Tin thủy sản Nuôi tôm bền vững ở Arizona tại Mỹ

Nuôi tôm bền vững ở Arizona tại Mỹ

Tác giả Vũ Đức, ngày đăng 19/03/2021

Dù địa hình sa mạc, thiếu đất và nước, Gila Bend, một thị trấn thuộc hạt Maricopa, Arizona, Mỹ vẫn xây dựng được những trại nuôi tôm bền vững, hiệu quả bằng công nghệ nhà màng độc đáo.

Công nghệ nhà màng

Arizona Desert Shrimp (ADS), một công ty nuôi tôm tại Gila Bend là đơn vị tiên phong về công nghệ nuôi tôm trong nhà màng. Michael Cunha, Giám đốc tài chính tại ADS, cho biết: “Công nghệ này giúp chúng tôi có thể kiểm soát được hoàn toàn môi trường, nước, pH, nồng độ ôxy hòa tan và có thể tái sử dụng nước bằng cách bơm ra ngoài, làm sạch lại toàn bộ và đưa trở lại bể nuôi”. 

Theo Cunha, công nghệ của ADS được phát triển bởi TS Maurice Kemp, một nhà khoa học nghiên cứu về vi sinh vật y học chuyên ngành virus học. Ông và một vài thành viên của ADS đã làm việc với ĐH Texas A&M, từng bước đưa ADM trở thành cơ sở nghiên cứu và nuôi tôm tầm cỡ thế giới. Công nghệ nuôi tôm trong nhà màng không quá xa lạ trên thế giới. Nhưng tại ADS, công nghệ này không chỉ phục vụ nuôi tôm hiệu quả mà còn nhằm mục tiêu giảm sử dụng nguồn nước và đất đai. Theo Cunha, mục tiêu sau cùng của ADS là phát triển công nghệ nuôi tôm bền vững nhất.  

Giảm sử dụng đất và nước

West Valley Farms, nơi tập trung các hệ thống nuôi tôm của ADS nằm dọc theo bờ sông Gila, thuộc vùng châu thổ Gila. Dưới lớp đất cát sa mạc khô cằn của vùng Gila là một tầng đất ngậm nước khổng lồ được duy trì bởi sông Hassayamapa. Tầng ngậm nước có độ mặn 1,6 – 5,5 ppt (quá mặn để làm nước uống nên ADS đã tận dụng để nuôi tôm). 

Nguồn nước mặn được đưa vào các bể chứa và xử lý bằng hệ thống lọc thẩm thấu rồi mới sử dụng để nuôi tôm. ADS mua hàng triệu tôm post từ một trại giống sạch bệnh tại Mỹ. Tôm được nuôi trong hệ thống nước chảy raceway – các kênh dẫn được làm bằng xi măng và đặt trong một hệ thống nhà màng. Kênh đổ đầy nước chuyển động theo chiều đồng hồ.

Tôm giống được thuần hóa cho hợp điều kiện môi trường tại ADS. Hầu hết tôm trên thế giới được nuôi trong nước mặn 20 – 30 ppm, nhưng ADS nuôi tôm trong nước mặn 2,5 ppm. Vụ thu hoạch đầu tiên diễn ra hồi đầu tháng 11/2020 và vụ tới dự kiến vào đầu mùa thu năm 2021. 

Chỉ về phía 8 ao nuôi, diện tích mỗi ao khoảng 2 acre (0,8 ha/ao) đã cạn gần hết nước, Cunha cho biết, trước đó vào vụ thu hoạch, nước trong các ao này được bơm sang một hồ chứa gần đó để sử dụng làm nước tưới tiêu cho các cánh đồng ô liu và bông quanh vùng. Tuy nhiên, 2% nước ao tôm vẫn được tái sử dụng để nuôi tôm. Cunha giải thích, những ao này là bàn đạp để phát triển công nghệ nuôi trong nhà màng giảm sử dụng đất nông nghiệp.  

Đột phá dinh dưỡng

ADS đã tự sáng tạo công thức dinh dưỡng riêng để nuôi tôm gọi là thức ăn nổi. Tôm ăn ở tầng đáy, nhưng chúng sẽ phi rất nhanh lên mặt nước khi nhận ra thức ăn đang nổi. Trong hệ thống của ADS, bất cứ thứ gì tôm không ăn sẽ nổi trở lại mặt nước thay vì chìm xuống đáy như các loại thức ăn thông thường khác. Điều này giúp bảo vệ lớp đất và nước bởi khi thức ăn chìm, chúng có thể tạo ra môi trường đầy vi khuẩn. Nhờ giám sát quy trình này, đội ngũ ADS cũng có thể ước tính tốt hơn về lượng thức ăn không được sử dụng. Khi hệ thống này được tối đa hóa, ADS sẽ biết chính xác lượng thức ăn cần cung cấp cho tôm, tiến tới mục tiêu không còn thức ăn dư thừa trong ao nuôi. 

Hầu hết người tiêu dùng tôm đã quen với sản phẩm tôm nuôi trong nước mặn 20 – 30 ppm; nhưng do ADS kiểm soát được tất cả yếu tố của môi trường sản xuất, nên đối tác của ADS có thể đặt hàng tôm nuôi theo các độ mặn yêu cầu 10 ppm, 16,5 ppm và 25 ppm. Điều đặc biệt, theo Cunha, ADS có thể tạo bất cứ màu sắc nào cho tôm nếu họ muốn. Tuy nhiên, họ vẫn chuộng màu xanh nhất; bởi đây cũng là màu sắc bắt mắt người tiêu dùng nhất hiện nay. 

Rất nhiều đất đai trên thế giới được sử dụng để nuôi tôm và phần lớn số đất này bị thoái hóa dần theo thời gian do nồng độ muối và vi khuẩn của nước ao nuôi tích tụ. Cunha cho rằng, thế giới đang lãng phí đất đai để nuôi tôm. Bằng công nghệ nhà màng, ADS hy vọng sẽ tạo ra cuộc cách mạng hóa ngành nuôi tôm trên đất Mỹ. Hãy tưởng tượng, hàng triệu ha ao tôm trên thế giới được sử dụng để nuôi tôm, nếu chúng ta có thể giảm một nửa số đất đó và chuyển sang công nghệ nhà màng của ADS thì sẽ tiết kiệm được 500 triệu ha.


Có thể bạn quan tâm

nguon-thuc-an-song-cho-tom-su-tu-tao-luc-soi-va-oc Nguồn thức ăn sống cho… su-dung-am-thanh-doi-lai-de-uoc-tinh-sinh-khoi-trong-nuoi-trong-thuy-san Sử dụng âm thanh dội…