phát triển nhanh khiến ngành này phải đối mặt không ít thách thức.

Trong ảnh: Nuôi cá rô phi lồng tại Trung Quốc đang đối mặt nhiều rủi ro ô nhiễm môi trường     Ảnh: National Geographic 

Những loài nuôi chính

Dự báo, tiêu thụ thủy sản tại các nước đang phát triển sẽ tăng 57%, từ 62,7 triệu tấn năm 1997 lên 98,6 triệu tấn năm 2020. Tới nay, hoạt động nuôi cá bè thương phẩm chủ yếu tập trung ở những đối tượng có giá trị kinh tế cao, sử dụng thức ăn tổng hợp gồm các loại cá hồi, một số loại cá biển và cá nước ngọt, cá đù vàng, cá seabass châu Âu, cobia, cá da trơn, cá chép, cá rô phi… Tùy từng loại cá, người nông dân sẽ lựa chọn hệ thống lồng nuôi khác nhau. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), hiện có khoảng 80 loài cá được nuôi lồng bè với kết cấu lồng đa dạng từ quy mô nhỏ theo hộ gia đình tới hệ thống lồng nuôi hiện đại theo quy mô công nghiệp tại châu Âu hoặc châu Mỹ.

Cá hồi Atlantic là đối tượng nuôi lồng bè phổ biến nhất. Sản lượng cá hồi nước lạnh nuôi lồng đã tăng gấp 4.000 lần từ 294 tấn năm 1970 lên 1.235.972 tấn năm 2005, đạt giá trị 4.767.000 triệu USD. Na Uy, Chilê, Anh, Canada, đảo Faroe, Australia và Ireland là những quốc gia nuôi cá hồi quy mô nhất thế giới với tổng sản lượng khoảng hơn 10.000 tấn. Những quốc gia này nuôi cá lồng thành công nhờ công nghệ nuôi tiết kiệm chi phí, điển hình là sử dụng chất liệu lồng nổi tiêu chuẩn hóa suốt pha nuôi tăng trưởng và có vùng nước biển sạch. Na Uy và Chilê có 1.800 km và 1.500 km đường bờ biển nước sạch, môi trường lý tưởng để nuôi cá lồng. Ngoài ra, cá hồi là đối tượng nuôi lồng khá thích hợp với sản lượng tốt và chất lượng thịt cao, phù hợp khẩu vị nhiều người tiêu dùng. Ngành nuôi cá lồng tại những quốc gia này đều được hưởng lợi nhờ sự trợ giúp của chính phủ, luật môi trường và các chương trình quản lý thú y, sức khỏe vật nuôi hiệu quả.

Nói tới cá lồng nước ngọt, Trung Quốc luôn đứng đầu với sản lượng vượt 700.000 tấn, tương đương 68,4% tổng sản lượng cá lồng nước ngọt. Việt Nam đứng sau Trung Quốc với sản lượng 126.000 tấn, chiếm tỷ lệ 12,2%; tiếp đến là Indonesia với sản lượng 67.700 tấn và tỷ lệ 6,6%. Cá lồng nước ngọt chủ yếu là các loại cá chép, cá rô phi và cá da trơn. 

Thách thức môi trường

Mặc dù ngành NTTS lồng bè đã chứng tỏ được những hiệu quả kinh tế rõ ràng cùng tiến bộ vượt bậc về công nghệ nuôi, nhất là với ngành cá hồi; nhưng cũng phải đối mặt vô số thách thức trong suốt quá trình phát triển; mà chủ yếu liên quan đến việc sử dụng hệ thống lồng mở và những hệ lụy của nó tới môi trường, hệ sinh thái xung quanh. Thức ăn dư thừa trong lồng dễ làm ô nhiễm nguồn nước và môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, rủi ro dịch bệnh luôn có nguy cơ gia tăng trong lồng nuôi và lây lan sang thủy sản tự nhiên hoặc sự tấn công của các loài vật ăn thịt. Chưa kể cá trong lồng thất thoát ra ngoài và gây ra những tác động tiêu cực lên quần thể cá khác trong tự nhiên, làm cá tự nhiên biến đổi gen.

Ở một số quốc gia, việc sử dụng đất và đường bờ biển công để nuôi cá lồng cũng trở thành vấn đề gây tranh cãi vì những lo ngại ô nhiễm môi trường của cư dân sống xung quanh đó. Mỹ có luật quản lý NTTS khá chặt, cộng đồng dân cư cũng như chính quyền địa phương đều phản đối hoạt động nuôi cá trên biển do lo ngại ảnh hưởng tới môi trường, ô nhiễm nguồn nước. Do đó, một số công ty đã phải nuôi cá ở ngoài khơi như Công ty Open Blue - trại nuôi cá cobia lồng lớn nhất thế giới ở ngoài khơi Panama.

Tiềm năng phía trước

Mô hình nuôi cá lồng bè theo quy mô nhỏ hộ gia đình đã gặt hái được nhiều thành công ở một số quốc gia châu Á và đang được nhân rộng. Tuy nhiên, vấn đề cấp bách hiện nay là phải giảm thiểu được các mô hình lồng bè sử dụng nguồn thức ăn trực tiếp từ các loài cá nhỏ giá trị thấp như cá da trơn, cá mandarin, cá chuối, cua và một số loại cá biển.

Nhiều quốc gia vẫn không ngừng cải tiến hệ thống lồng nuôi từ kết cấu lồng, kỹ thuật đến đối tượng nuôi. Năm 2014, Ecuador đã nuôi thử nghiệm tôm trong lồng trên biển và một năm sau thu hoạch vụ đầu tiên. Dự án này do Viện Thủy sản quốc gia Ecuador (INP) hợp tác với Hiệp hội Khai thác cá ngừ Puerto Engabao thực hiện. INP hỗ trợ kỹ thuật nuôi, theo dõi và giám sát ấu trùng tôm đồng thời kiểm tra tình trạng lồng trên biển. Trong 2 tháng, tôm tăng trọng lượng từ 3,5 g lên 12 g và hứa hẹn tương lai bền vững cho ngành tôm biển, giảm áp lực phụ thuộc nguồn tôm tự nhiên. Trong khi đó, Na Uy - quốc gia nuôi cá lồng nổi tiếng nhất thế giới cũng không ngừng cải tiến mô hình nuôi cá hồi lồng bằng cách phát minh ra cấu trúc không gian dạng vòng tạo môi trường nuôi có kiểm soát nhằm tối ưu hóa hoạt động tại khu vực đặt lồng bè, trại nuôi cá hồi trong vịnh hẹp và một số trại gần bờ. Thiết kế sáng tạo này đã giúp ngành cá hồi Na Uy giải quyết được các vấn đề dai dẳng về dịch bệnh như dịch rận biển, tình trạng cá thoát ra ngoài và quản lý chất thải tốt (như tránh được các sự cố tràn dầu ở địa phương).

Nhưng sự nở rộ của lồng bè cũng gây ra nhiều rủi ro môi trường và kinh tế. Do đó, muốn nuôi cá lồng hiệu quả bền vững, người chăn nuôi phải trang bị các kỹ năng quản lý trang trại, còn chính phủ thì cần phải tăng cường kiểm soát bằng hệ thống luật bảo vệ môi trường, giảm sử dụng kháng sinh, cải tiến công nghệ sản xuất thức ăn hoặc tìm kiếm nguồn thức ăn thay thế bột cá và tiến xa hơn ra ngoài khơi đại dương.


Có thể bạn quan tâm

muon-dat-10-ty-usd-nganh-tom-trong-cay-dau-tau-doanh-nghiep Muốn đạt 10 tỷ USD,… biet-tai-nuoi-ca-lon-nhu-thoi-bo-tui-hon-nua-ty-nam Biệt tài nuôi cá “lớn…