Mô hình kinh tế Nuôi Tôm Rạ, Tôm Cỏ Ăn Chắc

Nuôi Tôm Rạ, Tôm Cỏ Ăn Chắc

Ngày đăng 29/09/2013

Có thể so sánh mô hình nuôi trồng thủy sản kiểu mới này ở huyện Bình Đại (Bến Tre) cũng giống như mô hình chăn nuôi bằng đệm lót sinh học trong chăn nuôi heo, gà ở các huyện trong tỉnh. Mô hình này có nhiều ưu điểm là ít vốn, an toàn, ăn chắc, bảo vệ môi trường, phù hợp với bà con nông dân khi không đủ vốn để nuôi tôm theo hướng công nghiệp.

Bà Đỗ Thị Nga - cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện cho biết, từ đầu năm 2013 đến nay, với sự hỗ trợ của Công ty hợp danh sinh học nông nghiệp Sinh Thành (TP. Hồ Chí Minh) đưa chế phẩm sinh học tôm rạ, tôm cỏ và làm thí điểm mô hình nuôi trồng thủy sản kiểu mới ở ba xã Thừa Đức, Thạnh Trị, Thạnh Phước.

Mô hình tôm rạ có hơn 20 hộ tham gia, với diện gần 25 ha; mô hình nuôi tôm cỏ có 5 hộ tham gia, với diện tích khoảng 2ha. Theo kết quả ban đầu từ mô hình tôm rạ (sau khi thu hoạch lúa, bà con sử dụng rơm và rạ để nuôi tôm sú hoặc tôm thẻ chân trắng) ở ba xã có mô hình, tất cả đều cho kết quả khả quan.

Bà Nga cho biết, phần lớn bà con có lãi từ 10-20 triệu đồng sau gần ba tháng nuôi. Riêng với mô hình nuôi tôm cỏ, trong năm hộ tham gia có hộ anh Nguyễn Văn Ngót - ấp 5, xã Thạnh Phước đã thu hoạch với diện tích 1.700m2 và cũng cho hiệu quả kinh tế tốt. Nuôi tôm bằng cỏ rất dễ áp dụng và thích hợp với điều kiện đất đai của bà con nông dân, nguyên liệu cỏ cũng rất dễ tìm.

Anh Ngót-người nuôi thành công mô hình này cho biết, cỏ gì cũng được, không có đủ thì tàu lá dừa, tàu chuối, rau muống, cây sậy… đều có thể sử dụng làm thức ăn cho tôm. Khi lấy nước vào ao, bà con diệt cá tạp (cá lóc, cá đối), cắt cỏ bỏ vào ao với mật độ 1 m2 = 2 kg cỏ rồi rải đều chế phẩm sinh học tôm rạ, tôm cỏ vào với liều dùng 15 kg/1.000 m2. Sau một tuần, bà con thả tôm vào.

Điểm đặc biệt nữa của mô hình này là tháng đầu tiên sau khi thả tôm, bà con không cần cho ăn. Từ tháng thứ hai, khi tôm đã lớn, bà con mới bắt đầu cho ăn dặm (thức ăn công nghiệp). Nuôi tôm rạ cũng vậy, sau thu hoạch lúa, rạ và rơm bà con rải đều trên ruộng, cho nước vào và dùng chế phẩm sinh học tôm rạ, tôm cỏ rồi thả tôm nuôi.

Ông Trần Minh Thành - Giám đốc Công ty hợp danh sinh học nông nghiệp Sinh Thành cho biết, chế phẩm sinh học này có tác dụng cân bằng môi trường nước, tạo ô-xy, giúp phân hủy rơm, rạ, cỏ hay những nguyên liệu khác thành thức ăn cho tôm.

Ngay cả phân tôm cũng được chuyển hóa thành thức ăn lần nữa, nên môi trường trong ao nuôi lúc nào cũng sạch, tạo môi trường thuận lợi để tôm sống và phát triển tốt, rất ít dịch bệnh xảy ra. Bà con cũng không cần phải xả thải nước ra bên ngoài như kiểu nuôi công nghiệp. Theo ông Thành, sau lần thu hoạch đầu tiên, cải tạo ao (diệt cá tạp) và cho cỏ mới vào rồi xử lý bằng chế phẩm sinh học là bà con tiếp tục thả nuôi, không cần xả thải nguồn nước.

Mục đích của Công ty là giúp cho bà con nông hộ nghèo, cận nghèo đang thiếu vốn sản xuất có điều kiện cải thiện đời sống với hình thức nuôi mới này. Hiện tại, giá bán một bao chế phẩm sinh học (25kg/bao) là 350 ngàn đồng, nhưng theo ông Thành, đối với người nuôi lần đầu tiên, Công ty sẽ hỗ trợ miễn phí hoặc bán với giá giảm 50%.

Với diện tích 1.700m2, anh Nguyễn Văn Ngót thả nuôi 30.000 con tôm post, sau 2 tháng 14 ngày thu hoạch được gần 200kg tôm thành phẩm. Với giá bán 132.000 đồng/kg, anh thu về gần 25 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí ban đầu bỏ ra chỉ từ 6-7 triệu đồng. Một chủ thu mua tôm cho biết, so với tôm nuôi kiểu công nghiệp, thì tôm rạ, tôm cỏ có kích thước đồng đều và đẹp hơn.


Có thể bạn quan tâm

cong-dien-ung-pho-bao-so-10 Công Điện Ứng Phó Bão… nong-dan-lam-giau-tu-vuon-uom Nông Dân Làm Giàu Từ…