Nuôi Thủy Sản Nước Lợ Vẫn Còn Khó Khăn
Kết thúc quí 1-2013, tình hình dịch bệnh xảy ra đối với thủy sản nuôi ở các tỉnh ven biển ĐBSCL giảm so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên, một số nhà chuyên môn cho biết vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt khi chưa có biện pháp phòng, trị bệnh hữu hiệu cho hai đối tượng nuôi chủ lực là tôm và nghêu.
Tại hội nghị: “Giao ban nuôi trồng thủy sản các tỉnh ven biển ĐBSCL” được tổ chức tại Tiền Giang hôm 18-4, đại diện Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết tính đến thời điểm hiện nay, toàn vùng ĐBSCL đã thả nuôi được trên 496.000 héc ta tôm sú và hơn 7.000 héc ta tôm thẻ chân trắng, trong đó, diện tích tôm sú đã thu hoạch đạt 27.000 héc ta và khoảng 500 héc ta tôm thẻ chân trắng với sản lượng đạt khoảng 27.000 tấn.
“Kết thúc quí 1 năm nay, dù diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái nhưng cũng có khoảng 14.300 héc ta bị thiệt hại”, vị này cho biết.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết đến cuối tháng 3-2013, tại Tiền Giang có trên 850 héc ta nghêu nuôi của nông dân gặp dịch, thiệt hại trên 237 tỉ đồng, còn tại Bến Tre cũng có 295 héc ta nghêu nuôi bị thiệt hại.
Theo ông Điền, thời tiết bất lợi, nắng nóng kéo dài, trong khi đó, mật độ thả nuôi ở các bãi nghêu quá dày là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nghêu chết hàng loạt thời gian qua.
Nhiều đại biểu tham dự hội nghị này tỏ ra lo lắng khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu nào để phòng, trị bệnh cho nghêu và tôm nuôi.
Ông Trần Đình Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nguồn lợi thủy sản TP.HCM cho biết: “Cuộc họp nào về con tôm, con nghêu, lúc nào các nhà chuyên môn cũng bàn về dịch bệnh và Việt Nam cũng có nhiều chuyên gia rất giỏi nhưng đến nay gần như chưa tìm thấy hướng giải quyết dịch bệnh cho những đối tượng này”.
Theo ông Vĩnh, tại sao cứ mãi đi tìm nguyên nhân xảy ra dịch bệnh mà không đi theo hướng tìm mô hình có quy trình nuôi mới, loại bỏ được những yếu tố bất lợi (sử dụng thuốc diệt giáp sát để xử lý ao nuôi, chất kháng sinh, môi trường ổ nhiễm…) mà các nhà chuyên môn đang khuyến cáo?
“Tôi được biết, hiện ở Bạc Liêu có mô hình nuôi tôm trong nhà đã 5 vụ liên tiếp không xảy ra dịch bệnh, đây có thể là hướng đi cho con tôm thời gian tới”, ông cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ